Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013


Nhớ mãi Thầy - TT. Thích Viên Thành
image
Tôi không bao giờ quên được buổi chiều hôm đó. Thầy cho tôi vào thăm thất của Thầy tại chùa Thầy (thuộc tỉnh Hà Tây cũ). Tôi bị choáng ngợp bởi bức tượng Đức Phật nằm (Sau này, khi đã đi Tứ Động Tâm, tôi mới biết rằng đó là tư thế Ngài nhập diệt).
Lần đầu tiên trong đời tôi có duyên lành có mặt ở 1 nơi thanh tịnh và an lạc đến vậy. Lần đầu tiên tôi thấy một nơi có nhiều năng lượng đến thế. Lần đầu tiên tôi được tĩnh lặng và cảm nhận thân tâm mình như hòa vào với đức Bổn Sư. Thật là tuyệt diệu. Đó là câu chuyện của quãng gần 15 năm về trước.

Một kỷ niệm khác mà tôi không thể quên. Tôi có duyên lớn khi được chứng kiến cách ứng xử tuyệt vời của Thầy trong 1 tình huống. Khi xe của thầy trò chúng tôi về đến chùa Thầy thì thầy vào trước. Vài người trong đoàn nán lại phía ngoài bởi có 1 người đàn ông say rượu cứ đòi gặp Thầy.
Những Phật tử có mặt giải thích rằng Thầy mới đi xa về mệt nên Thầy cần nghỉ. Hơn nữa khi bác mới uống rượu, mặt đỏ, nói năng không nhã nhặn không nên gặp thầy. Tuy nhiên người đàn ông kia cương quyết đòi gặp. Phía các Phật tử ngăn lại. Bác ta thì đẩy ra đòi xông vào. Thế là xảy ra to tiếng.

Lúc đó Thầy của chúng tôi đang ngồi tiếp khách phía trong. Tôi ngồi cùng thầy. Tự nhiên tôi thấy Thầy đứng dậy và đi ra ngoài. Hóa ra thầy nghe thấy to tiếng và đứng lên xem có chuyện gì. Sau khi các Phật tử báo cáo, thầy nhẹ nhàng nói cho mời bác say rượu kia vào.

Thầy của chúng tôi rất ân cần mời bác ta ngồi xuống. Người đàn ông kia bắt đầu khen rượu ngon và rằng uống rượu rất tuyệt vời. Ông ta mời Thầy uống một ly. Nhất là đang mừng chuyện vui trong gia đình ông. Thầy của chúng tôi nhẹ nhàng giải thích rằng đó là 1 trong 5 giới cơ bản nhất của Phật tử, và rằng ngay cả các Phật tử cũng không nên uống rượu chứ không nói đến các quý thầy đã xuất gia.
Người đàn ông bắt đầu to tiếng với Thầy, rằng thầy không coi trọng ông ta, rằng Thầy không muốn vui với niềm vui của gia đình ông. Ông ta nói rất to, thậm chí có vẻ hơn hỗn. Tôi đứng lên can và muốn đưa ông ra ngoài nhưng thầy ngăn lại. Thầy chăm chú ngồi nghe. Tôi thấy Thầy nghe rất thành tâm, rất an lạc. Thầy kiên nhẫn nghe đến khi người đàn ông kia hết nói. Chắc phải mất đến 15 phút!

Khi ông ta đã dịu xuống, Thầy nhẹ nhàng cám ơn và khuyên ông ta nên hạn chế bớt rượu nếu chưa bỏ được rượu. Thầy vui vẻ chúc phúc cho gia đình và cầu cho ông ta và gia đình được bình an. Cuối cùng người đàn ông vui vẻ bỏ đi và cám ơn Thầy.

Nói thật, theo dõi toàn bộ câu chuyện tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi học được biết bao điều từ câu chuyện nhỏ này. Làm sao có thể bình thản để giải quyết mọi chuyện. Làm sao có khả năng xoay chuyển tình huống. Làm sao biết cách hóa giải nghiệp chướng cho chúng sinh, biết mang lại bình an cho những ai đang bất an. Cái tôi nhận ra rất rõ là tình yêu thương vô bờ bến của Thầy. Hình như chính lòng thương xót chúng sinh đang trong u mê giúp Thầy của chúng tôi có thể làm mọi việc nhẹ nhàng đến vậy.

Sau này mỗi khi có chuyện, tôi hay nhớ lại cách ứng xử của thầy của năm xưa để ứng dụng.

Tôi còn nhớ, có lần chúng tôi đợi Thầy. Mãi gần nửa đêm Thầy mới về. Cũng không nghĩ rằng Thầy có thể dành thời gian để tiếp và xử lý công việc của chúng tôi. Vậy mà thầy mời chúng tôi uống trà, lấy bánh và trái cây mời chúng tôi ăn và tận tình chỉ bảo cho chúng tôi. Công việc Thầy giải quyết cho chúng tôi rất nhẹ nhàng và thật sự tuyệt vời. Chúng tôi rời Thầy lúc đã nửa đêm!

Thế mà Thầy của chúng tôi đã rời bỏ xác thân này được hơn chục năm rồi. Nhanh quá. Biết bao kỷ niệm với Thầy tôi vẫn nhớ như in. Biết bao bài học từ Thầy tôi vẫn khắc ghi. Nhiều lúc nhớ thầy và chỉ mong có Thầy bên cạnh để dạy bảo. Lũ học trò chúng tôi hay ngồi, nhớ lại những kỷ niệm và nhớ thầy.

Thầy của chúng tôi là cố Thượng Tọa Thích Viên Thành. Thầy là trụ trì của chùa Hương Tích, vùng đất thiêng, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng hàng đầu Việt Nam. (Bây giờ chúng tôi đều gọi thầy bằng 1 từ rất trân trọng là TỔ).
Đầu xuân, khi hang vạn người dân đất Việt đang trẩy hội chùa Hương, tôi lại càng nhớ thầy. May thay, trước tết âm lịch Thượng tọa Thích Minh Hiền đã dành trọn 1 ngày để đón tôi và các đồng nghiệp tại chùa Thiên Trù. May thay, bữa cơm chay đầm ấm và những sẻ chia của Thượng tọa đã cho tôi như đang được đang bên thầy.

Khi gõ những dòng chữ này tôi thành tâm biết ơn chị Thịnh, người bạn đã lâu rồi không gặp, đã gieo duyên và đưa tôi đến gặp Thầy. Chị cũng là người đã rất hay cùng tôi đến thăm Thầy. Ngày xưa.   

Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng Giám Đốc công ty sách Thái Hà

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Sức mạnh của sự tình cờ


Tôi mượn tên quyển sách của David Richo, để nói về những lần tình cờ mà cuộc sống đem đến với tôi. Có những sức mạnh kì lạ, không giải thích được!
Con người sống không nên nhìn lại quá khứ, dẫu là vàng son hay ê chề thì chung quy lại 1 bản chất “ đều không thay đổi được và đã qua...”
Không thể níu kéo điều đã qua, nên ai còn cố nắm giữ sẽ chỉ có khổ đau mà thôi.
Nhưng đôi khi, nhìn lại để quán chiếu thấy rằng, quá khứ là tạo tác cho ngày hôm nay. Mình soi xét lại để sống trọn vẹn trong thực tại hơn. Vạn vật nương tựa nhau mà biểu hiện, từ A sinh ra B, B sinh tiếp ra C, và chuỗi tuần hoàn đó cứ tiếp diễn...
Đôi khi tình cờ là một dòng ghi chú trên facebook, người ta gặp gỡ nhau, rồi yêu nhau, kết nghĩa vợ chồng cũng không chừng...Một tình yêu lớn bắt đầu từ tình cờ thật nhỏ mà thôi!
Và cũng vậy, đôi lúc chỉ vì một lời nói vô tình làm cho người ta xa nhau, không còn tìm được những đồng cảm nữa. Phút chốc, tòa lâu đài yêu đương xây trên cát kia, sụp đổ...không sót lại 1 dấu vết...
Sự tình cờ đâu phải là tình cờ như thế gian vẫn hay nghĩ. Đó là duyên, từ vô thỉ kiếp mới tạo tác ra được điều tình cờ ấy.
Nhưng nói duyên không thì e là không đủ, vì con người có thể chuyển nghiệp được. Sự tình cờ là phước lành cho ta gặp đúng người mình yêu, hay là oan gia phải “trả nợ” nhau, âu đó còn phụ thuộc vào cách hành xử, tâm tính, sự hiểu biết, yêu thương của mỗi cá nhân.
Tình cờ 1 cái nhìn, 1 ánh mắt, 1 lời nói bỗng lay động cả tâm can ta. Một ta tưởng chừng rất vững chãi bỗng chốc như tan chảy khi gặp được người mà những tần số đồng cảm rung lên như chuông báo động. Ta yêu một người và không thể trả lời lí do vì sao?
Nếu nói là sự xúc động mạnh mẽ của sức quyến rũ giới tính e là không đủ, sự ngưỡng mộ, đồng cảm cũng không đủ! Bởi nếu còn liệt kê ra được lí do nào, thì ta có thể tìm thấy những điều “na ná” tình yêu ấy dễ dàng ở bất kì ai. Nhưng không! Trái tim có linh cảm riêng và niềm tin riêng của nó...
Khi ngồi xuống và quán chiếu 1 mối quan hệ thân thiết đã qua, tôi chợt phát hiện ra cái tính “không” mà Đức Phật dạy luôn hiển hiện trong đời sống này. Chỉ bởi vô minh che lấp tháng ngày, nên ta không thấy được!
Trước lúc gặp nhau, ta với người yêu là hai thực thể xa lạ, không là gì của nhau, mỗi người một con đường riêng. Rồi nhân duyên gieo trồng, một tạo tác nhỏ như một cái nhìn, một cuộc gặp mặt làm ta xao xuyến, muốn có nhau và yêu nhau. Duyên hết chỉ đơn giản bởi sự tình cờ bất cẩn, ta nói một lời nói gây tổn thương, rồi mọi thứ cũng trở về không : Không là gì của nhau, mỗi người một con đường riêng.
Không vẫn hoàn lại không. Bản chất thực là như thế! Nhưng sẽ có khác giữa không lúc đầu và lúc sau, nếu ta còn thêm thắt chất liệu cảm xúc và nắm giữ. Nếu còn nắm giữ, cái ta hiện có vẫn là không đấy thôi, nhưng ta không chấp nhận được. Trách người không xong, ta quay lại trách mình, ta loay hoay, ngụp lặn trong cái khổ mà chính mình vẽ nên, rồi cũng chính ta lấy dây buộc mình vào cái viễn cảnh ấy!
Nên hãy quán chiếu một mối quan hệ thân thiết như hai nhánh sông chảy, gặp nhau ở một đoạn, và rồi lại tách nhau ra sẽ thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nếu ta biết tha thứ cho người, thì không có lí gì không thể tha thứ cho mình! Hãy để mọi thứ trôi theo dòng chảy của duyên sinh-diệt...
Sự tình cờ là hạt giống nhân duyên ta gieo trồng từ những kiếp trước, nên hãy cứ vui vẻ đón nhận những tình cờ ấy. Sức mạnh của sự tình cờ cũng có thể ví như “hiệu ứng cánh bướm” mà nhà khí tượng học Lozen khám phá ra từ năm 1972, với câu nói nổi tiếng : “ Liệu một con bướm vỗ cánh ở Brazil có gây nên một cơn lốc xoáy ở Texax?”
Một tác nhân nhỏ có thể gây nên một sự kiện vĩ đại. Một hòn đá nhỏ có thể thay đổi dòng chảy cả một dòng sông. Vì thế, đừng coi thường “sự tình cờ”, cuộc gặp gỡ nào hoặc điều gì xảy ra trong cuộc đời này cũng đều có lí do riêng của nó.
Hãy vui vẻ đón nhận, trân trọng và nỗ lực nuôi lớn hạt giống tình cờ ấy thành vườn cây yêu thương, an lành. Cuộc đời chúng ta được quyết định bởi tâm trí của mình. Có những phút giây tích tắc làm thay đổi cuộc đời bạn, vì thế “tỉnh thức” và “sống trong chánh niệm” luôn là kim chỉ nam để ta làm chủ thân tâm và làm chủ cuộc đời mình.
Vô Thường
Nguồn: http://phathocdoisong.com/news/suc-manh-cua-su-tinh-co.d-1825.aspx

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông sắp hoàn thành


Như vậy là đã 3 tháng kể từ ngày diễn ra lễ Khởi công tôn tác tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tôngtại Chùa Vĩnh Nghiêm TPHCM.

Thời gian trôi đi quá nhanh. Công việc tạo hình tượng Phật Hoàng liên tục được diễn ra không ngừng nghỉ dưới bàn tay khéo léo và tài năng của nhóm thợ Việt có tay nghề cao. Hàng triệu người dân Việt Nam đang theo dõi từng ngày mong đến ngày được chiêm bái bức tượng Ngài bằng ngọc quý.



Phật tử Thiện Đức cùng thầy Thích Thiện Nghĩa bên tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc

       Hôm nay là đúng 3 tháng kể từ ngày khởi công5/7/2012. Tình cờ, lần quay lại  “đại bản doanh” nơi những người thợ đang miệt mài làm việc đúng ngày tròn 3 tháng. Đoàn chúng tôi gồm 4 thầy trò do sư thầy Thích Thiện Nghĩa, trụ trì chùa Thiền Lâm (tức chùa Gò Kén) dẫn đầu. Công việc đang diễn ra hối hả. Nhưng kết quả của công trình vĩ đại này làm ai cũng ngạc nhiên và vui đến bất ngờ.

       Nếu bạn có cơ duyên nghiên cứu về ngọc bạn mới hiểu ngọc quý và hiếm thế nào, cứng và đẹp ra sao, chế tác vất vả đến chừng nào. Bạn có thể biết rằng, từ khoảng 7.000 năm nay, ngọc đã được con người biết đến và rất quý trọng. Người Ai Cập cổ đại quan niệm, ngọc là những giọt máu của rồng. Người phương Đông coi ngọc là vật đứng đầu trong "tứ đại quý". Chính vì sự hiếm quý đặc biệt đó mà ngay từ thời cổ đại, ngọc đã trở thành biểu tượng của quyền lực, giàu sang, vẻ đẹp và sự cao quý.

 

Đoàn chúng  tôi cùng các nghệ nhân điêu khắc tôn tượng

Bức tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông được chế tác từ khối ngọc 4,5 tấn, được mua từ cùng mỏ ngọc đã chế tác ra bức Phật Hòa Bình Thế Giới. Tôi đã từng vô cùng sung sướng đến tột cùng khi biết tin Việt Nam chúng ta được sở hữu khối ngọc quý này. Tôi luôn biết ơn chư Phật đã độ trì để khối ngọc quý, cuối cùng, đã về đến đất Việt thật sự. Và chỉ đến khi lễ khởi công tôn tác bức tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông diễn ra thì biết bao người mới tin rằng Phật Hoàng được tôn vinh đúng mức.

Với ưu thế về độ cứng song lại rất dẻo, muôn sắc mầu đẹp rực rỡ vàtinh khiết, khối ngọc quý qua bàn tay khéo léo của những người thợ Việt cứ vậy dần dần hình thành. Tôi nghĩ, phải có tinh hoa từ trời đất những bàn tay nghệ nhânmới có thể làm ra tác phẩm kỳ diệu này. Bởi thật khó tin khi những con người Việt có thể chỉ mất hơn 1 tuần vất vả mà khối ngọc đã được xẻ thành công, vóc dáng của Phật ngọc đã định hình. Và bởi chỉ sau 3 tháng mà kết quả đã lớn đến khó tin là vậy.

Ngọc xanh biếc, trong vắt và bóng như soi gương làm chochúng tôi vô cùng phấn khởi. Toàn thân Phật Hoàng là ngọc quý. Đẹp vô cùng. Càng ngắm càng thấy đẹp. Càng nhìn càng muốn gần Ngài. Vậy là ơn Chư Phật đã phù hộ để chúng tacó được niềm vui và hạnh phúc khó tả.

Tôi rất thích nói chuyện với nhóm những người thợ đang miệt mài làm việc. Chúng tôi cùng anh Đinh Danh Tư – “kiến trúc sư trưởng” ngắm nghía từng góc cạnh của bức tượng. Ngắm từ xa lại gần. Ngắm từng phần và toàn thân. Ngắm cả phải trái, trước sau. Phải công nhận là đẹp, và giống như tôi tưởng tượng trong đầu. Phải công nhận là có hồn và năng lượng tràn ngập xung quanh. Thật tuyệt vời.

Tôi lặng người trong giây lát trong lần viếng thăm này, bởi từ khối ngọc 4.5 tấn, giờ đây Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã hiện hình. Tôi tưởng tượng ra khung cảnh khi bức tượng được đặt trên đế sen, và với tổng trọng lượng gần 14 tấn sẽ uy nghi biết chừng nào. Và như vậy tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc quý sẽ kịp hoàn thành chào mừng đại hội Phật giáo Việt Nam sẽ diễn ra từ 22 đến 24 tháng 11 tại Thủ đô Hà Nội.

Trước khi về, sư thầy Thích Thiện Nghĩa nói với nghệ nhân Đinh Danh Tư rằng anh nên ngồi thiền trước bức tượng đang hoàn thiện vào giờ tý. Cứ vậy và quán chiếu thân Phật Hoàng. Cứ vậy chắc chắn công đoạn cuối cùng là chỉnh sửa và làm bóng bức tượng sẽ tốt đẹp nhất. Bởi đây là giai đoạn cuối, cần sự tỷ mỷ và công phu. Bởi đây là công đoạn quan trọng nhất. Nghe đến đây tôi nghĩ, nhất định mình sẽ quay lại để ngồi thiền trước Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Nhất định!

Được biết khối ngọc bích quý đã được các quý thầy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như ngài Pháp vương và 108 vị Lạt ma chú nguyệncuối tháng 10/2011vừa qua. Và những người có duyên lành được sở hữu khối ngọc quý này cũng sẽ lựa chọn ngọc có chất liệu đẹp nhất để phục chế Ấn tổ của nhà Trần theo nguyên bản ấn cổ. Chiếc Ấn này sẽ được tặng cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để bán đấu giá gây quỹ “Vì người nghèo”./.

Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng – CEO Công ty sách Thái Hà

Nguồn: http://phathocdoisong.com/news/tuong-phat-hoang-tran-nhan-tong-sap-hoan-thanh.d-1637.aspx

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận - Doanh nhân binh nhì hiến dâng cho giáo dục

Tôi đến thăm ông và rất ấn tượng với bức ảnh ông cho tôi xem - cậu thanh niên Nguyễn Tiến Luận 17 tuổi đeo quân hàm binh nhì. Ông nói rằng, đó là niềm tự hào của ông. Và rằng ông thích bức ảnh này nhất. Ông thường mặc bộ quần áo này trong các lễ khai giảng, trong các chương trình giao lưu và nói chuyện với giảng viên và sinh viên đại học Nguyễn Trãi - ngôi trường do chính ông sáng lập.

Trong suốt buổi sáng ngồi với nhau, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận nói về mình thì ít mà về đồng đội thì nhiều. Ông kể về những đồng đội đã cùng ông ra trận năm 1969, cùng là lính bộ binh. Ông nói về những trận chiến đấu cam go, rằng những ngày đêm trong chiến trường ác liệt đã rèn luyện để có một Nguyễn Tiến Luận của ngày hôm nay. Ông nói rằng ông đã quyết định mở trường đại học để trả ơn cho đời, trả ơn cho sự may mắn, trả nghĩa cho các đồng đội không còn nữa.

A Luan NTU.jpg
 Tác giả và Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận (phải)

Tôi nhớ như in bức ảnh quý mà ông may mắn có được vẫn đang lưu trong máy điện thoại của ông. Cậu thanh niên Luận ngày ra trận khi đó và tiến sĩ, doanh nhân Nguyễn Tiến Luận ngày nay có khá nhiều điểm tương đồng. Hình như trong con người nghị lực và ý chí, chứa bao tri thức và lòng quyết tâm hôm nay có sự rèn luyện rất tuyệt vời của 8 năm quân ngũ khi xưa. Và rằng sự tôi luyện rất quan trọng để ông trưởng thành.

Khuôn mặt và ánh mắt, giọng nói và cử chỉ của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận luôn toát lên một con người rất có tâm. Bạn Phương Thảo - Phó Giám đốc Thái Hà Books đi cùng tôi thì nói rằng hình như tất cả những người thành đạt xuất thân từ người lính đều có cái gì đó rất chất phác, rất thật thà, rất dũng mãnh. Em Thu Huyền - phụ trách hợp tác xuất bản thì cho rằng, chỉ những người có tâm Phật mới dám bỏ ngang công việc kinh doanh đang kiếm bộn tiền để mở trường đại học. Tôi thì mê những câu chuyện về đồng đội của vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Nguyễn Trãi Nguyễn Tiến Luận. Những câu chuyện rất đỗi đời thường, rất tình người, rất tuyệt vời trong suốt mấy chục năm qua chắc cũng đủ để tôi viết nên cuốn sách 300 trang!

Tôi đặc biệt ấn tượng với câu chuyện ông kể về những người đồng đội của mình sau ngày đất nước thống nhất. Có 3 người lính bạn ông cùng đến viếng mộ của một đồng đội. Người thứ nhất muốn khóc bạn mà mắt đã mù. Người thứ 2 muốn chắp tay vái bạn, thậm chí chỉ muốn sờ vào tấm bia mộ mà tay không còn. Người thứ 3 muốn quỳ xuống trước nấm mồ mà không thể vì chân anh không còn nữa. Ông may mắn hơn cả 4 người kia. Chính vì tấm lòng đối với các đồng đội, chính vì muốn trả ơn những người đã không còn nữa nên ông quyết định chọn lĩnh vực cống hiến là giáo dục. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận nói rằng, làm nên tương lai là khó nhất, nhiều chông gai và thách thức nhất. Chính giáo dục mới cần đến trí tuệ và quyết tâm, đến trí óc và trái tim, đến đam mê và khí phách.

Tôi thích cách dạy học rất có tâm của ông. Ông bảo, nếu các trò không chào mình thì mình chào trước. Nếu các em không nghe thấy ông chào to hơn. Rồi ông tâm sự với sinh viên. Và ông hỏi xem các em có muốn được chào không. Để các em hiểu rằng chào nhau là tốt, rằng yêu thương là tuyệt vời. Ông cho rằng có những thầy cô giáo cứ nghĩ mình là bậc trên nên chỉ chờ các trò chào. Nếu trò không chào là mình khó chịu. Như vậy vẫn là bản ngã, rằng chữ “tôi” còn vẫn rất lớn. Rằng nếu ta biết cho đi ắt sẽ nhận được, cho càng nhiều nhận càng lớn.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận đi nhiều nước, học ở nhiều nơi. Ông đã biết kiếm tiền và kiếm được nhiều tiền từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ông đã lập nghiệp ở châu Âu, kiếm tiền từ trời Tây và có ít nhất 8 năm sống ở nước giàu có nhất châu Âu - Đức. Ông cho rằng đầu tư cho giáo dục là lãi nhất, bởi ta đầu tư cho tương lai của đất nước và của chính mình. Ông từ chối sống ở trời Tây, quyết về Việt Nam phụng sự dân tộc, để trả nợ cho đời.

Tôi thích nhất khi chúng tôi bàn về hai chữ đạo đức. Ông nói rằng cần phải có đạo trước rồi mới có đức sau. Rằng nếu chúng ta là người có đạo, ắt sẽ có đức. Ông cho rằng đạo Phật rất ngấm vào người ông và ông luôn làm theo những lời Phật dạy. Ông mở máy điện thoại di động cho chúng tôi xem 14 lời răn của Đức Phật và phân tích về 14 lời dạy này dưới góc nhìn của một doanh nhân và một nhà khoa học.

Ông biết tôi tu tập theo đạo Phật nhiều năm, hay nói chuyện và truyền lửa cho thế hệ trẻ nên mời tôi đến giao lưu với sinh viên. Ông cho rằng các em cần được phân tích đúng sai, cần được hướng dẫn cách sống, cách lựa chọn cuộc đời trước khi học kiến thức. Không thể không góp tay, góp trí cùng vị binh nhì doanh nhân tâm huyết này!

Tôi chợt nhận ra mình đang ngồi ở tòa nhà 12 tầng tại 226 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Chính doanh nhân tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận đã bỏ tiền ra mua miếng đất này rồi xây nên tòa nhà. Tôi chợt nghĩ, nếu không cần làm gì, chỉ cần cho thuê nhà thôi, chắc ông cũng thừa tiền để du lịch quanh năm, đi khắp thế giới! Nhưng ông lại dành thời gian, tâm huyết cho giáo dục, cho sinh viên đất Việt.

Khi gõ những dòng chữ này tôi nghĩ, tiến sĩ doanh nhân Nguyễn Tiến Luận đang muốn tạo ra các giá trị sống cho thế hệ trẻ. Ông và các cộng sự đang muốn phát triển khả năng tư duy của các trò, đang muốn thế hệ tương lai của đất nước phát triển hết khả năng của bản thân mình, trở thành những người có tâm và có trí, có đạo và có đức. Và chỉ những người có tấm lòng cống hiến, có tính thiện cao mới mang lại nhiều lợi ích cho chính bản thân mình và xã hội.

Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của vị doanh nhân 8 năm khoác áo lính Nguyễn Tiến Luận “Khát vọng lớn nhất của mình là sống để trả nợ, tri ân đồng đội. Phần thưởng lớn nhất dành cho mình là những sinh viên thành đạt. Mong muốn lớn nhất của mình là giúp sinh viên thành công hơn thầy. Mình mong Hùng chung tay giúp mình”. Tôi cảm nhận rất rõ sự chân thật trong mỗi lời nói. Tôi biết rất rõ tâm huyết và tấm lòng của anh. Tôi không biết làm gì hơn ngoài việc siết chặt tay và nói một từ “nhất trí”.

Tôi nhắm mắt lại và thấy trước mắt mình doanh nhân thành đạt, tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận  trong bộ quân phục và quân hàm binh nhì./.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng
(Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Sách Thái Hà)

Nguồn: http://www.giacngo.vn/thuvien/thongtinthuvien/2012/08/25/3FD418/

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Điều không bao giờ xảy ra



Ở trong đời nầy, chuyện mèo đẻ ra trứng, rắn bò có chân, rùa có lông, thỏ có sừng là những chuyện hoàn toàn không bao giờ có thật và không bao giờ xẩy ra ở trong thế gian nầy.

Cũng vậy, sống trong đời, các điều sau đây không bao giờ xẩy ra đối với ta:



1- Ta đối xử với người không chân thật, mà mong người đối xử chân thật với ta là điều không bao giờ xẩy ra.

2- Ta gian tham tài sản của người; mà mong người giao tài sản cho ta cất giữ là điều không bao giờ xẩy ra.

3- Ta sống không đoan chánh, lễ độ với người, mà mong người sống lễ độ và đoan chánh với ta là điều không bao giờ xảy ra.

4- Ta đối xử với người bằng tâm ý trách móc, hận thù, mà mong người đối xử với ta bằng tâm ý thân thiện, gần gủi là điều không bao giờ xẩy ra.

5- Ta không đối xử với người bằng tình thương, mà mong người đem tình thương đối xử với ta là điều không bao giờ xẩy ra.

6- Ta đối xử với người bằng tâm cố chấp, mà mong người đối xử với ta bằng tâm ý hỷ xả là điều không bao giờ xẩy ra.

7- Ta đối xử với người bằng tâm ý cao ngạo, mà mong người kính trọng ta là điều không bao giờ xẩy ra.

8- Ta đem tâm kỳ thị để đối xử với người, mà mong người không đối xử kỳ thị đối với ta là điều không bao giờ xẩy ra.

9- Ta sống với tâm tham đắm tài sản và quyền lực, mà mong có giấc ngủ yên bình là điều không bao giờ xẩy ra.

10- Ta sống với tâm ý hại người và không đoan chánh, mà trong lòng không sinh ra sợ hãi là điều không bao giờ xẩy ra.

11- Ta sống với tâm nhỏ bé, mà mong mọi người đều quy phục ta là điều không bao giờ xẩy ra.

12- Ta sống chạy theo hình thức bên ngoài, mà tâm ý không vọng động theo đúng, sai là điều không bao giờ xẩy ra.

13- Ta sống không biết lắng nghe và học hỏi, mà mong cầu có tiến bộ là điều không bao giờ xẩy ra.

14- Sống chạy theo danh vọng, mà không gặp nguy nan là điều không bao giờ xẩy ra.

15- Sống và làm việc với tâm phiền não, mà mong có thảnh thơi và tự do là điều không bao giờ xẩy ra.

16- Sống và làm việc theo cá tính, mà mong có tri kỷ là điều không bao giờ xẩy ra.

17- Người lãnh đạo sống thiếu độ lượng, mà mong có những phụ tá giỏi là điều không bao giờ xẩy ra.

18- Người lãnh đạo thiếu khả năng quyết đoán công việc, mà mong thuộc cấp có tài năng không lấn lướt là điều không bao giờ xẩy ra.

19- Muốn mọi người lúc nào và ở đâu cũng đều làm theo ý của mình là điều không bao giờ xẩy ra.

20- Người khác ăn mà mình no, người khác thở mà mình sống là điều không bao giờ xẩy ra.

Ta quán chiếu những điều trên đây một cách thường trực và sâu sắc, trí và minh sẽ khởi lên trong tâm ta; từ bi và hỷ xả sẽ khởi lên trong đời sống của ta, giúp ta lấy lại niềm tin và vượt ra khỏi mọi vô minh ảo tưởng và khổ đau ngay ở trong cuộc sống nầy.

Thầy Thích Thái Hòa


Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Thiên đường ở đâu?





- Này ông,

- Gì, để tôi ngủ thêm tí nào

- Dậy đi, chở tôi ra chợ hoa bằng xe đạp đi

- Sao hôm nay bà lại giở giời thế này. Ra mua cái vé tàu điện ngầm mà đi chợ... Bà lão thân yêu ơi, cho tôi ngủ thêm tí nữa thôi mà...?
Lèm bèm, năn nỉ đủ cách mà chả được, ông cũng đành dậy.

Hai ông già bà cả đèo nhau trên cái xe đạp của thằng cháu. Thời buổi động 1 tí là người ta đi tàu ngầm, ô tô, 2 ông bà trên cái xe đạp làm bao nhiêu người đi bộ phải ngoái nhìn.

- Lát ông phải mua hoa tặng tôi nhé.

- Ừ, mua cho bà 1 củ khoai ngay đây.

- Ơ, tôi bảo mua hoa cho tôi mà.

- Mua cho bà củ khoai để bà ngồi ăn, đỡ ngồi réo sau lưng tôi nữa.

Gió thổi dìu dịu theo những bánh xe quay. Tia nắng vàng chảy tràn những con phố thân thuộc. Bà dựa vào lưng ông, tận hưởng cảm giác bình yên thư thái. Những kỉ niệm xưa ùa về trong tâm trí, mờ ảo nhưng vẫn thật lung linh ấm áp. Những lần đưa đón, hẹn hò, giận dỗi... Ông im lặng, có lẽ ông cũng đang nhớ lại thuở đẹp đẽ xưa kia.
Hai ông bà ra chợ hoa, xong cũng chả mua gì. Ông thì không có hứng thú với hoa hoét, bà thì xem xem ngắm ngắm xong rồi cũng chả chọn hoa nào. Chợt ông bật cười:

- Cứ y như cách đây bốn chục năm ý nhỉ. Bà vẫn là cái đồ kiết xu như trước.

- Còn ông gạch ngói bốn mươi năm vẫn chẳng mòn.

Bà cười thật lớn. Nhưng thật sự bà đang cảm thấy rất mệt. Gần đây bà thường xuyên bị lả người và gầy đi rất nhiều. Chiếc lá vàng, chỉ chờ một cơn gió nhẹ để trở về với lòng đất...
Hôm nay là sinh nhật ông vì thế mà bà "giở giời" như vậy. Ở cái tuổi răng đã lung lay cả hàm thế này nói đến chữ “sinh nhật” có vẻ không hợp, và ở tuổi này thì còn ai mà nhớ đến ngày sinh nữa đâu. Nhưng bà có một linh cảm, có lẽ đây là lần sinh nhật cuối cùng của ông mà còn có bà ở bên...

- Cho ông hôm nay qua nhà mấy ông hàng xóm đánh chắn đấy

- Thật á, bà lão hôm nay được ăn củ khoai xong nên tử tế hẳn

Bà dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng những món ăn ông thích nhất. Bà cũng ra hiệu bánh đặt một chiếc bánh gato nho nhỏ. Cuối tuần, cả nhà đi vắng hết. Thế lại hay, bà muốn dành khoảng thời gian đặc biệt này với riêng mình ông. Đang chuẩn bị nốt nến để thắp bánh thì bà bỗng thấy tối sầm lại. Bà cố đi vào phòng, ra chiếc giường và nằm xuống nghỉ.

- Bà nó ơi, hôm nay tôi đánh thắng to nhé, các lão ấy bị tôi cho ăn hành tơi tả.
Không có tiếng trả lời, dự cảm chẳng lành, ông chạy ngay vào phòng của 2 người và thấy bà đang nằm đó. Trông bà rất yếu.

- Bà nó ơi, bà sao thế?

- Ông... tôi mệt lắm... Ông ra chỗ bếp mang bánh sinh nhật và nến vào đây.

Lúc này ông mới nhớ ra hôm nay là sinh nhật mình. Ông cảm thấy điều gì đó không ổn, nhưng ông không hỏi nữa và ra bếp lấy bánh vào.

- Giờ tôi mới nhớ ra hôm nay là sinh nhật tôi đấy. Bà cầu kỳ thế này. Bà nó ơi, bà nó thấy mệt lắm à, để tôi gọi bác sỹ đến xem nhé.
Bà mỉm cười.

- Ông ơi... Tôi thấy mình đã đến lúc lên thiên đường rồi.

- Bà nói gì thế, đừng nói nữa! Chỉ vớ vẩn.

Ông thấy sợ hãi khi nghe bà nói thế

- Ông để tôi nói... Tôi làm những món ông thích nhất... và có cả bánh gato nữa... Sinh nhật của ông lần cuối cùng mà tôi có thể ở bên... Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi có ông bầu bạn từng ấy năm...... Ông ở lại mạnh khỏe và chăm lo cho con cháu nhé...

Nước mắt lăn dài. Ông biết là ngày này sẽ đến nhưng ông vẫn cảm thấy không trụ vững nổi khi đối mặt với giây phút đó. Ông cầm tay bà, run rẩy, và ông nói trong nước mắt.

- Bà lão ơi, làm sao tôi có thể ở lại mà không có bà...

- Tôi muốn... nghe... điều ước... trong sinh nhật... của ông...

Ông nghẹn ngào và tưởng chừng trái tim mình cũng đang rời khỏi cơ thể để đi theo người vợ thân thương.

- Gặp bà và chung sống với bà là mọi điều ước của tôi đã thành hiện thực rồi. Nếu có ước tôi chỉ ước được gặp bà sớm hơn, bà lão ạ.

Bà nở nụ cười cuối cùng và nhắm mắt...

Bà đã có một thiên đường ở trần thế này. Giờ chỉ là đi đến 1 thiên đường khác, và chờ ông ở đó.. :"(

------------
From: ღ • Cafe Tình Yêu • ღ

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

NHỮNG LỜI DẠY THỰC TIỄN CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA

Hình ảnh: NHỮNG LỜI DẠY THỰC TIỄN CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA

Hãy bố thí cho kẻ khác, không mong đợi sự hồi đáp và cũng không tính toán gì hết; bố thí để tìm lấy sự sung sướng và để yêu thương, chính đấy là cách tạo ra những phúc hạnh lớn lao nhất. Đạo đức chính là những gì căn cứ trên lòng quyết tâm giúp đỡ kẻ khác.

1- Khi cảm thấy hoang mang, mất tự tin, hãy nghĩ ngay đến tiềm năng tuyệt vời được sinh làm thân con người, tấm thân ấy chỉ ước mong được nẩy nở. Vì thế, hãy nhìn vào kho tàng quý giá đó đang được cất giữ trong ta để tìm lấy nguồn hạnh phúc : hân hoan là một sức mạnh, hãy khơi động và chăm lo cho xúc cảm ấy.

2- Những gì cốt yếu có thể đem đến hạnh phúc chính là biết hài lòng với những gì đang là chính mình trong những giây phút hiện tại. Sự hoan hỷ nội tâm sẽ biến cải cảm quan của ta khi phóng nhìn vào vạn vật chung quanh, và ta sẽ tìm được sự anh bình cho tâm thức.

3- Khi có kẻ nào làm ta tổn thương, đừng do dự một chút nào cả, hãy tha thứ cho họ. Vì khi biết nghĩ đến những gì đang kích động họ và đưa họ đến những hành vi ấy, ta sẽ hiểu chính đấy là những khổ đau mà họ đang phải gánh chịu, không phải họ quyết tâm và cố tình làm ta thương tổn và gây thiệt hại cho ta. Tha thứ là một một phương cách xử sự tích cực dựa vào sự suy nghĩ, không phải là một hành động bỏ qua. Tha thứ là một hành động ý thức, căn cứ trên sự hiểu biết và chấp nhận hiện trạng thực tế của những cảnh huống xảy ra cho ta.

4- Hãy bố thí cho kẻ khác, không mong đợi sự hồi đáp và cũng không tính toán gì hết; bố thí để tìm lấy sự sung sướng và để yêu thương, chính đấy là cách tạo ra những phúc hạnh lớn lao nhất. Đạo đức chính là những gì căn cứ trên lòng quyết tâm giúp đỡ kẻ khác. Điều duy nhất có khả năng gom tất cả chúng sinh có giác cảm lại gần với nhau chính là Tình thương.

5- Hãy cám ơn kẻ thù của ta, họ là những vị thầy lớn nhất cho ta. Họ tập ta đương đầu với khổ đau và giúp ta phát huy sự nhẫn nhục, lòng rộng lượng và từ bi, nhưng không chờ đợi bất cứ một sự hồi đáp nào.

6- Những trang sức đẹp nhất mà ta có sẳn chính là tình thương và lòng từ bi. Nếu ta tìm hiểu những điều kiện nào có thể giúp ta đạt được hạnh phúc và tạo được an vui, ta sẽ nhận thấy những điều kiện ấy nằm trong khả năng con người và sự vận hành của tâm thức, và ta hoàn toàn có đủ khả năng để tạo ra những điều kiện ấy.

7- Không thể thực hiện sự giải trừ vũ khí bên ngoài, nếu không có sự giải trừ vũ khí trong nội tâm. Bạo lực làm phát sinh bạo lực. Chỉ có an bình trong tâm thức mới có thể tạo ra một sự sống trong sáng, không hàm chứa những xung năng đối nghịch. Sự giải binh toàn cầu là một trong những giấc mơ tha thiết nhất của tôi. Chỉ là một giấc mơ thôi...

8- Khổ đau tinh thần và tình cảm ta đang gánh chịu chính là người hướng dẫn vạch cho ta thấy thái độ của ta đúng hay sai. Tìm thấy ý nghĩa cho cuộc sống mà ta đang sống có thể làm nhẹ bớt hoặc vượt hẳn lên trên những khổ đau mà ta đang phải chịu đựng, điều ấy có nghĩa là ta cần phải biến cải sự vận hành của chính tâm thức ta.

9- Hãy biết hân hoan với hạnh phúc của kẻ khác, vì mỗi một dịp may như thế đồng thời cũng là một phút giây vui sướng cho riêng ta. Hãy hân hoan khi ta được hạnh phúc, bởi vì yêu thương kẻ khác khó có thể thực hiện được nếu ta quên yêu thương lấy chính ta, và sự hân hoan đó sẽ giúp ta tin tưởng và vững tâm hơn. Tùy vào cách cảm nhận trước những cảnh huống xảy ra trong sự hiện hữu, mà các thể dạng như trung hoà, hạnh phúc hay khổ đau sẽ phát sinh trong cuộc sống của chính mình.

10- Yêu thương và từ bi sẽ xoá bỏ mọi sợ hãi khi phải sống, vì khi nào những xúc cảm tich cực ấy hiển lộ trong ta, sự vững tin sẽ hiển hiện trong nội tâm và sự sợ hãi sẽ tan biến. Chính tâm thức ta tạo ra cái thế giới mà ta đang sống.

11- Tập khắc phục tâm thức chẳng những sẽ giúp ta sống trong an bình với chính ta mà đối với kẻ khác nữa, điều ấy cũng giúp ta tìm thấy sự hoan hỷ cho nội tâm trong bất cứ trạng huống nào mà ta vấp phải. Không có một điều gì hay bất cứ ai có thể làm cho một người khác cảm thấy bất hạnh, nếu người này có một tâm thức tinh khiết đã loại bỏ được những xúc cảm phát sinh từ những xung năng đối nghịch.

12- Chúng ta không thể nào tìm thấy hạnh phúc nếu chỉ biết ham thích ảo giác và không nhìn thẳng vào hiện thực. Hiện thực không tốt đẹp cũng chẳng sấu xa. Vạn vật là như thế, không thể nào bắt buộc chúng phải hiển hiện đúng với ý muốn của riêng ta. Thấu hiểu và chấp nhận điều ấy chính là một trong những chìa khoá của hạnh phúc.

13- Phật giáo giảng rằng giây phút trước khi chết thật hệ trọng, bởi vì những giây phút đó là dịp may cuối cùng giúp ta hiện hữu trong giai đoạn trung ấm (bardo) – tức thế giới chuyển tiếp giữa cái chết và sự tái sinh – xảy ra sau khi đã trút hơi thở cuối cùng. Để có thể sống với một tâm thức an bình trong những giây phút cuối cùng phải chuẩn bị suốt một cuộc đời tu tập, và trong những giây phút ấy cần phải tập trung tâm thức hướng vào những xúc cảm nhân từ thật sâu xa, hoặc hướng vào mối giây tình cảm buộc chặt thầy và môn đệ, hoặc hướng vào Tánh không và Vô thường, làm được như thế ta sẽ tái sinh trong một hoàn cảnh tốt đẹp. Những giây phút trước khi lâm chung thật quan trọng vì đó là lúc ta nắm giữ trong tay phần số của ta trong kiếp tái sinh.

Khi đã hiểu được cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào sẽ giúp ta sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại và nằm xuống trong an bình.

14- Giận dữ và hận thù cần có một đối tượng để bộc phát, giống như lửa cần có củi khô để cháy. Khi phải đối đầu với những hoàn cảnh hận thù, chẳng hạn có kẻ muốn khiêu khích hay tìm cách ám hại, ta hãy dùng sức mạnh của nhẫn nhục để chận đứng ngay sự chi phối của những xúc cảm tiêu cực có thể xảy ra. Nhẫn nhục phát sinh từ khả năng chịu đựng, đừng để bất cứ gì làm cho ta dao động, dù trong tình huống nào cũng thế. Nếu biết dựa vào nhẫn nhục, sẽ không có một kẻ nào đủ sức khuấy động được tâm thức ta.

15- Hãy tổ chức sự sống của ta nhắm vào những gì hàm chứa một giá trị đích thực có thể đem đến một ý nghĩa cho sự sống của ta, nhưng không nên hướng vào lạc thú và cuộc sống phù phiếm, cuốc sống ấy chỉ đẩy ta xa thêm, ra bên ngoài sự sống của chính ta. Hãy xây dựng một cuộc sống dựa vào một trách nhiệm quan trong nhất, đó là trách nhiệm mà ta phải phục vụ kẻ khác.

16- Không có một hành vi đạo hạnh nào gọi là nhỏ hay lớn, bởi vì mỗi hành vi đạo hạnh đều góp phần vào sự xây dựng hoà bình trên thế giới này. Điều đáng kể duy nhất là hiến dâng tất cả cho kẻ khác và lấy đó làm niềm hạnh phúc. Phẩm tính lớn nhất của khả năng con người là lòng vị tha.

17- Đừng đánh mất thì giờ vì ganh tị và cải vả. Hãy suy tư về vô thường để ý thức được giá trị của sự sống. Nếu muốn thực hiện an bình trong tâm thức và trong tim, cần phải thay đổi những thói quen suy nghĩ có sẳn trong đầu. Nếu không muốn hoá điên vào lúc bắt buộc phải rời bỏ thế giới này, thì ta phải tu tập ngay từ bây giờ để hiểu rằng không nên bám víu vào mọi sự vật và đừng mơ tưởng đó là những thứ mà rồi đây ta có thể mang theo khi chết.

18- Đừng bỏ mặc tấm thân này, cũng đừng quan tâm đến nó một cách quá đáng, nhưng phải kính trọng nó và chăm sóc cho nó như một thứ dụng cụ quý giá và cần thiết có thể góp phần giúp cho tâm thức đạt được Giác ngộ.

19- Hành vi mà ta thực thi phản ảnh từ tư duy và xúc cảm của chính ta. Tự nơi chúng, những hành vi ấy không mang tích cách tích cực hay tiêu cực, tích cực hay tiêu cực tùy thuộc vào những ý đồ tiềm ẩn đã thúc đẩy ta. Ý đồ sẽ giữ vai trò quyết định cho nghiệp, tức quy luật về nguyên nhân và hậu quả, nghiệp sẽ tạo ra cho ta một cuộc sống và trong cuộc sống ấy ta sẽ có cảm giác như là đang hạnh phúc hay đang khổ đau.

20- Bố thí trước hết phải tập thế nào để đừng va chạm đến tự ái và làm tổn thương kẻ khác. Làm được như thế có nghĩa là tránh không làm hại đến chính ta, vì làm tổn thương kẻ khác chính là tự làm tổn thương đến ta trước đã.

21- Không thể nào nắm bắt được hiện tại. Không có gì tồn tại trong thế giới này, không có gì tự nơi chúng có thể hiện hữu được. Vậy thì, cố gắng nắm bắt và chiếm giữ những đối tượng của các giác quan mà ta cảm nhận được trong hiện tại để làm gì ? Chúng không mang một thực thể nào cả. Chúng chỉ là hậu quả của trùng trùng điệp điệp những nguyên nhân và điều kiện khác đã tác tạo ra chúng. Chúng không sinh ra để tồn tại bởi vì chúng biến đổi từng giây phút một. Do đó, chớ nắm bắt gì cả.

22- Tham vọng không kềm giữ được sẽ biến tâm thức con người thành nô lệ và sẽ không bao giờ để cho tâm thức được yên, khi nào ham muốn lạc thú vẫn còn thúc đẩy tâm thức để tạo ra vô số cảnh huống khác nhau trong mục đích giúp thoả mãn những tham vọng trong sinh hoạt hằng ngày, thì khi đó tâm thức vẫn còn nô lệ và bất an. Tham vọng khi đã được kềm chế và khắc phục sẽ giải thoát con người ra khỏi mọi hoàn cảnh, dù là hoàn cảnh hạnh phúc hay khổ đau cũng thế, và sẽ đem đến an bình trong tim và trong tâm thức. 

23- Trau dồi nhẫn nhục là tập phát huy lòng từ bi hướng vào những kẻ đã đem đến thương tổn cho ta, nhưng không phải vì thế mà chấp nhận cho họ tàn phá ta. Lòng từ bi là vị lương y tốt nhất để chữa chạy cho tâm thức. Từ bi sẽ giải thoát cho ta trước những bám víu và những xung năng đối nghịch.

24- Chỉ vì vô minh và thiếu nhận xét minh bạch, nên ta tiếp tục tạo ra những điều bất hạnh cho chính ta. Tâm thức luôn luôn bị giằng co giữa những gì ta ưa thích và ghét bỏ. Ta hành động giống như có thể lẩn tránh được những cảnh huống đang hiện ra với ta. Ta quên mất là tất cả không có gì tồn tại và tự nó hiện hữu. Ta cũng quên là ta có thể chết bất cứ lúc nào.

25- Bám víu vào những đối tượng của giác cảm sẽ làm cho tâm thức thèm thuồng và bịnh hoạn. Tom góp được nhiều của cải không có nghĩa là làm cho tâm thức được an bình một cách tương xứng. Hãy nhìn vào những kẻ có đầy đủ tiện nghi vật chất, họ có thể tự cung phụng cho đến hết cuộc đời, nhưng họ vẫn sống trong buồn bực, lo âu, bất toại nguyện và khép kín. Họ không hiểu rằng hiến dâng sẽ đem đến niềm hân hoan to lớn nhất. Họ không thể hiểu được là không cần phải có thật nhiều của cải mới đủ sức hiến dâng một nụ cười để giúp cho kẻ khác được sung sướng. Những điều kiện vật chất của họ thật đầy đủ, nhưng không đem đến cho họ một mảy may hạnh phúc, vì chưng chỉ có một thứ duy nhất có thể cải thiện được cuộc sống nội tâm trong bất cứ hoàn cảnh vật chất nào, ấy chính là sự tu sửa tâm linh.

26- Tôi ước nguyện sẽ xử dụng không dám phí phạm một giây phút nào trong sự hiện hữu của tôi để góp phần vào việc giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau và những nguyên nhân gây ra khổ đau và giúp chúng sinh tìm thấy hạnh phúc cũng như nhìn thấy những nguyên nhân nào sẽ đem đến hạnh phúc. Tôi xin phát nguyện để ghi nhớ rằng phát lộ lòng từ bi đối với chúng sinh khởi sự bằng từ bi đối với chính mình, nhưng không hàm chứa một chút bóng dáng nào của sự ích kỷ, vì mỗi người trong chúng ta đều là thành phần của cộng đồng chúng sinh.

27- Phương pháp thiền định phân tích đem đến sự vững tin giúp ta biến cải tâm thức. Sự biến cải đó đòi hỏi nhiều thời gian, và cách tập luyện cũng rất gần với các phương pháp khoa học. Những xúc cảm làm đảo điên và kích động ta là những đối tượng giúp cho cho ta quan sát, để từ đó chọn lấy những liều thuốc hoá giải hiệu nghiệm nhất khả dĩ giúp đạt được mục đích mong muốn, tức giải thoát ta ra khỏi ảnh hưởng của những xúc cảm bấn loạn để đạt được Giác ngộ. Nên ghi nhớ rằng hai thể dạng xung khắc nhau không thể nào hội nhập chung với nhau cùng một lúc trong tâm thức. Vì thế, thí dụ nếu ta đang nổi giận với một người nào đó, hãy nghĩ ngay đến việc phát lộ tình thương đối với người ấy. Nếu ta phát lộ được yêu thương, giận dữ sẽ biến mất trong tâm thức. Tình thương là liều thuốc hoá giải sự giận dữ.

28- Tất cả đều mang tính cách vô thường, nhờ đó ta có thể biến cải được tâm thức và những xúc cảm bấn loạn làm dấy động tâm thức. Chẳng hạn như hận thù hay giận dữ, chúng phải tùy thuộc vào bối cảnh để hiển hiện. Tự nơi chúng, chúng không phải là những hiện thực, chúng không hiện hữu một cách thường xuyên trong tâm thức ta, vì thế ta có thể khắc phục, biến cải và loại trừ chúng được. Để giúp thực hiện việc ấy, cần nhất là phải tái tạo chúng trong bối cảnh mà chúng đã phát sinh, phân tích bối cảnh nào đã làm cho chúng bộc phát và tìm hiểu nguyên do của sự bộc phát ấy. Thực hiện được một thể dạng phúc hạnh lâu bền có nghĩa là loại trừ ra khỏi tâm thức những xúc cảm tiêu cực.

29- Khổ đau không phải phi lý nhưng cũng không phải vô ích, chẳng qua chỉ vì nghiệp mà chúng phát sinh, nghiệp ở đây có nghĩa là quy luật nguyên nhân và hậu quả chi phối chu kỳ của mọi hiện hữu. Chu kỳ hiện hữu có thể sẽ khó hiểu nếu không tin vào hiện tượng tái sinh. Tư tưởng và hành vi của ta trong nhiều kiếp sống liên tiếp từ trước sẽ tạo ra hậu quả tích cực hay tiêu cực tùy theo ý đồ thúc đẩy làm phát sinh ra tư tưởng và hành vi. Nguyên tắc ấy cũng xảy ra chung cho cả một dân tộc hay một quốc gia. Những gì xảy ra cho dân tộc Tây tạng là hậu quả của nghiệp. Nhưng điều ấy cũng không cấm cản đi tìm một giải pháp làm thế nào để nhân quyền ở Tây tạng được tôn trọng, kể cả nền văn hoá ngàn năm, tư tưởng triết học và tôn giáo đặc thù của nền văn minh chúng tôi. Không nên hiểu lầm nghiệp với định mệnh, nhưng phải rút tỉa kinh nghiệm từ những bài học mà ta gặp phải trong sự sống để hành động trong chiều hướng tích cực và ý thức.

30- Làm thế nào để có thể phát triển hoà bình trên thế giới nếu chúng ta không biết kính trọng thiên nhiên ? Từ con người đến muôn thú, tất cả đều liên kết với nhau trong một ước vọng chung có tính cách phổ quát, tức lẩn tránh khổ đau và tạo được những điều kiện thuân lợi đem đến an lành và bình an cho sự sống. Thật hết sức quan trọng phải luôn luôn tự nhắc nhở về điều ấy, vì lẽ lẩn tránh khổ đau là quyền căn bản của mọi chúng sinh có giác cảm. Để giúp cho mọi người biết tôn trọng cái quyền căn bản đó, chính chúng ta phải làm gương cho kẻ khác trước đã.

31- Thực thi từ bi là tâm điểm của việc tu tập Phật giáo. Phát huy phẩm tính ấy thật cần thiết vì nó sẽ giúp ta hành động một cách đúng đắn để đem đến an vui cho kẻ khác và đồng thời thực hiện được từ bi cũng sẽ giúp ta không gây thêm những nguyên nhân mới tạo ra khổ đau cho chính mình và cho kẻ khác, tức không tạo thêm những nghiệp « xấu ». Từ bi là một thứ xúc cảm sâu xa phát lộ không một mảy may phân biệt trước tất cả mọi con người đang phải gánh chịu khổ đau. Từ bi phát sinh từ uớc vọng sâu xa được giúp đỡ kẻ khác. Trong việc tu tập Phật giáo, muốn duy trì sức mạnh của ước vọng đó, hằng ngày phải lập đi lập lại lời nguyện ước như sau : « Tôi nguyện ước sẽ giúp đỡ mọi chúng sinh có giác cảm loại trừ được khổ đau và các nguyên nhân gây ra khổ đau và cũng giúp chúng sinh thấu hiểu được nguyên nhân và những điều kiện nào có thể giúp họ đạt được giác ngộ ».

32- Tất cả chúng ta đều mong ước được hạnh phúc, không ai muốn khổ đau, nhưng điều quan trọng là ta có muốn biến cải tâm thức ta hay không. Khi ý thức được sự cần thiết đó, một sự dịu dàng bao la và một tình thương vô biên đối với đồng loại sẽ nảy sinh trong tâm thức. Nhưng chỉ có thể thực hiện được điều ấy khi nào ta đủ sức biết tỏ lộ tình thương và sự kính trọng đối với chính ta. Thật là hão huyền nếu tin rằng ta có đủ sức yêu thương kẻ khác trong khi ta thù ghét chính ta và không chấp nhận thực trạng của chính ta.

33- Nguyên lý tương liên giữa chúng sinh và mọi hiện tượng cho thấy ta luôn luôn liên hệ chặt chẽ với kẻ khác, với thiên nhiên và cả vũ trụ. Tất cả chúng ta đều tương liên với nhau, điều ấy có nghĩa là chúng ta phải gánh chịu trách nhiệm về cách suy nghĩ, cách sinh sống và từng hành vi nhỏ nhặt, vì chúng sẽ ảnh hưởng chung đến toàn thể vũ trụ. Hơn nữa, vì chưng tất cả những gì hiện hữu đều tương tác chặt chẽ với nhau, nên chúng ta có bổn phận phải giúp đỡ tất cả chúng sinh có giác cảm loại bỏ khổ đau, để tất cả có thể nhìn thấy nguyên nhân của hạnh phúc. Giúp đỡ chúng sinh có nghĩa là ta cũng phải biết chận đứng các nguyên nhân đưa đến khổ đau liên quan trực tiếp đến chính ta. Hiểu được như thế mới thật sự hiểu được nguyên lý tương liên.

34- Dù cho có hay không có một vị thầy đứng ra giúp đỡ, thì mỗi người trong chúng ta cũng phải tự tìm lấy một phương cách tu tập thích nghi nhất cho mình, thích hợp với những nhu cầu riêng của mình. Tiêu chuẩn trên đây hết sức cần thiết để biến cải nội tâm, đem đến an bình cho tâm thức và phát huy các phẩm tính tích cực để tự biến cải để trở thành một người tốt. Vì thế, một vị tu hành phải biết thuyết giảng như thế nào cho phù hợp với xu hướng tâm linh và khả năng tinh thần của từng người, giống như Phật đã từng thuyết giảng khi còn tại thế trong thời đại của Ngài. Cũng thế, quý vị đâu có ăn uống giống như những người hàng xóm của quý vị – mỗi người ẩm thực tùy theo cấu tạo cơ thể của mình –, đối với những món ăn tinh thần cũng thế mà thôi.

35- Hạnh phúc của chính ta lệ thuộc vào hạnh phúc của kẻ khác, vì thế thật hết sức hệ trọng phải cố gắng làm tất cả những gì làm được để giúp kẻ khác đạt được hạnh phúc. Đôi khi ta cũng có cảm giác bất lực không làm nổi hoặc không đủ sức cứu giúp kẻ khác, nhưng dù sao điều quan hệ là đừng thất vọng và cứ cố gắng tiếp tục hành động trong chiều hướng tích cực, vì làm như thế ta mới có thể khai triển trong ta khả năng phát huy lòng vị tha đích thực giúp ta thực hiện sự an bình trong tâm thức.

36- Nếu như giúp đỡ kể khác tỏ ra quá khó đối với ta, thì cứ hành động như một người ích kỷ cũng được, nhưng phải thông minh, tức bằng cách cố gắng hiểu rằng làm được điều tốt cho kẻ khác sẽ tạo ra mối giây liên hệ thân thiện hơn với họ, và như thế sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi giúp đạt được hạnh phúc và sự trong sáng cho chính ta.

37- Các phương pháp thực thi lòng từ bi phải được phát triển song hành với sự hiểu biết và trí tuệ, trong mục đích giúp ta hành động đúng đắn và thích nghi. Sự hiểu biết và trí tuệ không thể thiếu sót trong việc tìm hiểu bản thể đích thực của vạn vật, và cả bản thể căn bản của tâm thức. Một sự thẩm định chính xác những gì ta cảm nhận và những gì ta đang sống chỉ có thể thực hiện được bằng cách quan sát một vật thể hay một cảnh huống dưới nhiều góc cạnh khác nhau, trong mục đích tìm lấy một giải đáp thích nghi và thật minh bạch giúp ta vượt lên trên những phản ứng và những xúc cảm tiêu cực.

38- Muốn đạt được Giác ngộ, điều quan trọng là phải cảm nhận một cách đúng đắn thực tại. Trong cách tu tập Phật giáo, và trong mục đích giúp cho sự cảm nhận được dễ dàng hơn, ta phải cần đến hai khái niệm gọi là hai sự thực, sự thực tương đối và sự thực tuyệt đối. Sự thực tương đối là sự thực mà ta cảm nhận được bằng các giác quan của ta. Sự thực tuyệt đối không mô tả ra được bởi vì nó vượt lên trên mọi khái niệm. Theo kinh sách, hai sự thực đó bổ khuyết cho nhau, không thể tách rời khỏi nhau và luôn luôn lệ thuộc lẫn nhau, giống như con chim cần có đôi cánh để bay bổng. Hiện thực chính là cách ý thức căn cứ đồng loạt trên cả hai sự thực ấy.

(Lời ghi chú thêm của người dịch : sự thực tương đối là sự thực quy ước và nhị nguyên, nhận biết được bằng giác cảm và bằng sự hiểu biết công thức và quy ước, sự thực tương đối ấy luôn luôn biến động và đổi thay, tức nằm trong quy luật của vô thường. Sự thực tuyệt đối là Tánh không, tức bản chất đích thực và tối hậu của của mọi vật thể và hiện tượng, sự thực tuyệt đối vượt lên trên mọi hiểu biết nhị nguyên, đối nghịch và quy ước).

39- Thông thường ta cảm nhận bản chất của mọi vật thể một cách sai lầm. Sự sai lệch giữ những gì đúng thực và những gì ta cảm nhận chính là nguyên nhân đưa đến khổ đau. Biến cải tâm thức để nhìn thấy hiện thực tức là cách tập nhìn hiện thực đúng với hiện thực, không diễn đạt, trung thực trong giây phút hiện tại. Ta sẽ không còn nắm bắt hiện thực tùy thuộc vào những phóng ảnh của tâm thức nữa. Đó là điều kiện căn bản để phát huy an bình trong tâm thức.

40- Đứng trước khổ đau của kẻ khác, có thể ta sẽ cảm thấy bấn loạn và bị tràn ngập bởi những khổ đau của họ, và sự liên lụy đó chỉ làm gia tăng thêm những khó khăn cho chính ta. Những cảm nhận ấy không phải là những kinh nghiệm phát sinh từ lòng từ bi. Lòng từ bi khi đã hiển lộ đích thực, thay vì cảm thấy bất an và lo âu, một sự can đảm vô biên hiển hiện trong ta. Ước vọng làm bất cứ gì có thể được để làm nhẹ bớt khổ đau cho kẻ khác, sẽ giúp ta vượt lên trên những khổ đau của chính ta. Hành động vì từ bi sẽ đem đến niềm hân hoan vô biên.

41- Những vật thể cấu hợp chỉ để tan biến mà thôi, chúng đều vô thường, nhất thời và giai đoạn. Thân xác ta cũng thế, nhưng tiếc thay ta thường hay quên chuyện ấy, chẳng qua vì ta quá bám víu vào thân xác. Đối với một số người, ý thức được sự thực ấy sẽ làm cho họ khổ đau vô ngần. Nhận thức được thế nào là bản thể đích thực của mọi vật, ta sẽ chấp nhận chẳng có gì tự nó hiện hữu, kể cả bản chất của khổ đau cũng thế, cũng phù du, nhất thời và không tự nó hiện hữu. Nắm vững được điều ấy sẽ giúp ta thêm can đảm mỗi khi gặp phải những cảnh huống khó khăn và bực dọc trong sự sống hoặc phải đối đầu với một số thử thách nào đó.

42- Một số tham vọng hay ước muốn có thể chấp nhận được trên đường tu tập tâm linh. Chẳng hạn, một người tu tập Đạo Pháp thì ước mong khắc phục được tâm thức, một kẻ nào đó tin có Trời thì ước vọng làm cho Trời được vui lòng. Những ước vọng như thế đều là những ước vọng chính đáng. Trái lại, những ham muốn hướng vào những sự vật bên ngoài sẽ tạo ra bám víu hay những xúc cảm tiêu cực trong tâm thức, những ham muốn ấy thật không chính đáng một chút nào cả. Cần phải giới hạn những loại thèm muốn hay lệ thuộc đó. Quả thật là một ảo giác khi nghĩ rằng thế giới bên ngoài một ngày nào đó sẽ có thể làm thoả mãn được những dục vọng của ta.

43- Người Tây tạng rất quan tâm đến việc mang thai, từ khi thụ thai đến suốt thời gian hài nhi còn trong bụng, người mẹ phải giữ tinh thần thật thanh thản, hạnh phúc và an bình để hài nhi được nẩy nở một cách hài hoà. Trong thế giới Tây phương, càng ngày người ta càng khuyến khích cách giữ gìn ấy và ý thức rằng một người mẹ lo âu, giận dữ, tham lam, ganh ghét, sẽ làm cho hài nhi trong bụng phải gánh chịu những hậu quả không tốt. Chúng ta cũng nên khuyến khích người mẹ cho con bú nếu có thể được, vì sữa mẹ tượng trưng cho lòng thương mến của con người. Các khám phá y khoa cũng cho biết sự chăm lo và âu yếm giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của bộ nảo.

44- Tu tập tâm thức đôi khi có vẻ như khó thực hiện đối với những người phương Tây trong khung cảnh sinh hoạt của xã hội tân tiến. Những còn tùy vào là sức mạnh của quyết tâm, vì sức mạnh đó sẽ đem đến lòng nhiệt tâm vô biên giúp ta bước thẳng vào sự tu tập, dù đang ở trong bất cứ một hoàn cảnh nào. Vì thế, nếu thực tâm, ta vẫn có thể khởi sự ngay việc tu tập để biến cải tâm thức, dù đang phải tiếp tục quan tâm đến các hoạt động nghề nghiệp, đời sống gia đình, các sinh hoạt và bổn phận hàng ngày.

45- Biến cải tâm thức, phát triển khả năng yêu thương và lòng từ bi để tự cải thiện lấy ta, tất cả đều do nơi sức mạnh của lòng quyết tâm. Để củng cố và làm bộc phát sức mạnh đó, cần phải quay nhìn vào nội tâm, quan sát lấy chính ta một cách cẩn thận, gia tăng ước vọng muốn được cải thiện và học hỏi. Nhờ vào trí thông minh, ta củng cố thật vững chắc vị thế tích cực ấy và rồi trí tuệ sẽ tăng trưởng một cách tương xứng. Ít ra trong bước đầu trên đường tu tập, cách tiến hành như trên đây cần dựa vào trí tuệ và lý trí.

46- Sinh hoạt nghề nghiệp thường nhật trói buộc mọi người rất nhiều, nhưng điều đó đâu cấm cản được họ giải trí, đi dạo mát, đi chơi cuối tuần và nghỉ hè. Nếu như ta thật sự ước muốn tự biến cải, thì ta vẫn có thể tìm được thì giờ để thực hiện việc ấy. Chỉ cần ước muốn thật sâu xa.

47- Giai đoạn đầu lúc mới bước vào con đường tu tập tâm linh có thể rất chông gai. Nhưng sau đó, khi đã có kinh nghiệm, ước vọng và quyết tâm tu tập sẽ từ từ trở nên vững vàng, kiên quyết và hăng hái hơn, giúp ta cải thiện tâm thức trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là nơi làm việc hay trong gia đình, hoặc trong khi sinh hoạt thường nhật. Và từ đó ta sẽ trở nên tỉnh táo và chăm chú hơn. Cách tu tập ấy sẽ phản ảnh qua sinh hoạt và cách xử sự của ta đối với kẻ khác.

Tu tập Đạo Pháp tức là ra sức tu sửa trong từng giây phút một, vì thế phải sử dụng thì giờ một cách thật ý thức.

48- Nếu ta cảm thấy ghen ghét một đồng nghiệp khi người này thành công hơn ta, hoặc ganh tị khi thấy một kẻ nào đó có một vật gì quý giá, thì hãy tìm cách biến đổi ngay tâm thức bằng một liều thuốc hoá giải chống lại những xúc cảm tiêu cực ấy. Trong các trường hợp vừa kể, phải tập phát lộ sự hân hoan và vui sướng trước hạnh phúc của kẻ khác.

49- Không có một ranh giới nào có thể ngăn cản lòng nhiệt tâm của ta trước ước mong tìm hiểu tâm linh và khả năng phát huy những phẩm tính con người. Ta có thể ước muốn không giới hạn đối với những điều ấy, không bao giờ có thể gọi là đủ những thành quả đã đạt được.

Vì thật sự, phát lộ lòng từ bi, tình thương và rộng lượng không bao giờ có thể gọi là đầy đủ ?

Ức vọng phát huy những phẩm tính nội tâm ấy phải thật sâu xa, không lệ thuộc và vô giới hạn.

50- Ta phải canh chừng, nếu những động cơ thúc đẩy ta mang tính cách nhân từ, thì hành vi trên thân xác, ngôn từ và cả tâm thức cũng sẽ ảnh hưởng theo. Biến cải thói quen tinh thần thật cần thiết để cải thiện tâm thức và những hành vi xuất phát từ tâm thức. Thật quan trọng phải tránh không tạo ra sự lầm lẫn cho kẻ khác, phải chú tâm không để bị chi phối bởi kiêu ngạo, ganh ghét, không để cho sự tính toán hơn thua lôi cuốn ; khi nào những xúc cảm tiêu cực không còn xâm chiếm ta nữa, thì cách cư xử của ta cũng sẽ biến đổi theo, ta biết thương người hơn và đồng thời cách xử thế của ta cũng sẽ đem đến lợi ích và tốt đẹp cho kẻ khác.

51- Mỗi con người đều có một bản chất riêng và xu hướng khác nhau, vì thế thật khó để bảo rằng một thứ gì đó lại có thể hữu ích chung cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, tôi vẫn có thể khuyên nhủ mọi người hãy trau dồi tinh thần giác ngộ, ý tưởng thương người, tự cải thiện để giúp đỡ kẻ khác và suy tư về vô thường dưới tất cả mọi khía cạnh.

Vô thường « thô thiển » dễ nhận biết vì nó biểu lộ trong mọi thể dạng vật chất của sự hiện hữu, nhưng vô thường « tinh tế » cũng đang hiển hiện từng giây phút một trong ta, chung quanh ta và cả trong tâm thức ta. Suy tư về vô thường sẽ giúp hiểu được bản chất đích thực của khổ đau, điều đó cũng giúp tránh khỏi những điều kiện và nguyên nhân tạo tác ra thể dạng tiêu cực trong các kiếp sống của ta, và cũng sẽ giúp ta phát huy an bình trong tâm thức.

52- Chúng ta thường đặt tầm quan trọng quá lớn cho quá khứ và tương lai. Ta sống và xem quá khứ lẫn tương lai đang hiện hữu rành rành ra đó, để rồi ta quên sống với hiện tại. Thật ra, sống trong giây phút hiện tại quan trọng hơn nhiều, vì đó là giây phút duy nhất mà ta có thể thật sự hành động để biến cải tâm thức và phát huy những xúc cảm tích cực hướng ta vào việc giúp đỡ kẻ khác.

53- Thiền định và suy tư giúp ta nắm bắt hiện tại dễ dàng hơn, và sống với hiện tại một cách trong sáng hơn, không phóng nhìn vào quá khứ hay tương lai để khỏi bị ám ảnh bởi những gì có thể làm cho ta thích thú hay ghét bỏ. Khi ta gặp một khó khăn nào đó, cần nhất phải đánh giá biến cố ấy đúng với tầm quan trọng của nó. Nếu có giải pháp thì đem ra thực hành ngay. Nhưng nếu không có giải pháp thì dù có lo âu cũng vô ích, chỉ làm tăng thêm sự bất an cho ta mà thôi. Vậy thì lo âu để làm gì ?

Nếu phân tích các nguyên nhân và điểu kiện gây ra tình huống đó, ta sẽ nhận thấy con số nguyên nhân và điều kiện nhiều vô kể. Biết phát huy tầm nhìn bao quát trên những gì ta đang sống sẽ giúp ta không còn đổ lỗi cho một nguyên nhân duy nhất hay một kẻ duy nhất đã gây ra khổ sở hay đem đến phúc hạnh cho ta, điều đó cũng giúp ta phân tích chính xác hơn những gì xảy đến cho ta và giúp ta bớt lệ thuộc vào những nguyên nhân bên ngoài.

(Giải thích thêm của người dịch : nguyên nhân và điều kiện là những gì thuộc quy luật tương liên của vạn vật, tất cả mọi hiện tượng đều liên hệ và tương tác chằng chịt với nhau, không thể tách rời để quy tội hay gán phúc cho bất cứ một nguyên nhân hay một điều kiện nào. Có thể hiểu đơn giản là mọi biến cố bên ngoài chỉ là duyên, chúng tương tác với nghiệp tức ý đồ và hành vi của ta, để tạo ra quả cho chính ta).

54- Tư duy và xúc cảm tiêu cực che lấp bản thể đích thực của ta, một bản thể thật rạng ngời. Tư duy và xúc cảm tiêu cực lại quá nhiều, nếu ta không đủ sức khắc phục chúng, chúng sẽ lôi kéo ta đi đâu tùy ý chúng. Dù cho ta không phải là một Phật tử đi nữa, ta vẫn có thể suy nghĩ và tự hỏi xem ta có dám quả quyết và không sợ sai khi phát biểu như sau : « Có một ‘’ cái tôi’’ và nó đang suy nghĩ rằng chính ‘’ tôi ‘’ đây ».

Cũng thế, có đúng là có một « cái tôi » và một cái « ngã » đang ở một vị trí nào đó hay không ? Tu tập và biết suy tư sẽ giúp ta phân biệt được giữa một người đang cảm nhận xúc cảm (chẳng hạn như ganh ghét, giận dữ, hận thù) với chính xúc cảm đang hành hạ người đó. Khi đã quen dần, ta sẽ xác định dễ dàng hơn những gì đang xảy ra trong ta để tách riêng những thứ đó với phần tâm thức đang đứng ra kích động chúng, ấy cũng là cách giúp cho ta chủ động được chúng.

55- Khi bị căng thẳng, lo âu, và không thể tự kềm chế được, nhưng nếu biết nhìn vào « cái tôi » và quan sát « nó » đang lo âu và đang thao túng ta, và sau đó chịu khó tìm hiểu bản chất đích thực của « cái tôi » ấy là gì, thì cách quan sát nội tâm như thế sẽ giúp ta làm nhẹ bớt đi những lo sợ đang phát hiện trong ta.

(Giải thích thêm của người dịch : nếu « cái tôi » làm đối tượng không có thì những tác nhân lo âu và căng thẳng sẽ không tạo ra được một hiệu quả nào, đồng thời nếu « cái tôi » làm chủ thể cũng không có, thì « nó » cũng không thể gây ra một tác động nào)

56- Tìm hiểu thế nào là sự tương liên giữa con người và mọi hiện tượng sẽ giúp phát huy đức tính bất bạo động và đem đến hoà bình cho toàn thể thế giới và trong mỗi con người. Nguyên lý tương liên là một trong những nguyên lý căn bản trong giáo lý nhà Phật. Tất cả mọi vật thể, tất cả mọi sinh linh chỉ có thể hiện hữu bằng cách tương liên với những sinh linh khác và cả thế giới này. Không có gì tự nó hiện hữu, tất cả phải lệ thuộc vào một chuỗi dài nguyên nhân và điều kiện, các nguyên nhân và điều kiện lại tiếp tục lệ thuộc lẫn nhau.

57- Các hiện tượng đều biến đổi không ngừng vì nguyên lý tương liên giữa mọi sinh linh và hiện tượng. Chúng ta đang biến đổi không ngừng vì các nguyên nhân và điều kiện tương liên với nhau. Nhưng người ta lại thường có khuynh hướng đổ lỗi cho một nguyên nhân chính yếu duy nhất mà thôi, dù cho đấy là một nguyên nhân tốt hay xấu cũng thế.

Người ta thường huy động tất cả sức lực để đạt được nguyên nhân này hay loại trừ nguyên nhân khác, tùy theo các đấy là một nguyên nhân ích lợi hay nguy hại.

Thái độ như thế cho thấy ta không hiểu gì cả về nguyên lý tương liên giữa tất cả mọi sinh linh và mọi hiện tượng.

58- Không thể có một nguyên nhân duy nhất hay một con người duy nhất tạo ra phúc hạnh hay khổ đau cho ta. Muốn nắm vững điều đó, cần phải có một tầm nhìn thật bao quát, trên toàn diện mọi sự vật, và biết mở rộng sự hiểu biết của ta về hiện thực. Nói như thế để thấy rằng những gì ta đang sống là kết quả của vô lượng nguyên nhân và điều kiện liên kết với nhau.

Vậy thì, thật hết sức hoài công khi quy lỗi cho một kẻ nào đó chẳng hạn, một kẻ duy nhất nắm giữ quyền lực tạo ra cảnh huống khổ sở cho ta. Vì lý do vừa kể, hãy thay đổi cách cư xử đừng để thốt lên : « tại vì lỗi của kẻ khác », hoặc là « tại vì lỗi của hoàn cảnh đưa đẩy ».

Cách nhận thức hiện thực như thế là sai lầm. Chính ta phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trong cuộc sống của ta, dù tốt lành hay tệ hại cũng thế. Đó là quy luật của nghiệp, quy luật của nguyên nhân và hậu quả, quy luật ấy áp dụng đồng đều cho tất cả mọi người. Hiểu biết và chấp nhận quy luật ấy sẽ giúp ta tìm được an bình trong tâm thức.

59- Người ta thường bảo rằng một người tâm trí hẹp hòi là một người không đủ trí tuệ. Nhưng nếu người ấy có tầm nhìn bao la hơn, người ta lại gọi người ấy là một hiền nhân. Nắm vững nguyên lý tương liên, kèm thêm trí tuệ và sự hiểu biết sẽ mở rộng tâm thức và giúp ta biết lùi lại để nhìn thẳng vào những gì ta đang sống một cách thật ý thức.

60- Đề cập đến quy luật tương liên, hiểu được nguyên lý ấy là gì, có nghĩa là quan sát được bản thể đích thực của vạn vật và thấy được hiện thực đang vận hành như thế nào. Điều ấy sẽ giúp ta biến cải cách cảm nhận về thế giới này và làm thay đổi các thói quen sẳn có cũng như cung cách của ta.

Vì thế, khi ta phải chịu đựng một tình huống đớn đau, tại sao phải tự trói mình trong cảnh tuyệt vọng và tự nhủ rằng thật bất công ? Hãy nghĩ đến tất cả những kẻ khác cũng đang chịu đựng cùng một thứ đớn đau như ta và như thế ta sẽ phát hiện được một tầm nhìn bao quát hơn về vạn vật.

Hãy nhận lãnh đớn đau và hiến dâng sức chịu đựng của ta đến những ai đang gánh chịu cùng một thứ đớn đau như ta để họ được nhẹ nhỏm. Mặc dù lúc đầu việc ấy tỏ ra khó thực hiện, vì nó đòi hỏi phải dẹp bớt ích kỷ, nhưng dần dần khi đã thành công, tự nhiên ta cảm thấy hiển lộ một sự an bình đích thực trong tâm thức.

Loại tu tập trên đây cũng áp dụng cho trường hợp khi ta tìm thấy một niềm hạnh phúc lớn lao. Hãy hiến dâng hạnh phúc đó cho tất cả chúng sinh.

61- Trí tuệ giúp ta cảm nhận được thế nào là nguyên lý tương liên. Sự hiểu biết lại giúp ta nhận biết được thế nào là bản thể đích thực của vạn vật. Ghi nhớ những điều ấy trong tâm để khai triển lòng từ bi và tình thương yêu kẻ khác sẽ giúp ta nhận thấy rõ ràng việc phát lộ tình thương và lòng từ bi đến kẻ khác không những sẽ đem đến tốt lành cho kẻ khác mà còn cho cả ta nữa, ngược lại, nếu ta gây ra thiệt hại cho kẻ khác, có nghĩa là ta tự làm hại cho chính ta.

Trong trường hợp thứ nhất, có hai người được lợi. Trong trường hợp thứ hai, cả hai người đều thiệt hại.

62- Hiểu biết được thế nào là nguyên lý tương liên sẽ rất hữu ích để hiểu được khủng bố và cuồng tín là gì. Người ta cứ nghĩ rằng loại bỏ được những thứ ấy là giải quyết được vấn đề. Quả thật không thể nào không nhìn nhận tính cách nghiêm trọng về những gì do những kẻ cực đoan gây ra, thực thi những việc ấy là một sự sai lầm. Nhưng ta cũng phải hiểu rằng những hành vi đó sinh ra từ rất nhiều nguyên nhân và điều kiện. Một con số lý do hết sức to lớn góp phần vào sự hình thành loại thái độ ấy. Một số người vì quá lệ thuộc vào truyền thống tôn giáo của mình thường có những quan điểm khép kín, không nhìn thấy được hiện thực, do đó đã tạo ra cách cư xử của họ.

Một quan điểm bao quát và sáng suốt hơn về vạn vật trong cả hai lãnh vực ngắn hạn và lâu dài sẽ giúp cho họ vững tâm hơn, đạt được nhiều nghị lực hơn, và rồi hậu quả đem đến sẽ có thể giúp họ biết chọn lấy một cách cư xử khác hơn.

63- Tự tạo riêng cho mình những kỷ cương là điều cần thiết giúp biến cải nội tâm, những kỷ cương đó dù bất cứ trong trường hợp nào cũng không thể được áp đặt từ bên ngoài, nhưng phải phát sinh từ sự hiểu biết của ta về vạn vật và từ những điều tốt lành mà ta có thể rút tỉa được từ sự hiểu biết ấy, và nhất là phải biết đem chúng ra để áp dụng vào thực tế.

64- Muốn trau dồi nghề nghiệp hoặc muốn tìm hiểu thêm về một chủ đề nào đó, ta sẳn sàng dành thời giờ để nghiên cứu và thực hành. Ta suy nghĩ và xác định những gì ưu tiên, những gì cần thiết hơn hết, và từ đó cố gắng ra sức để thực hiện mục đích hay ước vọng đã chọn. Trong đời sống tâm linh cũng vậy, hãy chọn lấy một kỷ cương phù hợp với mình.

65- Tất cả chúng ta đều là những con người như nhau, chúng ta đều có những khát vọng giống nhau. Tôi đây cũng giống như quý vị. Mỗi khi tôi phải đối đầu với một khó khăn nào đó, tôi cố gắng nhìn ngược vào tâm thức tôi, phân tích những gì đang xảy ra để tìm lấy một chút sáng suốt. Điều đó rất tích cực và mỗi người trong chúng ta đều có thể làm được.

Chúng ta sống trong những xứ sở mà những điều kiện vật chất, kỹ thuật và tiện nghi rất phát triển ; nhưng chúng ta cũng đừng đặt tất cả ước vọng hạnh phúc của chúng ta duy nhất vào bối cảnh bên ngoài.

An vui, trong sáng và an bình phát hiện bên trong tâm thức. Thật hết sức cần thiết phải cần tìm kiếm những điều kiện nội tâm thuận lợi để làm cho chúng tăng trưởng thêm.

66- Chúng ta phải cố gắng thực hiện sự an vui trong lâu dài. Làm tan biến những lo âu trong chốc lát cũng dễ mà thôi. Ví dụ như uống bia ướp lạnh giúp ta trở nên vui vẻ, nhờ chất rượu trong bia. Sự vui vẻ đó rất hời hợt và phù du, những mối lo buồn vẫn còn nguyên.

Muốn kiến tạo an vui lâu dài và thường xuyên, phải cải thiện cách vận hành của tâm thức. Đấy là những lời tôi thường dùng để khuyên nhủ tất cả những người bạn của tôi.

67- Không cần thiết phải theo một tôn giáo nào cả mới có thể biến cải được tâm thức. Việc biến cải tâm thức có thể thực hiện được đối với tất cả mọi người, không cần đòi hỏi họ phải là một tín đồ. Các truyền thống tinh thần có thể giúp thêm phương tiện để đạt được mục đích ấy, nhưng không phải là một con đường không thể thiếu sót.

Vì lý do rõ rệt như thế, nên tôi thường nhắc nhở chỉ cần một « nền đạo đức lâu đời »* cũng có thể đem ra áp dụng cho tất cả mọi người, không cần phải tin tưởng ở một tôn giáo nào cả.

(Ghi chú thêm của người dịch : ngoài khía cạnh tôn giáo và triết học, Phật giáo cũng là một « nền đạo đức lâu đời », hơn hai ngàn năm trăm năm).

68- Tất cả mọi chủ nghĩa đặc thù về tôn giáo hay văn hoá đều đi đến chỗ lỗi thời, do đó muốn cho tất cả mọi sinh linh có thể tìm thấy vị trí của mình trong một nền đạo đức thế tục, thì nền đạo đức đó phải được căn cứ trên những nguyên tắc có tầm vóc nhân loại và tính cách toàn cầu.

Thực hiện được như thế mới là một cuộc cách mạng tâm linh thực sự, một cuộc cách mạng dựa trên những phẩm tính con người, chẳng hạn như lòng từ bi, tình thương, sự rộng lượng, biết tôn trọng, và ý thức được trách nhiệm của mình.

69- Vì sự tốt lành của tất cả chúng sinh, đừng gây ra sai trái, đừng làm hại đến một sinh linh nào cả, đấy là những gì thật căn bản được vạch ra từ nền đạo đức Phật giáo. Căn bản đó làm nền móng cho cách cư xử bất bạo động, lòng từ bi và tình thương yêu kẻ khác. Nếu như mục đích tối hậu đem đến tốt lành và thực hiện những nghĩa cử lớn lao cho kẻ khác là chính đáng, thì phải nên làm bất cứ gì có thể làm được, trong từng giây phút một, để đạt được mục đích đó.

70- Giới luật (shila) là một trong những yếu tố giúp đạt được Giác ngộ, các yếu tố khác là sự thiền định (samadhi), sự hiểu biết hay trí tuệ (prajna). Các thành phần ấy bổ khuyết cho nhau.

Sống không giới luật là một cách sống làm hại đến kẻ khác. Sống theo cách đó, không những ta sẽ làm những điều không tốt lành cho kẻ khác, nhưng ta còn gieo những hạt giống khổ đau cho chính ta. Ta phải ý thức rõ rệt điều đó trong mục đích phát huy giới luật đạo đức, dựa trên sự hiểu biết và trí tuệ. Khía cạnh cao nhất của đạo đức là đặt hạnh phúc của kẻ khác lên trên hạnh phúc của chính mình.

71- Những xúc cảm bấn loạn làm cho tâm trí u mê, không kịp suy nghĩ đến hậu quả do các hành vi đưa đến, và những xúc cảm ấy sẽ kích động ta xử sự một cách tiêu cực đối với kẻ khác. Biến cải tâm thức có nghĩa là làm tan biến hoàn toàn những yếu tố tâm thần mang tính cách tàn phá đang ẩn trú trong ta.

Muốn thực hiện được điều đó, ta cần suy tư và nghĩ đến những lợi ích sẽ mang đến từ một cuộc sống đạo đức đúng đắn và biết từ bỏ những ước mơ ích kỷ mà ta hằng ấp ủ. Như thế, khi tập hướng sự chăm lo của ta và những suy tư của ta đến người khác trong chiều hướng tích cực, dần dần từng chút một, ta sẽ đạt được mục đích tối thượng của việc thực hiện đạo đức, tức đem đến sự tốt lành cho tất cả chúng sinh. Nhưng tất cả những thứ ấy chỉ có thể thực hiện được khi nào ta biết dựa vào giới luật để cư xử ngay thật, đúng đắn và chân thành.

72- Nếu ta hiểu rằng ta đang cất giữ trong ta một tiềm năng vô tận giúp ta tỏ lộ sự triều mến, thì ta sẽ cảm thấy thừa sức phát lộ sự diệu dàng, tình thương yêu và lòng tư bi đối với kẻ khác. Trong số tất cả chúng ta, bất cứ ai cũng có khả năng hướng về kẻ khác, xu hướng đó biểu lộ một cách tự động và hiển nhiên giống như giữa người mẹ và đứa con mình trong tay. Nếu không có mẹ, chúng ta đâu có thể sống còn từ thuở sơ sinh. Đó là một thứ tình cảm nội tại nơi con người, bởi thế, tất cả chúng ta đều có khả năng tỏ lộ sự ân cần.

73- Có một khía cạnh đạo đức mà ta thường hay quên mặc dù rất quan trọng, đó là cách xử thế đối với chính ta. Ta không nên làm thiệt hại kẻ khác, nhưng cũng đừng làm thiệt hại cho ta. Ta không thể đem đến sự tốt đẹp cho kẻ khác nếu ta thù ghét chính ta ! Phải hiểu rằng tất cả chúng ta đều ước mong thật sâu xa sẽ đạt được hạnh phúc, và điều đó là một khát vọng chính đáng. Công nhận điều ấy và tạo ra điều kiện để được sung sướng sẽ giúp ta lợi dụng và trải rộng sự sung sướng đó để hướng về kẻ khác.

Như thế, khi ước nguyện noi gương người Bồ-tát giúp đỡ tất cả chúng sinh đạt đến Giác ngộ, ta cũng cần phải nguyện cầu giúp đỡ cho ta nữa.

74- Cũng có trường hợp vô tình ta gây ra điều không tốt cho kẻ khác. Tác động của nghiệp mà ta tạo ra trong trường hợp đó không giống với tác động của nghiệp khi ta thực thi một hành vi mang tính cách cố tình. Chính động cơ thúc đẩy ta thực thi một hành vi sẽ xác định hậu quả liên quan đến nghiệp, nghiệp sinh ra từ hành vi và tư tưởng của ta.

75- Trên phương diện tạo ra hậu quả của nghiệp, động cơ thúc đẩy giữ một vai trò quan trọng hơn cả hành vi. Chẳng hạn, nếu ta có ý định làm hại một người nào đó, nhưng bề ngoài và trong cấp thời ta vẫn giữ im lặng không hề thốt lên một lời cọc cằn hay làm bất cứ gì gây ra thương tổn cho người ấy, nhưng cũng không phải vì thế mà làm nhẹ bớt hậu quả từ những tư tưởng đang được phát lộ một cách hung hãn trong ta. Thực ra, ta đang mong muốn làm hại kẻ đó nhưng bên ngoài ta lại xử thế một cách đạo đức giả. Một sự mâu thuẫn nảy sinh giữa tư tưởng và hành động của ta trong trường hợp trên đây. Theo quan điểm của Phật giáo, cũng như trên mặt đạo đức và nghiệp, thì động cơ đứng ra thúc đẩy và lèo lái tư tưởng của ta giữ một vai trò thật hệ trọng.

76- Đức Phật có nói : « Chúng ta là những gì mà chúng ta đang suy nghĩ, chúng ta tạo ra thế giới này bằng tư tương của chính mình ». Cách cư xử và biết giữ đạo đức đúng đắn sẽ ảnh hưởng một cách tích cực vào thế giới này, điều đó có nghĩa là không phải tất cả mọi vật thể đều là những phóng ảnh của tâm thức.

Phương cách mà ta cảm nhận thế giới này là một phóng ảnh, một tác tạo của tâm thức và tất nhiên là những gì riêng biệt cho mỗi người. Bằng cớ là cùng một vật đối với hai người khác nhau, một người có thể cho là đẹp, người kia lại cho là xấu. Kinh sách cho biết phương cách mà ta cảm nhận thế giới này là kết quả sinh ra từ tổng thể của tất cả các nghiệp mà ta tích lũy từ vô lượng kiếp trước. Người ta có thể nói rằng thế giới như chúng ta đang trông thấy với tư cách con người, là phản ảnh của những cảm nhận phát sinh từ nghiệp, xuyên qua tri thức của ta trong dòng tiếp nối của vô lượng kiếp.

77- Phải tin tưởng nơi con người. Trong sâu thẳm, con người rất tốt và từ bi, bởi vì con người hàm chứa tiềm năng thuộc vào bản thể của Phật. Tuy đó là một điều khẳng định, nhưng cũng cần phải thật sáng suốt để nhìn thấy những xung năng đối nghịch có thể chất chứa trong con người và kích động con người hành động.

78- Sự phán đoán hợp lý, kinh nghiệm, quan sát, y khoa, đều công nhận một tâm thức khi đã được khắc phục, không hung bạo, sẽ giúp ta sống trong an bình và hài hoà hơn. Ác cảm, hận thù, ám ảnh có thể ảnh hưởng quan trọng trên thân xác và làm suy thoái thể dạng sức khoẻ tự nhiên. Ngược lại, thái độ trong sáng và thư giản sẽ tác động một cách tích cực trên sự biến chuyển của một căn bịnh.

79- Hạnh phúc và khổ đau của ta buộc chặt với hạnh phúc và khổ đau của tất cả chúng sinh. Ý thức được sự tương liên đó tất nhiên sẽ đưa đến những xúc cảm cởi mở, biết yêu thương và chăm lo cho kẻ khác. Tất cả chúng ta ai cũng có thể làm được việc ấy, chẳng cần phải nhờ đến các quan điểm lý thuyết do các trường phái triết học hay các truyền thống tôn giáo chủ trương.

80- Mỗi khi nhận thấy một số dục vọng hay bấn loạn nổi lên trong tâm thức, thì phải quan sát ngay những tư duy và những xúc cảm nào mang tính cách tiêu cực để không rơi vào vòng kiềm toả của chúng. Khi ý thức được sự hiện hữu của chúng, ta có thể tránh và không phạm vào những hành vi tạo ra nghiệp tiêu cực. Thí dụ như có một kẻ nào nguyền rủa ta, tức thời ta phản ứng bằng sự giận dữ, ấy chính là trường hợp ta đang bị « lèo lái » bởi sự giận dữ và sẽ không kịp suy nghĩ chín chắn để chọn lấy một thái độ thích nghi cho cảnh huống. Trong những trường hợp như thế, ta không còn chủ động được các hành vi của chính mình.

81- Tự giữ kỷ cương cho chính ta không có nghĩa là tự nhủ : « Tôi không nên làm cái này hay cái kia vì tôi không được phép làm như thế », nhưng phải biết suy nghĩ về hậu quả phát sinh từ những suy tư và những hành vi của chính mình, trong ngắn hạn, trong thời gian sắp tới và cả trong lâu dài, để ý thức rằng một số hành vi nào đó có thể gây ra khổ đau cho chính ta và cho kẻ khác nữa. Muốn ý thức được thứ kỷ cương ấy phải dùng đến lý luận và phân tích, không giống như thứ kỷ luật phát sinh một cách dễ dàng từ sự sợ hãi khi có sự hiện diện của một người lính.

82- Vai trò đạo đức được quan tâm càng ngày càng nhiều trong các xã hội tân tiến. Ngược lại với những gì xảy ra trước đây, ngày nay các cơ quan truyền thông và quần chúng trở nên cảnh giác hơn đối với những nhân vật chính quyền, từ những nhà chính trị, bác sĩ, khoa học gia, quan toà và kể cả những người khác nữa..., bằng cách nhìn vào khía cạnh đạo đức trong cách xử thế của họ. Nếu họ không biết giữ đạo đức, quần chúng và các cơ quan truyền thông sẽ tố cáo thái độ của họ một cách gay gắt. Cách phản ứng như thế buộc những người tham gia chính quyền nên tự sửa đổi để hành động đạo đức hơn, và bớt đạo đức giả hơn.

83- Vai trò của các cơ quan truyền thông rất quan trọng trong các xả hội dân chủ, nơi chúng ta đang được hưởng tự do. Các cơ quan truyền thông phải cố gắng quảng bá những giá trị quan trọng về nhân bản và phải giữ thật khách quan. Tôi thường nói rằng cần có một cái vòi voi đánh hơi khắp mọi nơi để tố giác bất công và những bế tắc trong xã hội. Nhưng nếu chuyện đó thực hiện được thì cũng đừng quên đặt lên hàng đầu những gì tích cực phát hiện trong thế giới này. Thông thường khi có thảm họa xảy ra và trở thành « tin tức », người ta thường có chiều hướng nhắc đi nhắc lại tin tức ấy quá nhiều. Những tin tức tai ương hoặc buồn thảm tràn ngập các phương tiện truyền thông, nhiều đến đỗi những hành vi tích cực được thực hiện hàng ngày khắp nơi trên thế giới không được quan tâm đúng mức. Thật đáng tiếc, vì những hành vi tích cực có thể làm gương cho nhiều người noi theo. Nếu chỉ nói đến những khía cạnh tiêu cực của bản chất nhân loại, cuối cùng người ta có thể ngờ vực đến cả căn bản tốt lành của con người.

84- Ngũ giác góp phần tác tạo ra xúc cảm nơi con người. Vì thế âm nhạc, hội họa, nghệ thuật thiêng liêng, thông thường ảnh hưởng trên xúc cảm của ta và có thể giúp ta biến cải những gì tiêu cực, bằng cách chận đứng chúng.

Rõ rệt nhất là trường hợp đối với âm nhạc, vì âm nhạc tạo ra một tiến trình có khả năng lôi ta trở lại với những thể dạng sâu xa hơn trong con người*.

(Ghi chú thêm của người dịch : âm hưởng của những câu thần chú và âm thanh tụng niệm cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc tu tập)

85- Thông thường, thật hết sức quan trọng phải tránh không được làm hại kẻ khác bằng bất cứ một hình thức bạo lực nào. Mặc dù như thế, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, một đau đớn nhỏ có thể giúp để tránh được một đau đớn lớn hơn. Do đó, không nhất thiết phải áp dụng một cách tuyệt đối các quy tắc tổng quát, nhưng phải luôn luôn đánh giá thật đúng hoàn cảnh mà ta phải đối đầu trên thực tế. Vậy thì, tùy theo từng trường hợp phải cân nhắc để so sánh giữa khổ đau và an vui, làm thế nào để xảy ra khổ đau ít nhất.

86- Tất cả chẳng qua cũng tùy vào động cơ thúc đẩy, đối với khoa học cũng thế. Chẳng hạn như khi xử dụng những tiến bộ về di truyền học để chữa trị bịnh tật, thì có thể xem đó làm một điều mừng. Nhưng nếu dùng những tiến bộ về di truyền học để làm hại kẻ khác thì đó là một hành vi bạo lực.

87- Khi bàn về vấn đề tâm linh, không nhất thiết tôi phải bắt buộc đề cập đến vấn đề tôn giáo. Không nên chờ đợi an lành và hạnh phúc do các tác nhân từ bên ngoài đem đến, nhưng cần phải tìm hiểu phương cách vận hành của tâm thức để có thể biến cải được nó. Đối với tôi, vấn đề tâm linh chính là biết suy tư và hành động một cách vị tha.

Tiến triển tâm linh không thể phát sinh từ những điều kiện và tiến bộ bên ngoài, từ một máy vi tính, hoặc bằng cách biến đổi và chữa trị bộ não, nhưng chỉ có thể phát sinh từ những gì trong nội tâm của ta, từ quyết tâm sâu xa muốn tự cải thiện để trở thành một con người cao cả hơn. Phải thực hiện như thế, và chỉ có như thế sự tiến triển tâm linh mới có thể xảy ra được





Hãy bố thí cho kẻ khác, không mong đợi sự hồi đáp và cũng không tính toán gì hết; bố thí để tìm lấy sự sung sướng và để yêu thương, chính đấy là cách tạo ra những phúc hạnh lớn lao nhất. Đạo đ
ức chính là những gì căn cứ trên lòng quyết tâm giúp đỡ kẻ khác.


1- Khi cảm thấy hoang mang, mất tự tin, hãy nghĩ ngay đến tiềm năng tuyệt vời được sinh làm thân con người, tấm thân ấy chỉ ước mong được nẩy nở. Vì thế, hãy nhìn vào kho tàng quý giá đó đang được cất giữ trong ta để tìm lấy nguồn hạnh phúc : hân hoan là một sức mạnh, hãy khơi động và chăm lo cho xúc cảm ấy.



2- Những gì cốt yếu có thể đem đến hạnh phúc chính là biết hài lòng với những gì đang là chính mình trong những giây phút hiện tại. Sự hoan hỷ nội tâm sẽ biến cải cảm quan của ta khi phóng nhìn vào vạn vật chung quanh, và ta sẽ tìm được sự anh bình cho tâm thức.



3- Khi có kẻ nào làm ta tổn thương, đừng do dự một chút nào cả, hãy tha thứ cho họ. Vì khi biết nghĩ đến những gì đang kích động họ và đưa họ đến những hành vi ấy, ta sẽ hiểu chính đấy là những khổ đau mà họ đang phải gánh chịu, không phải họ quyết tâm và cố tình làm ta thương tổn và gây thiệt hại cho ta. Tha thứ là một một phương cách xử sự tích cực dựa vào sự suy nghĩ, không phải là một hành động bỏ qua. Tha thứ là một hành động ý thức, căn cứ trên sự hiểu biết và chấp nhận hiện trạng thực tế của những cảnh huống xảy ra cho ta.



4- Hãy bố thí cho kẻ khác, không mong đợi sự hồi đáp và cũng không tính toán gì hết; bố thí để tìm lấy sự sung sướng và để yêu thương, chính đấy là cách tạo ra những phúc hạnh lớn lao nhất. Đạo đức chính là những gì căn cứ trên lòng quyết tâm giúp đỡ kẻ khác. Điều duy nhất có khả năng gom tất cả chúng sinh có giác cảm lại gần với nhau chính là Tình thương.



5- Hãy cám ơn kẻ thù của ta, họ là những vị thầy lớn nhất cho ta. Họ tập ta đương đầu với khổ đau và giúp ta phát huy sự nhẫn nhục, lòng rộng lượng và từ bi, nhưng không chờ đợi bất cứ một sự hồi đáp nào.



6- Những trang sức đẹp nhất mà ta có sẳn chính là tình thương và lòng từ bi. Nếu ta tìm hiểu những điều kiện nào có thể giúp ta đạt được hạnh phúc và tạo được an vui, ta sẽ nhận thấy những điều kiện ấy nằm trong khả năng con người và sự vận hành của tâm thức, và ta hoàn toàn có đủ khả năng để tạo ra những điều kiện ấy.



7- Không thể thực hiện sự giải trừ vũ khí bên ngoài, nếu không có sự giải trừ vũ khí trong nội tâm. Bạo lực làm phát sinh bạo lực. Chỉ có an bình trong tâm thức mới có thể tạo ra một sự sống trong sáng, không hàm chứa những xung năng đối nghịch. Sự giải binh toàn cầu là một trong những giấc mơ tha thiết nhất của tôi. Chỉ là một giấc mơ thôi...



8- Khổ đau tinh thần và tình cảm ta đang gánh chịu chính là người hướng dẫn vạch cho ta thấy thái độ của ta đúng hay sai. Tìm thấy ý nghĩa cho cuộc sống mà ta đang sống có thể làm nhẹ bớt hoặc vượt hẳn lên trên những khổ đau mà ta đang phải chịu đựng, điều ấy có nghĩa là ta cần phải biến cải sự vận hành của chính tâm thức ta.



9- Hãy biết hân hoan với hạnh phúc của kẻ khác, vì mỗi một dịp may như thế đồng thời cũng là một phút giây vui sướng cho riêng ta. Hãy hân hoan khi ta được hạnh phúc, bởi vì yêu thương kẻ khác khó có thể thực hiện được nếu ta quên yêu thương lấy chính ta, và sự hân hoan đó sẽ giúp ta tin tưởng và vững tâm hơn. Tùy vào cách cảm nhận trước những cảnh huống xảy ra trong sự hiện hữu, mà các thể dạng như trung hoà, hạnh phúc hay khổ đau sẽ phát sinh trong cuộc sống của chính mình.



10- Yêu thương và từ bi sẽ xoá bỏ mọi sợ hãi khi phải sống, vì khi nào những xúc cảm tich cực ấy hiển lộ trong ta, sự vững tin sẽ hiển hiện trong nội tâm và sự sợ hãi sẽ tan biến. Chính tâm thức ta tạo ra cái thế giới mà ta đang sống.



11- Tập khắc phục tâm thức chẳng những sẽ giúp ta sống trong an bình với chính ta mà đối với kẻ khác nữa, điều ấy cũng giúp ta tìm thấy sự hoan hỷ cho nội tâm trong bất cứ trạng huống nào mà ta vấp phải. Không có một điều gì hay bất cứ ai có thể làm cho một người khác cảm thấy bất hạnh, nếu người này có một tâm thức tinh khiết đã loại bỏ được những xúc cảm phát sinh từ những xung năng đối nghịch.



12- Chúng ta không thể nào tìm thấy hạnh phúc nếu chỉ biết ham thích ảo giác và không nhìn thẳng vào hiện thực. Hiện thực không tốt đẹp cũng chẳng sấu xa. Vạn vật là như thế, không thể nào bắt buộc chúng phải hiển hiện đúng với ý muốn của riêng ta. Thấu hiểu và chấp nhận điều ấy chính là một trong những chìa khoá của hạnh phúc.



13- Phật giáo giảng rằng giây phút trước khi chết thật hệ trọng, bởi vì những giây phút đó là dịp may cuối cùng giúp ta hiện hữu trong giai đoạn trung ấm (bardo) – tức thế giới chuyển tiếp giữa cái chết và sự tái sinh – xảy ra sau khi đã trút hơi thở cuối cùng. Để có thể sống với một tâm thức an bình trong những giây phút cuối cùng phải chuẩn bị suốt một cuộc đời tu tập, và trong những giây phút ấy cần phải tập trung tâm thức hướng vào những xúc cảm nhân từ thật sâu xa, hoặc hướng vào mối giây tình cảm buộc chặt thầy và môn đệ, hoặc hướng vào Tánh không và Vô thường, làm được như thế ta sẽ tái sinh trong một hoàn cảnh tốt đẹp. Những giây phút trước khi lâm chung thật quan trọng vì đó là lúc ta nắm giữ trong tay phần số của ta trong kiếp tái sinh.



Khi đã hiểu được cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào sẽ giúp ta sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại và nằm xuống trong an bình.



14- Giận dữ và hận thù cần có một đối tượng để bộc phát, giống như lửa cần có củi khô để cháy. Khi phải đối đầu với những hoàn cảnh hận thù, chẳng hạn có kẻ muốn khiêu khích hay tìm cách ám hại, ta hãy dùng sức mạnh của nhẫn nhục để chận đứng ngay sự chi phối của những xúc cảm tiêu cực có thể xảy ra. Nhẫn nhục phát sinh từ khả năng chịu đựng, đừng để bất cứ gì làm cho ta dao động, dù trong tình huống nào cũng thế. Nếu biết dựa vào nhẫn nhục, sẽ không có một kẻ nào đủ sức khuấy động được tâm thức ta.



15- Hãy tổ chức sự sống của ta nhắm vào những gì hàm chứa một giá trị đích thực có thể đem đến một ý nghĩa cho sự sống của ta, nhưng không nên hướng vào lạc thú và cuộc sống phù phiếm, cuốc sống ấy chỉ đẩy ta xa thêm, ra bên ngoài sự sống của chính ta. Hãy xây dựng một cuộc sống dựa vào một trách nhiệm quan trong nhất, đó là trách nhiệm mà ta phải phục vụ kẻ khác.



16- Không có một hành vi đạo hạnh nào gọi là nhỏ hay lớn, bởi vì mỗi hành vi đạo hạnh đều góp phần vào sự xây dựng hoà bình trên thế giới này. Điều đáng kể duy nhất là hiến dâng tất cả cho kẻ khác và lấy đó làm niềm hạnh phúc. Phẩm tính lớn nhất của khả năng con người là lòng vị tha.



17- Đừng đánh mất thì giờ vì ganh tị và cải vả. Hãy suy tư về vô thường để ý thức được giá trị của sự sống. Nếu muốn thực hiện an bình trong tâm thức và trong tim, cần phải thay đổi những thói quen suy nghĩ có sẳn trong đầu. Nếu không muốn hoá điên vào lúc bắt buộc phải rời bỏ thế giới này, thì ta phải tu tập ngay từ bây giờ để hiểu rằng không nên bám víu vào mọi sự vật và đừng mơ tưởng đó là những thứ mà rồi đây ta có thể mang theo khi chết.



18- Đừng bỏ mặc tấm thân này, cũng đừng quan tâm đến nó một cách quá đáng, nhưng phải kính trọng nó và chăm sóc cho nó như một thứ dụng cụ quý giá và cần thiết có thể góp phần giúp cho tâm thức đạt được Giác ngộ.



19- Hành vi mà ta thực thi phản ảnh từ tư duy và xúc cảm của chính ta. Tự nơi chúng, những hành vi ấy không mang tích cách tích cực hay tiêu cực, tích cực hay tiêu cực tùy thuộc vào những ý đồ tiềm ẩn đã thúc đẩy ta. Ý đồ sẽ giữ vai trò quyết định cho nghiệp, tức quy luật về nguyên nhân và hậu quả, nghiệp sẽ tạo ra cho ta một cuộc sống và trong cuộc sống ấy ta sẽ có cảm giác như là đang hạnh phúc hay đang khổ đau.



20- Bố thí trước hết phải tập thế nào để đừng va chạm đến tự ái và làm tổn thương kẻ khác. Làm được như thế có nghĩa là tránh không làm hại đến chính ta, vì làm tổn thương kẻ khác chính là tự làm tổn thương đến ta trước đã.



21- Không thể nào nắm bắt được hiện tại. Không có gì tồn tại trong thế giới này, không có gì tự nơi chúng có thể hiện hữu được. Vậy thì, cố gắng nắm bắt và chiếm giữ những đối tượng của các giác quan mà ta cảm nhận được trong hiện tại để làm gì ? Chúng không mang một thực thể nào cả. Chúng chỉ là hậu quả của trùng trùng điệp điệp những nguyên nhân và điều kiện khác đã tác tạo ra chúng. Chúng không sinh ra để tồn tại bởi vì chúng biến đổi từng giây phút một. Do đó, chớ nắm bắt gì cả.



22- Tham vọng không kềm giữ được sẽ biến tâm thức con người thành nô lệ và sẽ không bao giờ để cho tâm thức được yên, khi nào ham muốn lạc thú vẫn còn thúc đẩy tâm thức để tạo ra vô số cảnh huống khác nhau trong mục đích giúp thoả mãn những tham vọng trong sinh hoạt hằng ngày, thì khi đó tâm thức vẫn còn nô lệ và bất an. Tham vọng khi đã được kềm chế và khắc phục sẽ giải thoát con người ra khỏi mọi hoàn cảnh, dù là hoàn cảnh hạnh phúc hay khổ đau cũng thế, và sẽ đem đến an bình trong tim và trong tâm thức. 



23- Trau dồi nhẫn nhục là tập phát huy lòng từ bi hướng vào những kẻ đã đem đến thương tổn cho ta, nhưng không phải vì thế mà chấp nhận cho họ tàn phá ta. Lòng từ bi là vị lương y tốt nhất để chữa chạy cho tâm thức. Từ bi sẽ giải thoát cho ta trước những bám víu và những xung năng đối nghịch.



24- Chỉ vì vô minh và thiếu nhận xét minh bạch, nên ta tiếp tục tạo ra những điều bất hạnh cho chính ta. Tâm thức luôn luôn bị giằng co giữa những gì ta ưa thích và ghét bỏ. Ta hành động giống như có thể lẩn tránh được những cảnh huống đang hiện ra với ta. Ta quên mất là tất cả không có gì tồn tại và tự nó hiện hữu. Ta cũng quên là ta có thể chết bất cứ lúc nào.



25- Bám víu vào những đối tượng của giác cảm sẽ làm cho tâm thức thèm thuồng và bịnh hoạn. Tom góp được nhiều của cải không có nghĩa là làm cho tâm thức được an bình một cách tương xứng. Hãy nhìn vào những kẻ có đầy đủ tiện nghi vật chất, họ có thể tự cung phụng cho đến hết cuộc đời, nhưng họ vẫn sống trong buồn bực, lo âu, bất toại nguyện và khép kín. Họ không hiểu rằng hiến dâng sẽ đem đến niềm hân hoan to lớn nhất. Họ không thể hiểu được là không cần phải có thật nhiều của cải mới đủ sức hiến dâng một nụ cười để giúp cho kẻ khác được sung sướng. Những điều kiện vật chất của họ thật đầy đủ, nhưng không đem đến cho họ một mảy may hạnh phúc, vì chưng chỉ có một thứ duy nhất có thể cải thiện được cuộc sống nội tâm trong bất cứ hoàn cảnh vật chất nào, ấy chính là sự tu sửa tâm linh.



26- Tôi ước nguyện sẽ xử dụng không dám phí phạm một giây phút nào trong sự hiện hữu của tôi để góp phần vào việc giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau và những nguyên nhân gây ra khổ đau và giúp chúng sinh tìm thấy hạnh phúc cũng như nhìn thấy những nguyên nhân nào sẽ đem đến hạnh phúc. Tôi xin phát nguyện để ghi nhớ rằng phát lộ lòng từ bi đối với chúng sinh khởi sự bằng từ bi đối với chính mình, nhưng không hàm chứa một chút bóng dáng nào của sự ích kỷ, vì mỗi người trong chúng ta đều là thành phần của cộng đồng chúng sinh.



27- Phương pháp thiền định phân tích đem đến sự vững tin giúp ta biến cải tâm thức. Sự biến cải đó đòi hỏi nhiều thời gian, và cách tập luyện cũng rất gần với các phương pháp khoa học. Những xúc cảm làm đảo điên và kích động ta là những đối tượng giúp cho cho ta quan sát, để từ đó chọn lấy những liều thuốc hoá giải hiệu nghiệm nhất khả dĩ giúp đạt được mục đích mong muốn, tức giải thoát ta ra khỏi ảnh hưởng của những xúc cảm bấn loạn để đạt được Giác ngộ. Nên ghi nhớ rằng hai thể dạng xung khắc nhau không thể nào hội nhập chung với nhau cùng một lúc trong tâm thức. Vì thế, thí dụ nếu ta đang nổi giận với một người nào đó, hãy nghĩ ngay đến việc phát lộ tình thương đối với người ấy. Nếu ta phát lộ được yêu thương, giận dữ sẽ biến mất trong tâm thức. Tình thương là liều thuốc hoá giải sự giận dữ.



28- Tất cả đều mang tính cách vô thường, nhờ đó ta có thể biến cải được tâm thức và những xúc cảm bấn loạn làm dấy động tâm thức. Chẳng hạn như hận thù hay giận dữ, chúng phải tùy thuộc vào bối cảnh để hiển hiện. Tự nơi chúng, chúng không phải là những hiện thực, chúng không hiện hữu một cách thường xuyên trong tâm thức ta, vì thế ta có thể khắc phục, biến cải và loại trừ chúng được. Để giúp thực hiện việc ấy, cần nhất là phải tái tạo chúng trong bối cảnh mà chúng đã phát sinh, phân tích bối cảnh nào đã làm cho chúng bộc phát và tìm hiểu nguyên do của sự bộc phát ấy. Thực hiện được một thể dạng phúc hạnh lâu bền có nghĩa là loại trừ ra khỏi tâm thức những xúc cảm tiêu cực.



29- Khổ đau không phải phi lý nhưng cũng không phải vô ích, chẳng qua chỉ vì nghiệp mà chúng phát sinh, nghiệp ở đây có nghĩa là quy luật nguyên nhân và hậu quả chi phối chu kỳ của mọi hiện hữu. Chu kỳ hiện hữu có thể sẽ khó hiểu nếu không tin vào hiện tượng tái sinh. Tư tưởng và hành vi của ta trong nhiều kiếp sống liên tiếp từ trước sẽ tạo ra hậu quả tích cực hay tiêu cực tùy theo ý đồ thúc đẩy làm phát sinh ra tư tưởng và hành vi. Nguyên tắc ấy cũng xảy ra chung cho cả một dân tộc hay một quốc gia. Những gì xảy ra cho dân tộc Tây tạng là hậu quả của nghiệp. Nhưng điều ấy cũng không cấm cản đi tìm một giải pháp làm thế nào để nhân quyền ở Tây tạng được tôn trọng, kể cả nền văn hoá ngàn năm, tư tưởng triết học và tôn giáo đặc thù của nền văn minh chúng tôi. Không nên hiểu lầm nghiệp với định mệnh, nhưng phải rút tỉa kinh nghiệm từ những bài học mà ta gặp phải trong sự sống để hành động trong chiều hướng tích cực và ý thức.



30- Làm thế nào để có thể phát triển hoà bình trên thế giới nếu chúng ta không biết kính trọng thiên nhiên ? Từ con người đến muôn thú, tất cả đều liên kết với nhau trong một ước vọng chung có tính cách phổ quát, tức lẩn tránh khổ đau và tạo được những điều kiện thuân lợi đem đến an lành và bình an cho sự sống. Thật hết sức quan trọng phải luôn luôn tự nhắc nhở về điều ấy, vì lẽ lẩn tránh khổ đau là quyền căn bản của mọi chúng sinh có giác cảm. Để giúp cho mọi người biết tôn trọng cái quyền căn bản đó, chính chúng ta phải làm gương cho kẻ khác trước đã.



31- Thực thi từ bi là tâm điểm của việc tu tập Phật giáo. Phát huy phẩm tính ấy thật cần thiết vì nó sẽ giúp ta hành động một cách đúng đắn để đem đến an vui cho kẻ khác và đồng thời thực hiện được từ bi cũng sẽ giúp ta không gây thêm những nguyên nhân mới tạo ra khổ đau cho chính mình và cho kẻ khác, tức không tạo thêm những nghiệp « xấu ». Từ bi là một thứ xúc cảm sâu xa phát lộ không một mảy may phân biệt trước tất cả mọi con người đang phải gánh chịu khổ đau. Từ bi phát sinh từ uớc vọng sâu xa được giúp đỡ kẻ khác. Trong việc tu tập Phật giáo, muốn duy trì sức mạnh của ước vọng đó, hằng ngày phải lập đi lập lại lời nguyện ước như sau : « Tôi nguyện ước sẽ giúp đỡ mọi chúng sinh có giác cảm loại trừ được khổ đau và các nguyên nhân gây ra khổ đau và cũng giúp chúng sinh thấu hiểu được nguyên nhân và những điều kiện nào có thể giúp họ đạt được giác ngộ ».



32- Tất cả chúng ta đều mong ước được hạnh phúc, không ai muốn khổ đau, nhưng điều quan trọng là ta có muốn biến cải tâm thức ta hay không. Khi ý thức được sự cần thiết đó, một sự dịu dàng bao la và một tình thương vô biên đối với đồng loại sẽ nảy sinh trong tâm thức. Nhưng chỉ có thể thực hiện được điều ấy khi nào ta đủ sức biết tỏ lộ tình thương và sự kính trọng đối với chính ta. Thật là hão huyền nếu tin rằng ta có đủ sức yêu thương kẻ khác trong khi ta thù ghét chính ta và không chấp nhận thực trạng của chính ta.



33- Nguyên lý tương liên giữa chúng sinh và mọi hiện tượng cho thấy ta luôn luôn liên hệ chặt chẽ với kẻ khác, với thiên nhiên và cả vũ trụ. Tất cả chúng ta đều tương liên với nhau, điều ấy có nghĩa là chúng ta phải gánh chịu trách nhiệm về cách suy nghĩ, cách sinh sống và từng hành vi nhỏ nhặt, vì chúng sẽ ảnh hưởng chung đến toàn thể vũ trụ. Hơn nữa, vì chưng tất cả những gì hiện hữu đều tương tác chặt chẽ với nhau, nên chúng ta có bổn phận phải giúp đỡ tất cả chúng sinh có giác cảm loại bỏ khổ đau, để tất cả có thể nhìn thấy nguyên nhân của hạnh phúc. Giúp đỡ chúng sinh có nghĩa là ta cũng phải biết chận đứng các nguyên nhân đưa đến khổ đau liên quan trực tiếp đến chính ta. Hiểu được như thế mới thật sự hiểu được nguyên lý tương liên.



34- Dù cho có hay không có một vị thầy đứng ra giúp đỡ, thì mỗi người trong chúng ta cũng phải tự tìm lấy một phương cách tu tập thích nghi nhất cho mình, thích hợp với những nhu cầu riêng của mình. Tiêu chuẩn trên đây hết sức cần thiết để biến cải nội tâm, đem đến an bình cho tâm thức và phát huy các phẩm tính tích cực để tự biến cải để trở thành một người tốt. Vì thế, một vị tu hành phải biết thuyết giảng như thế nào cho phù hợp với xu hướng tâm linh và khả năng tinh thần của từng người, giống như Phật đã từng thuyết giảng khi còn tại thế trong thời đại của Ngài. Cũng thế, quý vị đâu có ăn uống giống như những người hàng xóm của quý vị – mỗi người ẩm thực tùy theo cấu tạo cơ thể của mình –, đối với những món ăn tinh thần cũng thế mà thôi.



35- Hạnh phúc của chính ta lệ thuộc vào hạnh phúc của kẻ khác, vì thế thật hết sức hệ trọng phải cố gắng làm tất cả những gì làm được để giúp kẻ khác đạt được hạnh phúc. Đôi khi ta cũng có cảm giác bất lực không làm nổi hoặc không đủ sức cứu giúp kẻ khác, nhưng dù sao điều quan hệ là đừng thất vọng và cứ cố gắng tiếp tục hành động trong chiều hướng tích cực, vì làm như thế ta mới có thể khai triển trong ta khả năng phát huy lòng vị tha đích thực giúp ta thực hiện sự an bình trong tâm thức.



36- Nếu như giúp đỡ kể khác tỏ ra quá khó đối với ta, thì cứ hành động như một người ích kỷ cũng được, nhưng phải thông minh, tức bằng cách cố gắng hiểu rằng làm được điều tốt cho kẻ khác sẽ tạo ra mối giây liên hệ thân thiện hơn với họ, và như thế sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi giúp đạt được hạnh phúc và sự trong sáng cho chính ta.



37- Các phương pháp thực thi lòng từ bi phải được phát triển song hành với sự hiểu biết và trí tuệ, trong mục đích giúp ta hành động đúng đắn và thích nghi. Sự hiểu biết và trí tuệ không thể thiếu sót trong việc tìm hiểu bản thể đích thực của vạn vật, và cả bản thể căn bản của tâm thức. Một sự thẩm định chính xác những gì ta cảm nhận và những gì ta đang sống chỉ có thể thực hiện được bằng cách quan sát một vật thể hay một cảnh huống dưới nhiều góc cạnh khác nhau, trong mục đích tìm lấy một giải đáp thích nghi và thật minh bạch giúp ta vượt lên trên những phản ứng và những xúc cảm tiêu cực.



38- Muốn đạt được Giác ngộ, điều quan trọng là phải cảm nhận một cách đúng đắn thực tại. Trong cách tu tập Phật giáo, và trong mục đích giúp cho sự cảm nhận được dễ dàng hơn, ta phải cần đến hai khái niệm gọi là hai sự thực, sự thực tương đối và sự thực tuyệt đối. Sự thực tương đối là sự thực mà ta cảm nhận được bằng các giác quan của ta. Sự thực tuyệt đối không mô tả ra được bởi vì nó vượt lên trên mọi khái niệm. Theo kinh sách, hai sự thực đó bổ khuyết cho nhau, không thể tách rời khỏi nhau và luôn luôn lệ thuộc lẫn nhau, giống như con chim cần có đôi cánh để bay bổng. Hiện thực chính là cách ý thức căn cứ đồng loạt trên cả hai sự thực ấy.



(Lời ghi chú thêm của người dịch : sự thực tương đối là sự thực quy ước và nhị nguyên, nhận biết được bằng giác cảm và bằng sự hiểu biết công thức và quy ước, sự thực tương đối ấy luôn luôn biến động và đổi thay, tức nằm trong quy luật của vô thường. Sự thực tuyệt đối là Tánh không, tức bản chất đích thực và tối hậu của của mọi vật thể và hiện tượng, sự thực tuyệt đối vượt lên trên mọi hiểu biết nhị nguyên, đối nghịch và quy ước).



39- Thông thường ta cảm nhận bản chất của mọi vật thể một cách sai lầm. Sự sai lệch giữ những gì đúng thực và những gì ta cảm nhận chính là nguyên nhân đưa đến khổ đau. Biến cải tâm thức để nhìn thấy hiện thực tức là cách tập nhìn hiện thực đúng với hiện thực, không diễn đạt, trung thực trong giây phút hiện tại. Ta sẽ không còn nắm bắt hiện thực tùy thuộc vào những phóng ảnh của tâm thức nữa. Đó là điều kiện căn bản để phát huy an bình trong tâm thức.



40- Đứng trước khổ đau của kẻ khác, có thể ta sẽ cảm thấy bấn loạn và bị tràn ngập bởi những khổ đau của họ, và sự liên lụy đó chỉ làm gia tăng thêm những khó khăn cho chính ta. Những cảm nhận ấy không phải là những kinh nghiệm phát sinh từ lòng từ bi. Lòng từ bi khi đã hiển lộ đích thực, thay vì cảm thấy bất an và lo âu, một sự can đảm vô biên hiển hiện trong ta. Ước vọng làm bất cứ gì có thể được để làm nhẹ bớt khổ đau cho kẻ khác, sẽ giúp ta vượt lên trên những khổ đau của chính ta. Hành động vì từ bi sẽ đem đến niềm hân hoan vô biên.



41- Những vật thể cấu hợp chỉ để tan biến mà thôi, chúng đều vô thường, nhất thời và giai đoạn. Thân xác ta cũng thế, nhưng tiếc thay ta thường hay quên chuyện ấy, chẳng qua vì ta quá bám víu vào thân xác. Đối với một số người, ý thức được sự thực ấy sẽ làm cho họ khổ đau vô ngần. Nhận thức được thế nào là bản thể đích thực của mọi vật, ta sẽ chấp nhận chẳng có gì tự nó hiện hữu, kể cả bản chất của khổ đau cũng thế, cũng phù du, nhất thời và không tự nó hiện hữu. Nắm vững được điều ấy sẽ giúp ta thêm can đảm mỗi khi gặp phải những cảnh huống khó khăn và bực dọc trong sự sống hoặc phải đối đầu với một số thử thách nào đó.



42- Một số tham vọng hay ước muốn có thể chấp nhận được trên đường tu tập tâm linh. Chẳng hạn, một người tu tập Đạo Pháp thì ước mong khắc phục được tâm thức, một kẻ nào đó tin có Trời thì ước vọng làm cho Trời được vui lòng. Những ước vọng như thế đều là những ước vọng chính đáng. Trái lại, những ham muốn hướng vào những sự vật bên ngoài sẽ tạo ra bám víu hay những xúc cảm tiêu cực trong tâm thức, những ham muốn ấy thật không chính đáng một chút nào cả. Cần phải giới hạn những loại thèm muốn hay lệ thuộc đó. Quả thật là một ảo giác khi nghĩ rằng thế giới bên ngoài một ngày nào đó sẽ có thể làm thoả mãn được những dục vọng của ta.



43- Người Tây tạng rất quan tâm đến việc mang thai, từ khi thụ thai đến suốt thời gian hài nhi còn trong bụng, người mẹ phải giữ tinh thần thật thanh thản, hạnh phúc và an bình để hài nhi được nẩy nở một cách hài hoà. Trong thế giới Tây phương, càng ngày người ta càng khuyến khích cách giữ gìn ấy và ý thức rằng một người mẹ lo âu, giận dữ, tham lam, ganh ghét, sẽ làm cho hài nhi trong bụng phải gánh chịu những hậu quả không tốt. Chúng ta cũng nên khuyến khích người mẹ cho con bú nếu có thể được, vì sữa mẹ tượng trưng cho lòng thương mến của con người. Các khám phá y khoa cũng cho biết sự chăm lo và âu yếm giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của bộ nảo.



44- Tu tập tâm thức đôi khi có vẻ như khó thực hiện đối với những người phương Tây trong khung cảnh sinh hoạt của xã hội tân tiến. Những còn tùy vào là sức mạnh của quyết tâm, vì sức mạnh đó sẽ đem đến lòng nhiệt tâm vô biên giúp ta bước thẳng vào sự tu tập, dù đang ở trong bất cứ một hoàn cảnh nào. Vì thế, nếu thực tâm, ta vẫn có thể khởi sự ngay việc tu tập để biến cải tâm thức, dù đang phải tiếp tục quan tâm đến các hoạt động nghề nghiệp, đời sống gia đình, các sinh hoạt và bổn phận hàng ngày.



45- Biến cải tâm thức, phát triển khả năng yêu thương và lòng từ bi để tự cải thiện lấy ta, tất cả đều do nơi sức mạnh của lòng quyết tâm. Để củng cố và làm bộc phát sức mạnh đó, cần phải quay nhìn vào nội tâm, quan sát lấy chính ta một cách cẩn thận, gia tăng ước vọng muốn được cải thiện và học hỏi. Nhờ vào trí thông minh, ta củng cố thật vững chắc vị thế tích cực ấy và rồi trí tuệ sẽ tăng trưởng một cách tương xứng. Ít ra trong bước đầu trên đường tu tập, cách tiến hành như trên đây cần dựa vào trí tuệ và lý trí.



46- Sinh hoạt nghề nghiệp thường nhật trói buộc mọi người rất nhiều, nhưng điều đó đâu cấm cản được họ giải trí, đi dạo mát, đi chơi cuối tuần và nghỉ hè. Nếu như ta thật sự ước muốn tự biến cải, thì ta vẫn có thể tìm được thì giờ để thực hiện việc ấy. Chỉ cần ước muốn thật sâu xa.



47- Giai đoạn đầu lúc mới bước vào con đường tu tập tâm linh có thể rất chông gai. Nhưng sau đó, khi đã có kinh nghiệm, ước vọng và quyết tâm tu tập sẽ từ từ trở nên vững vàng, kiên quyết và hăng hái hơn, giúp ta cải thiện tâm thức trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là nơi làm việc hay trong gia đình, hoặc trong khi sinh hoạt thường nhật. Và từ đó ta sẽ trở nên tỉnh táo và chăm chú hơn. Cách tu tập ấy sẽ phản ảnh qua sinh hoạt và cách xử sự của ta đối với kẻ khác.



Tu tập Đạo Pháp tức là ra sức tu sửa trong từng giây phút một, vì thế phải sử dụng thì giờ một cách thật ý thức.



48- Nếu ta cảm thấy ghen ghét một đồng nghiệp khi người này thành công hơn ta, hoặc ganh tị khi thấy một kẻ nào đó có một vật gì quý giá, thì hãy tìm cách biến đổi ngay tâm thức bằng một liều thuốc hoá giải chống lại những xúc cảm tiêu cực ấy. Trong các trường hợp vừa kể, phải tập phát lộ sự hân hoan và vui sướng trước hạnh phúc của kẻ khác.



49- Không có một ranh giới nào có thể ngăn cản lòng nhiệt tâm của ta trước ước mong tìm hiểu tâm linh và khả năng phát huy những phẩm tính con người. Ta có thể ước muốn không giới hạn đối với những điều ấy, không bao giờ có thể gọi là đủ những thành quả đã đạt được.



Vì thật sự, phát lộ lòng từ bi, tình thương và rộng lượng không bao giờ có thể gọi là đầy đủ ?



Ức vọng phát huy những phẩm tính nội tâm ấy phải thật sâu xa, không lệ thuộc và vô giới hạn.



50- Ta phải canh chừng, nếu những động cơ thúc đẩy ta mang tính cách nhân từ, thì hành vi trên thân xác, ngôn từ và cả tâm thức cũng sẽ ảnh hưởng theo. Biến cải thói quen tinh thần thật cần thiết để cải thiện tâm thức và những hành vi xuất phát từ tâm thức. Thật quan trọng phải tránh không tạo ra sự lầm lẫn cho kẻ khác, phải chú tâm không để bị chi phối bởi kiêu ngạo, ganh ghét, không để cho sự tính toán hơn thua lôi cuốn ; khi nào những xúc cảm tiêu cực không còn xâm chiếm ta nữa, thì cách cư xử của ta cũng sẽ biến đổi theo, ta biết thương người hơn và đồng thời cách xử thế của ta cũng sẽ đem đến lợi ích và tốt đẹp cho kẻ khác.



51- Mỗi con người đều có một bản chất riêng và xu hướng khác nhau, vì thế thật khó để bảo rằng một thứ gì đó lại có thể hữu ích chung cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, tôi vẫn có thể khuyên nhủ mọi người hãy trau dồi tinh thần giác ngộ, ý tưởng thương người, tự cải thiện để giúp đỡ kẻ khác và suy tư về vô thường dưới tất cả mọi khía cạnh.



Vô thường « thô thiển » dễ nhận biết vì nó biểu lộ trong mọi thể dạng vật chất của sự hiện hữu, nhưng vô thường « tinh tế » cũng đang hiển hiện từng giây phút một trong ta, chung quanh ta và cả trong tâm thức ta. Suy tư về vô thường sẽ giúp hiểu được bản chất đích thực của khổ đau, điều đó cũng giúp tránh khỏi những điều kiện và nguyên nhân tạo tác ra thể dạng tiêu cực trong các kiếp sống của ta, và cũng sẽ giúp ta phát huy an bình trong tâm thức.



52- Chúng ta thường đặt tầm quan trọng quá lớn cho quá khứ và tương lai. Ta sống và xem quá khứ lẫn tương lai đang hiện hữu rành rành ra đó, để rồi ta quên sống với hiện tại. Thật ra, sống trong giây phút hiện tại quan trọng hơn nhiều, vì đó là giây phút duy nhất mà ta có thể thật sự hành động để biến cải tâm thức và phát huy những xúc cảm tích cực hướng ta vào việc giúp đỡ kẻ khác.



53- Thiền định và suy tư giúp ta nắm bắt hiện tại dễ dàng hơn, và sống với hiện tại một cách trong sáng hơn, không phóng nhìn vào quá khứ hay tương lai để khỏi bị ám ảnh bởi những gì có thể làm cho ta thích thú hay ghét bỏ. Khi ta gặp một khó khăn nào đó, cần nhất phải đánh giá biến cố ấy đúng với tầm quan trọng của nó. Nếu có giải pháp thì đem ra thực hành ngay. Nhưng nếu không có giải pháp thì dù có lo âu cũng vô ích, chỉ làm tăng thêm sự bất an cho ta mà thôi. Vậy thì lo âu để làm gì ?



Nếu phân tích các nguyên nhân và điểu kiện gây ra tình huống đó, ta sẽ nhận thấy con số nguyên nhân và điều kiện nhiều vô kể. Biết phát huy tầm nhìn bao quát trên những gì ta đang sống sẽ giúp ta không còn đổ lỗi cho một nguyên nhân duy nhất hay một kẻ duy nhất đã gây ra khổ sở hay đem đến phúc hạnh cho ta, điều đó cũng giúp ta phân tích chính xác hơn những gì xảy đến cho ta và giúp ta bớt lệ thuộc vào những nguyên nhân bên ngoài.



(Giải thích thêm của người dịch : nguyên nhân và điều kiện là những gì thuộc quy luật tương liên của vạn vật, tất cả mọi hiện tượng đều liên hệ và tương tác chằng chịt với nhau, không thể tách rời để quy tội hay gán phúc cho bất cứ một nguyên nhân hay một điều kiện nào. Có thể hiểu đơn giản là mọi biến cố bên ngoài chỉ là duyên, chúng tương tác với nghiệp tức ý đồ và hành vi của ta, để tạo ra quả cho chính ta).



54- Tư duy và xúc cảm tiêu cực che lấp bản thể đích thực của ta, một bản thể thật rạng ngời. Tư duy và xúc cảm tiêu cực lại quá nhiều, nếu ta không đủ sức khắc phục chúng, chúng sẽ lôi kéo ta đi đâu tùy ý chúng. Dù cho ta không phải là một Phật tử đi nữa, ta vẫn có thể suy nghĩ và tự hỏi xem ta có dám quả quyết và không sợ sai khi phát biểu như sau : « Có một ‘’ cái tôi’’ và nó đang suy nghĩ rằng chính ‘’ tôi ‘’ đây ».



Cũng thế, có đúng là có một « cái tôi » và một cái « ngã » đang ở một vị trí nào đó hay không ? Tu tập và biết suy tư sẽ giúp ta phân biệt được giữa một người đang cảm nhận xúc cảm (chẳng hạn như ganh ghét, giận dữ, hận thù) với chính xúc cảm đang hành hạ người đó. Khi đã quen dần, ta sẽ xác định dễ dàng hơn những gì đang xảy ra trong ta để tách riêng những thứ đó với phần tâm thức đang đứng ra kích động chúng, ấy cũng là cách giúp cho ta chủ động được chúng.



55- Khi bị căng thẳng, lo âu, và không thể tự kềm chế được, nhưng nếu biết nhìn vào « cái tôi » và quan sát « nó » đang lo âu và đang thao túng ta, và sau đó chịu khó tìm hiểu bản chất đích thực của « cái tôi » ấy là gì, thì cách quan sát nội tâm như thế sẽ giúp ta làm nhẹ bớt đi những lo sợ đang phát hiện trong ta.



(Giải thích thêm của người dịch : nếu « cái tôi » làm đối tượng không có thì những tác nhân lo âu và căng thẳng sẽ không tạo ra được một hiệu quả nào, đồng thời nếu « cái tôi » làm chủ thể cũng không có, thì « nó » cũng không thể gây ra một tác động nào)



56- Tìm hiểu thế nào là sự tương liên giữa con người và mọi hiện tượng sẽ giúp phát huy đức tính bất bạo động và đem đến hoà bình cho toàn thể thế giới và trong mỗi con người. Nguyên lý tương liên là một trong những nguyên lý căn bản trong giáo lý nhà Phật. Tất cả mọi vật thể, tất cả mọi sinh linh chỉ có thể hiện hữu bằng cách tương liên với những sinh linh khác và cả thế giới này. Không có gì tự nó hiện hữu, tất cả phải lệ thuộc vào một chuỗi dài nguyên nhân và điều kiện, các nguyên nhân và điều kiện lại tiếp tục lệ thuộc lẫn nhau.



57- Các hiện tượng đều biến đổi không ngừng vì nguyên lý tương liên giữa mọi sinh linh và hiện tượng. Chúng ta đang biến đổi không ngừng vì các nguyên nhân và điều kiện tương liên với nhau. Nhưng người ta lại thường có khuynh hướng đổ lỗi cho một nguyên nhân chính yếu duy nhất mà thôi, dù cho đấy là một nguyên nhân tốt hay xấu cũng thế.



Người ta thường huy động tất cả sức lực để đạt được nguyên nhân này hay loại trừ nguyên nhân khác, tùy theo các đấy là một nguyên nhân ích lợi hay nguy hại.



Thái độ như thế cho thấy ta không hiểu gì cả về nguyên lý tương liên giữa tất cả mọi sinh linh và mọi hiện tượng.



58- Không thể có một nguyên nhân duy nhất hay một con người duy nhất tạo ra phúc hạnh hay khổ đau cho ta. Muốn nắm vững điều đó, cần phải có một tầm nhìn thật bao quát, trên toàn diện mọi sự vật, và biết mở rộng sự hiểu biết của ta về hiện thực. Nói như thế để thấy rằng những gì ta đang sống là kết quả của vô lượng nguyên nhân và điều kiện liên kết với nhau.



Vậy thì, thật hết sức hoài công khi quy lỗi cho một kẻ nào đó chẳng hạn, một kẻ duy nhất nắm giữ quyền lực tạo ra cảnh huống khổ sở cho ta. Vì lý do vừa kể, hãy thay đổi cách cư xử đừng để thốt lên : « tại vì lỗi của kẻ khác », hoặc là « tại vì lỗi của hoàn cảnh đưa đẩy ».



Cách nhận thức hiện thực như thế là sai lầm. Chính ta phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trong cuộc sống của ta, dù tốt lành hay tệ hại cũng thế. Đó là quy luật của nghiệp, quy luật của nguyên nhân và hậu quả, quy luật ấy áp dụng đồng đều cho tất cả mọi người. Hiểu biết và chấp nhận quy luật ấy sẽ giúp ta tìm được an bình trong tâm thức.



59- Người ta thường bảo rằng một người tâm trí hẹp hòi là một người không đủ trí tuệ. Nhưng nếu người ấy có tầm nhìn bao la hơn, người ta lại gọi người ấy là một hiền nhân. Nắm vững nguyên lý tương liên, kèm thêm trí tuệ và sự hiểu biết sẽ mở rộng tâm thức và giúp ta biết lùi lại để nhìn thẳng vào những gì ta đang sống một cách thật ý thức.



60- Đề cập đến quy luật tương liên, hiểu được nguyên lý ấy là gì, có nghĩa là quan sát được bản thể đích thực của vạn vật và thấy được hiện thực đang vận hành như thế nào. Điều ấy sẽ giúp ta biến cải cách cảm nhận về thế giới này và làm thay đổi các thói quen sẳn có cũng như cung cách của ta.



Vì thế, khi ta phải chịu đựng một tình huống đớn đau, tại sao phải tự trói mình trong cảnh tuyệt vọng và tự nhủ rằng thật bất công ? Hãy nghĩ đến tất cả những kẻ khác cũng đang chịu đựng cùng một thứ đớn đau như ta và như thế ta sẽ phát hiện được một tầm nhìn bao quát hơn về vạn vật.



Hãy nhận lãnh đớn đau và hiến dâng sức chịu đựng của ta đến những ai đang gánh chịu cùng một thứ đớn đau như ta để họ được nhẹ nhỏm. Mặc dù lúc đầu việc ấy tỏ ra khó thực hiện, vì nó đòi hỏi phải dẹp bớt ích kỷ, nhưng dần dần khi đã thành công, tự nhiên ta cảm thấy hiển lộ một sự an bình đích thực trong tâm thức.



Loại tu tập trên đây cũng áp dụng cho trường hợp khi ta tìm thấy một niềm hạnh phúc lớn lao. Hãy hiến dâng hạnh phúc đó cho tất cả chúng sinh.



61- Trí tuệ giúp ta cảm nhận được thế nào là nguyên lý tương liên. Sự hiểu biết lại giúp ta nhận biết được thế nào là bản thể đích thực của vạn vật. Ghi nhớ những điều ấy trong tâm để khai triển lòng từ bi và tình thương yêu kẻ khác sẽ giúp ta nhận thấy rõ ràng việc phát lộ tình thương và lòng từ bi đến kẻ khác không những sẽ đem đến tốt lành cho kẻ khác mà còn cho cả ta nữa, ngược lại, nếu ta gây ra thiệt hại cho kẻ khác, có nghĩa là ta tự làm hại cho chính ta.



Trong trường hợp thứ nhất, có hai người được lợi. Trong trường hợp thứ hai, cả hai người đều thiệt hại.



62- Hiểu biết được thế nào là nguyên lý tương liên sẽ rất hữu ích để hiểu được khủng bố và cuồng tín là gì. Người ta cứ nghĩ rằng loại bỏ được những thứ ấy là giải quyết được vấn đề. Quả thật không thể nào không nhìn nhận tính cách nghiêm trọng về những gì do những kẻ cực đoan gây ra, thực thi những việc ấy là một sự sai lầm. Nhưng ta cũng phải hiểu rằng những hành vi đó sinh ra từ rất nhiều nguyên nhân và điều kiện. Một con số lý do hết sức to lớn góp phần vào sự hình thành loại thái độ ấy. Một số người vì quá lệ thuộc vào truyền thống tôn giáo của mình thường có những quan điểm khép kín, không nhìn thấy được hiện thực, do đó đã tạo ra cách cư xử của họ.



Một quan điểm bao quát và sáng suốt hơn về vạn vật trong cả hai lãnh vực ngắn hạn và lâu dài sẽ giúp cho họ vững tâm hơn, đạt được nhiều nghị lực hơn, và rồi hậu quả đem đến sẽ có thể giúp họ biết chọn lấy một cách cư xử khác hơn.



63- Tự tạo riêng cho mình những kỷ cương là điều cần thiết giúp biến cải nội tâm, những kỷ cương đó dù bất cứ trong trường hợp nào cũng không thể được áp đặt từ bên ngoài, nhưng phải phát sinh từ sự hiểu biết của ta về vạn vật và từ những điều tốt lành mà ta có thể rút tỉa được từ sự hiểu biết ấy, và nhất là phải biết đem chúng ra để áp dụng vào thực tế.



64- Muốn trau dồi nghề nghiệp hoặc muốn tìm hiểu thêm về một chủ đề nào đó, ta sẳn sàng dành thời giờ để nghiên cứu và thực hành. Ta suy nghĩ và xác định những gì ưu tiên, những gì cần thiết hơn hết, và từ đó cố gắng ra sức để thực hiện mục đích hay ước vọng đã chọn. Trong đời sống tâm linh cũng vậy, hãy chọn lấy một kỷ cương phù hợp với mình.



65- Tất cả chúng ta đều là những con người như nhau, chúng ta đều có những khát vọng giống nhau. Tôi đây cũng giống như quý vị. Mỗi khi tôi phải đối đầu với một khó khăn nào đó, tôi cố gắng nhìn ngược vào tâm thức tôi, phân tích những gì đang xảy ra để tìm lấy một chút sáng suốt. Điều đó rất tích cực và mỗi người trong chúng ta đều có thể làm được.



Chúng ta sống trong những xứ sở mà những điều kiện vật chất, kỹ thuật và tiện nghi rất phát triển ; nhưng chúng ta cũng đừng đặt tất cả ước vọng hạnh phúc của chúng ta duy nhất vào bối cảnh bên ngoài.



An vui, trong sáng và an bình phát hiện bên trong tâm thức. Thật hết sức cần thiết phải cần tìm kiếm những điều kiện nội tâm thuận lợi để làm cho chúng tăng trưởng thêm.



66- Chúng ta phải cố gắng thực hiện sự an vui trong lâu dài. Làm tan biến những lo âu trong chốc lát cũng dễ mà thôi. Ví dụ như uống bia ướp lạnh giúp ta trở nên vui vẻ, nhờ chất rượu trong bia. Sự vui vẻ đó rất hời hợt và phù du, những mối lo buồn vẫn còn nguyên.



Muốn kiến tạo an vui lâu dài và thường xuyên, phải cải thiện cách vận hành của tâm thức. Đấy là những lời tôi thường dùng để khuyên nhủ tất cả những người bạn của tôi.



67- Không cần thiết phải theo một tôn giáo nào cả mới có thể biến cải được tâm thức. Việc biến cải tâm thức có thể thực hiện được đối với tất cả mọi người, không cần đòi hỏi họ phải là một tín đồ. Các truyền thống tinh thần có thể giúp thêm phương tiện để đạt được mục đích ấy, nhưng không phải là một con đường không thể thiếu sót.



Vì lý do rõ rệt như thế, nên tôi thường nhắc nhở chỉ cần một « nền đạo đức lâu đời »* cũng có thể đem ra áp dụng cho tất cả mọi người, không cần phải tin tưởng ở một tôn giáo nào cả.



(Ghi chú thêm của người dịch : ngoài khía cạnh tôn giáo và triết học, Phật giáo cũng là một « nền đạo đức lâu đời », hơn hai ngàn năm trăm năm).



68- Tất cả mọi chủ nghĩa đặc thù về tôn giáo hay văn hoá đều đi đến chỗ lỗi thời, do đó muốn cho tất cả mọi sinh linh có thể tìm thấy vị trí của mình trong một nền đạo đức thế tục, thì nền đạo đức đó phải được căn cứ trên những nguyên tắc có tầm vóc nhân loại và tính cách toàn cầu.



Thực hiện được như thế mới là một cuộc cách mạng tâm linh thực sự, một cuộc cách mạng dựa trên những phẩm tính con người, chẳng hạn như lòng từ bi, tình thương, sự rộng lượng, biết tôn trọng, và ý thức được trách nhiệm của mình.



69- Vì sự tốt lành của tất cả chúng sinh, đừng gây ra sai trái, đừng làm hại đến một sinh linh nào cả, đấy là những gì thật căn bản được vạch ra từ nền đạo đức Phật giáo. Căn bản đó làm nền móng cho cách cư xử bất bạo động, lòng từ bi và tình thương yêu kẻ khác. Nếu như mục đích tối hậu đem đến tốt lành và thực hiện những nghĩa cử lớn lao cho kẻ khác là chính đáng, thì phải nên làm bất cứ gì có thể làm được, trong từng giây phút một, để đạt được mục đích đó.



70- Giới luật (shila) là một trong những yếu tố giúp đạt được Giác ngộ, các yếu tố khác là sự thiền định (samadhi), sự hiểu biết hay trí tuệ (prajna). Các thành phần ấy bổ khuyết cho nhau.



Sống không giới luật là một cách sống làm hại đến kẻ khác. Sống theo cách đó, không những ta sẽ làm những điều không tốt lành cho kẻ khác, nhưng ta còn gieo những hạt giống khổ đau cho chính ta. Ta phải ý thức rõ rệt điều đó trong mục đích phát huy giới luật đạo đức, dựa trên sự hiểu biết và trí tuệ. Khía cạnh cao nhất của đạo đức là đặt hạnh phúc của kẻ khác lên trên hạnh phúc của chính mình.



71- Những xúc cảm bấn loạn làm cho tâm trí u mê, không kịp suy nghĩ đến hậu quả do các hành vi đưa đến, và những xúc cảm ấy sẽ kích động ta xử sự một cách tiêu cực đối với kẻ khác. Biến cải tâm thức có nghĩa là làm tan biến hoàn toàn những yếu tố tâm thần mang tính cách tàn phá đang ẩn trú trong ta.



Muốn thực hiện được điều đó, ta cần suy tư và nghĩ đến những lợi ích sẽ mang đến từ một cuộc sống đạo đức đúng đắn và biết từ bỏ những ước mơ ích kỷ mà ta hằng ấp ủ. Như thế, khi tập hướng sự chăm lo của ta và những suy tư của ta đến người khác trong chiều hướng tích cực, dần dần từng chút một, ta sẽ đạt được mục đích tối thượng của việc thực hiện đạo đức, tức đem đến sự tốt lành cho tất cả chúng sinh. Nhưng tất cả những thứ ấy chỉ có thể thực hiện được khi nào ta biết dựa vào giới luật để cư xử ngay thật, đúng đắn và chân thành.



72- Nếu ta hiểu rằng ta đang cất giữ trong ta một tiềm năng vô tận giúp ta tỏ lộ sự triều mến, thì ta sẽ cảm thấy thừa sức phát lộ sự diệu dàng, tình thương yêu và lòng tư bi đối với kẻ khác. Trong số tất cả chúng ta, bất cứ ai cũng có khả năng hướng về kẻ khác, xu hướng đó biểu lộ một cách tự động và hiển nhiên giống như giữa người mẹ và đứa con mình trong tay. Nếu không có mẹ, chúng ta đâu có thể sống còn từ thuở sơ sinh. Đó là một thứ tình cảm nội tại nơi con người, bởi thế, tất cả chúng ta đều có khả năng tỏ lộ sự ân cần.



73- Có một khía cạnh đạo đức mà ta thường hay quên mặc dù rất quan trọng, đó là cách xử thế đối với chính ta. Ta không nên làm thiệt hại kẻ khác, nhưng cũng đừng làm thiệt hại cho ta. Ta không thể đem đến sự tốt đẹp cho kẻ khác nếu ta thù ghét chính ta ! Phải hiểu rằng tất cả chúng ta đều ước mong thật sâu xa sẽ đạt được hạnh phúc, và điều đó là một khát vọng chính đáng. Công nhận điều ấy và tạo ra điều kiện để được sung sướng sẽ giúp ta lợi dụng và trải rộng sự sung sướng đó để hướng về kẻ khác.



Như thế, khi ước nguyện noi gương người Bồ-tát giúp đỡ tất cả chúng sinh đạt đến Giác ngộ, ta cũng cần phải nguyện cầu giúp đỡ cho ta nữa.



74- Cũng có trường hợp vô tình ta gây ra điều không tốt cho kẻ khác. Tác động của nghiệp mà ta tạo ra trong trường hợp đó không giống với tác động của nghiệp khi ta thực thi một hành vi mang tính cách cố tình. Chính động cơ thúc đẩy ta thực thi một hành vi sẽ xác định hậu quả liên quan đến nghiệp, nghiệp sinh ra từ hành vi và tư tưởng của ta.



75- Trên phương diện tạo ra hậu quả của nghiệp, động cơ thúc đẩy giữ một vai trò quan trọng hơn cả hành vi. Chẳng hạn, nếu ta có ý định làm hại một người nào đó, nhưng bề ngoài và trong cấp thời ta vẫn giữ im lặng không hề thốt lên một lời cọc cằn hay làm bất cứ gì gây ra thương tổn cho người ấy, nhưng cũng không phải vì thế mà làm nhẹ bớt hậu quả từ những tư tưởng đang được phát lộ một cách hung hãn trong ta. Thực ra, ta đang mong muốn làm hại kẻ đó nhưng bên ngoài ta lại xử thế một cách đạo đức giả. Một sự mâu thuẫn nảy sinh giữa tư tưởng và hành động của ta trong trường hợp trên đây. Theo quan điểm của Phật giáo, cũng như trên mặt đạo đức và nghiệp, thì động cơ đứng ra thúc đẩy và lèo lái tư tưởng của ta giữ một vai trò thật hệ trọng.



76- Đức Phật có nói : « Chúng ta là những gì mà chúng ta đang suy nghĩ, chúng ta tạo ra thế giới này bằng tư tương của chính mình ». Cách cư xử và biết giữ đạo đức đúng đắn sẽ ảnh hưởng một cách tích cực vào thế giới này, điều đó có nghĩa là không phải tất cả mọi vật thể đều là những phóng ảnh của tâm thức.



Phương cách mà ta cảm nhận thế giới này là một phóng ảnh, một tác tạo của tâm thức và tất nhiên là những gì riêng biệt cho mỗi người. Bằng cớ là cùng một vật đối với hai người khác nhau, một người có thể cho là đẹp, người kia lại cho là xấu. Kinh sách cho biết phương cách mà ta cảm nhận thế giới này là kết quả sinh ra từ tổng thể của tất cả các nghiệp mà ta tích lũy từ vô lượng kiếp trước. Người ta có thể nói rằng thế giới như chúng ta đang trông thấy với tư cách con người, là phản ảnh của những cảm nhận phát sinh từ nghiệp, xuyên qua tri thức của ta trong dòng tiếp nối của vô lượng kiếp.



77- Phải tin tưởng nơi con người. Trong sâu thẳm, con người rất tốt và từ bi, bởi vì con người hàm chứa tiềm năng thuộc vào bản thể của Phật. Tuy đó là một điều khẳng định, nhưng cũng cần phải thật sáng suốt để nhìn thấy những xung năng đối nghịch có thể chất chứa trong con người và kích động con người hành động.



78- Sự phán đoán hợp lý, kinh nghiệm, quan sát, y khoa, đều công nhận một tâm thức khi đã được khắc phục, không hung bạo, sẽ giúp ta sống trong an bình và hài hoà hơn. Ác cảm, hận thù, ám ảnh có thể ảnh hưởng quan trọng trên thân xác và làm suy thoái thể dạng sức khoẻ tự nhiên. Ngược lại, thái độ trong sáng và thư giản sẽ tác động một cách tích cực trên sự biến chuyển của một căn bịnh.



79- Hạnh phúc và khổ đau của ta buộc chặt với hạnh phúc và khổ đau của tất cả chúng sinh. Ý thức được sự tương liên đó tất nhiên sẽ đưa đến những xúc cảm cởi mở, biết yêu thương và chăm lo cho kẻ khác. Tất cả chúng ta ai cũng có thể làm được việc ấy, chẳng cần phải nhờ đến các quan điểm lý thuyết do các trường phái triết học hay các truyền thống tôn giáo chủ trương.



80- Mỗi khi nhận thấy một số dục vọng hay bấn loạn nổi lên trong tâm thức, thì phải quan sát ngay những tư duy và những xúc cảm nào mang tính cách tiêu cực để không rơi vào vòng kiềm toả của chúng. Khi ý thức được sự hiện hữu của chúng, ta có thể tránh và không phạm vào những hành vi tạo ra nghiệp tiêu cực. Thí dụ như có một kẻ nào nguyền rủa ta, tức thời ta phản ứng bằng sự giận dữ, ấy chính là trường hợp ta đang bị « lèo lái » bởi sự giận dữ và sẽ không kịp suy nghĩ chín chắn để chọn lấy một thái độ thích nghi cho cảnh huống. Trong những trường hợp như thế, ta không còn chủ động được các hành vi của chính mình.



81- Tự giữ kỷ cương cho chính ta không có nghĩa là tự nhủ : « Tôi không nên làm cái này hay cái kia vì tôi không được phép làm như thế », nhưng phải biết suy nghĩ về hậu quả phát sinh từ những suy tư và những hành vi của chính mình, trong ngắn hạn, trong thời gian sắp tới và cả trong lâu dài, để ý thức rằng một số hành vi nào đó có thể gây ra khổ đau cho chính ta và cho kẻ khác nữa. Muốn ý thức được thứ kỷ cương ấy phải dùng đến lý luận và phân tích, không giống như thứ kỷ luật phát sinh một cách dễ dàng từ sự sợ hãi khi có sự hiện diện của một người lính.



82- Vai trò đạo đức được quan tâm càng ngày càng nhiều trong các xã hội tân tiến. Ngược lại với những gì xảy ra trước đây, ngày nay các cơ quan truyền thông và quần chúng trở nên cảnh giác hơn đối với những nhân vật chính quyền, từ những nhà chính trị, bác sĩ, khoa học gia, quan toà và kể cả những người khác nữa..., bằng cách nhìn vào khía cạnh đạo đức trong cách xử thế của họ. Nếu họ không biết giữ đạo đức, quần chúng và các cơ quan truyền thông sẽ tố cáo thái độ của họ một cách gay gắt. Cách phản ứng như thế buộc những người tham gia chính quyền nên tự sửa đổi để hành động đạo đức hơn, và bớt đạo đức giả hơn.



83- Vai trò của các cơ quan truyền thông rất quan trọng trong các xả hội dân chủ, nơi chúng ta đang được hưởng tự do. Các cơ quan truyền thông phải cố gắng quảng bá những giá trị quan trọng về nhân bản và phải giữ thật khách quan. Tôi thường nói rằng cần có một cái vòi voi đánh hơi khắp mọi nơi để tố giác bất công và những bế tắc trong xã hội. Nhưng nếu chuyện đó thực hiện được thì cũng đừng quên đặt lên hàng đầu những gì tích cực phát hiện trong thế giới này. Thông thường khi có thảm họa xảy ra và trở thành « tin tức », người ta thường có chiều hướng nhắc đi nhắc lại tin tức ấy quá nhiều. Những tin tức tai ương hoặc buồn thảm tràn ngập các phương tiện truyền thông, nhiều đến đỗi những hành vi tích cực được thực hiện hàng ngày khắp nơi trên thế giới không được quan tâm đúng mức. Thật đáng tiếc, vì những hành vi tích cực có thể làm gương cho nhiều người noi theo. Nếu chỉ nói đến những khía cạnh tiêu cực của bản chất nhân loại, cuối cùng người ta có thể ngờ vực đến cả căn bản tốt lành của con người.



84- Ngũ giác góp phần tác tạo ra xúc cảm nơi con người. Vì thế âm nhạc, hội họa, nghệ thuật thiêng liêng, thông thường ảnh hưởng trên xúc cảm của ta và có thể giúp ta biến cải những gì tiêu cực, bằng cách chận đứng chúng.



Rõ rệt nhất là trường hợp đối với âm nhạc, vì âm nhạc tạo ra một tiến trình có khả năng lôi ta trở lại với những thể dạng sâu xa hơn trong con người*.



(Ghi chú thêm của người dịch : âm hưởng của những câu thần chú và âm thanh tụng niệm cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc tu tập)



85- Thông thường, thật hết sức quan trọng phải tránh không được làm hại kẻ khác bằng bất cứ một hình thức bạo lực nào. Mặc dù như thế, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, một đau đớn nhỏ có thể giúp để tránh được một đau đớn lớn hơn. Do đó, không nhất thiết phải áp dụng một cách tuyệt đối các quy tắc tổng quát, nhưng phải luôn luôn đánh giá thật đúng hoàn cảnh mà ta phải đối đầu trên thực tế. Vậy thì, tùy theo từng trường hợp phải cân nhắc để so sánh giữa khổ đau và an vui, làm thế nào để xảy ra khổ đau ít nhất.



86- Tất cả chẳng qua cũng tùy vào động cơ thúc đẩy, đối với khoa học cũng thế. Chẳng hạn như khi xử dụng những tiến bộ về di truyền học để chữa trị bịnh tật, thì có thể xem đó làm một điều mừng. Nhưng nếu dùng những tiến bộ về di truyền học để làm hại kẻ khác thì đó là một hành vi bạo lực.



87- Khi bàn về vấn đề tâm linh, không nhất thiết tôi phải bắt buộc đề cập đến vấn đề tôn giáo. Không nên chờ đợi an lành và hạnh phúc do các tác nhân từ bên ngoài đem đến, nhưng cần phải tìm hiểu phương cách vận hành của tâm thức để có thể biến cải được nó. Đối với tôi, vấn đề tâm linh chính là biết suy tư và hành động một cách vị tha.



Tiến triển tâm linh không thể phát sinh từ những điều kiện và tiến bộ bên ngoài, từ một máy vi tính, hoặc bằng cách biến đổi và chữa trị bộ não, nhưng chỉ có thể phát sinh từ những gì trong nội tâm của ta, từ quyết tâm sâu xa muốn tự cải thiện để trở thành một con người cao cả hơn. Phải thực hiện như thế, và chỉ có như thế sự tiến triển tâm linh mới có thể xảy ra được