Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Nói chuyện giới tính với con

 MỘT VẤN ĐỀ TẾ NHỊ 

Làm sao chúng ta gạt bỏ được mọi thành kiến cũng như quan niệm cũ về khoa học giới tính? Chẳng hạn như ý nghĩ: Trẻ con rất đơn sơ trong trắng, không nên gieo vào đầu óc chúng những hình ảnh hoặc suy nghĩ không tốt. Với cách nghĩ này, thì việc cho bọn trẻ biết về giới tính là điều cấm kỵ vì sẽ đưa chúng đến việc thử nghiệm cho biết. Đó là bước đầu của sự sa ngã, hư hỏng!

Tuy nhiên qua một số điều tra xã hội học, thì phần lớn các thanh thiếu niên phạm pháp về giới tính, các cô gái không chồng mà có con ...đều không được cha mẹ hướng dẫn về giới tính từ bé. Vi` vậy, các bậc cha mẹ không  nên chỉ trông chờ vào trường lớp, xã hội, mà chính họ phải biết dạy cho con mình hiểu thế nào là giới tính.

  Sự hiểu biết và có thái độ thẳng thắn, lành mạnh với vấn đề giới tính là biện pháp tốt để bảo vệ sự trong trắng của con mình.

Đừng để cho con bị bất ngờ hoặc hoảng hốt trước những biến chuyển của cơ thể. Bạn có thể hướng dẫn con tìm hiểu về sự biến chuyển này dưới nhiều hình thức. Con của bạn rất cần được trang bị những kiến thức về giới tính trước khi chúng trở thành người lớn.

VỚI CON GÁI:  

Dùng ngôn ngữ thích hợp với độ tuổi của con gái bạn. (Từ 3 đến 5 tuổi) Tránh đừng để bé ngạc nhiên hoặc sợ hãi khi phát hiện ra có một bạn không giống mình ở trường mẫu giáo. Hãy giải thích cho bé về sự khác nhau của hai giới tính bằng những hình dung từ thích hợp. Và hãy trả lời những câu hỏi ngây thơ của bé : "Tại sao con không có ...mà bạn ấy lại có ....?" hay : "Con trai là gì? con gái là gì?"v.v...  Đôi khi cũng cần làm yên lòng bé bằng cách xác nhận rằng sự khác nhau như thế không có gì là sai trái và hư hỏng cả ...

 Trung thực , thẳng thắn , không nói dối ( lứa tuổi từ 6 đến 10 tuổi ) :
 
Tính e thẹn của bé lúc này phát triển dần. Bé bắt đầu muốn có sự riêng tư nho nhỏ để khám phá chính mình. Người mẹ nhạy bén sẽ luôn kịp thời ở bên con gái , trả lời những câu hỏi về giới tính của bé . Ví dụ như :
_ " Em bé sinh ra ở đâu ? "
_ " Tại sao mẹ có vú mà con lại không ? "
_ " Tại sao cu Bi giống ba còn con thì giống mẹ ? "
Hãy trả lời cho con một cách trung thực và dễ hiểu.


Lắng nghe và luôn tìm cơ hội cung cấp kiến thức cho con :
 
Một số bé gái dậy thì sớm. Vì thế, ngay từ khi bé 10, 11 tuổi , mẹ nên nói chuyện cho bé biết về kinh nguyệt, sự phát triển cơ thể, tâm sinh lý ở tuổi dậy thì . 

Khi bé đã vượt qua ngưỡng cửa dậy thì , chuẩn bị là một thiếu nữ , mẹ nên mua các loại sách kiến thức về giới tính cho con gái đọc .

Nên bỏ ra một khoảng thời gian nhất định trong ngày để trò chuyện với con về các cảm xúc yêu đương với người khác phái, việc quan hệ vợ chồng , thụ thai và sinh nở.

Hãy nói thật cởi mở và khoa học . Qua đó, dạy con gái biết cách giữ gìn và bảo vệ cơ thể , tránh xa những thử nghiệm nguy hiểm do hiếu kỳ. Hãy giải thích mọi thắc mắc của con một cách đúng khoa học nhưng tự nhiên bằng những ngôn từ đơn giản. 
 Trẻ em ngày nay được chăm sóc đầy đủ nên cơ thể phát triển nhanh. Thông thường, thời kỳ tiền dậy thì của em gái bắt đầu từ 8 đến 11 tuổi. Người mẹ nên quan tâm đến con nhiều hơn ngay từ thời kỳ này. Hãy hướng dẫn cho con cách vệ sinh cơ thể, chỗ kín, dạy con cách phòng chống xâm hại tình dục. Tuy nhiên, không nên quá coi trọng chuyện này, chỉ cần khéo léo dặn dò “Không cho ai được sờ tay vào chỗ kín”.

Ngay khi ở thời kỳ tiền dậy thì, trẻ bắt đầu có những dấu hiệu phản kháng lại lời cha mẹ với những câu hỏi tại sao phải làm thế này mà không làm thế kia. Đôi khi cha mẹ phải tạm chấp nhận những thay đổi về cách cư xử của con, đừng lúc nào cũng khăng khăng mình đúng. Như thế dễ tạo ra khoảng cách giữa mẹ và con gái.

Nếu thấy con gái có tình cảm đặc biệt với một bạn trai nào đó thì khuyên nó mời bạn về nhà. Qua những lần trò chuyện với bạn trai của con, bạn có thể tìm hiểu được tính tình của cậu ta.
 
Lúc đó con gái thấy mẹ gần gũi sẽ yên tâm thổ lộ mọi điều thầm kín, và người mẹ có thể hướng dẫn cho con nên đi chơi với bạn trai ở đâu, xử sự như thế nào. Đây là biện pháp quản lý con gái an toàn nhất. Nếu bạn cương quyết cấm đoán, trẻ sẽ lén lút quan hệ ở bên ngoài thì hậu quả lúc đó còn tồi tệ hơn nữa. 

Việc rút ngắn khoảng cách giữa mẹ và con gái rất khó khăn. Phương cách tốt nhất có thể giúp bà mẹ bày tỏ nỗi lòng là viết thư cho con. Tất nhiên không phải là những lời hoa mỹ mà là tình cảm chân thành. Trước khi đi làm, bạn hãy để lá thư trên bàn học của cháu. Chắc chắn, cháu sẽ viết thư trả lời. Khi tình cảm giữa hai mẹ con trở nên thân thiện hơn, thì không cần thiết phải viết thư nữa mà nên trao đổi thẳng thắn.

VỚI CON TRAI :
 
Con trai thường hay thắc mắc về giới tính nhiều hơn con gái. Do tính cách, chúng cũng bồng bột, nóng nảy, muốn biết hết, để khẳng định mình. Người bố cần hướng dẫn cho con trai kịp thời để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra trong quá trình chúng tự tìm hiểu về cơ thể của mình. 

Trong những năm đầu, khi bé còn nhỏ, mẹ cũng có thể đảm đương việc hướng dẫn về giới tính cho con trai, bởi mẹ chính là người gần gũi với bé nhiều nhất ... 

Đến khi bé trai được 11 tuổi, bắt đầu có những biến chuyển về tâm sinh lý, vì là "đàn ông với nhau " nên việc nói chuyện giới tính của bố với con trai sẽ dễ dàng hơn .

Bé trai thực sự tò mò về bản thân mình khi chúng bắt đầu vỡ tiếng. Dân gian gọi là tuổi dậy thì. Đây là khoảng thời gian biến chuyển đặc biệt, có ảnh hưởng lớn đến cả đời người.

Về thể chất: Đứa trẻ sẽ tăng trưởng nhanh, trên mặt thường xuất hiện những mụn trứng cá. Bộ phận sinh dục phát triển song song với các cảm xúc về giới tính mà từ trước đến nay, chúng chỉ biết một cách mơ hồ.

Về tinh thần: Tính cách của chúng có thể thay đổi và định hình theo chiều hướng tốt hoặc xấu hơn ...tuỳ theo những gì mà chúng cảm nhận được . 

Việc xuất tinh ban đêm đánh dấu tuổi dậy thì ở con trai. Nếu chưa được bố mẹ cho biết trước về điều này, cậu bé có thể sẽ hoang mang, lo sợ. Với những đứa trẻ nhạy cảm, việc phát hiện mình có một khả năng kỳ bí nào đó khiến chúng lo sợ ...rồi tự co mình vào vỏ ốc. Với những đứa trẻ có tính cách mạnh thì bồng bột, hiếu kỳ, muốn bứt phá, phô diễn khả năng của mình.
 
Đây là lúc mà người bố cần gần gũi và hướng dẫn cho con trai cảm thụ sự việc một cách bình tĩnh và sáng suốt. Đứa trẻ sẽ cảm thấy được an ủi và yên tâm khi biết rằng bố mình ngày xưa cũng từng trải qua những sự cố mà nó đang phải đối phó.

 Các sách giáo dục giới tính rất hữu dụng trong thời điểm này. Bố nên lựa chọn sách cho con đọc, sau đó giải thích những điều mà con chưa rõ. 
Tốt nhất nên dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để thảo luận với con về cuốn sách đang đọc .Không giống như con gái, khi phát triển giới tính thì con trai thường tò mò, thử nghiệm để khám phá những bí mật của bản thân. Bố cần lưu ý và cảnh báo cho con trai về những nguy hiểm có thể gặp khi quan hệ giới tính bừa bãi như các bệnh xã hội , lây nhiễm HIV ...Những hiểu biết đúng về đồng tính luyến ái ( không phải là một tệ nạn, hay bệnh hoạn mà chỉ là một vấn đề có tính tâm lý ) việc thủ dâm ( không xấu xa mà chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe ). Khi đã hiểu rõ vấn đề, trẻ sẽ biết được những mặt lợi hại trước mỗi tình huống và tránh được những điều tệ hại.  

 Khi bố và con trai đã là hai người bạn  thì việc trò chuyện thẳng thắn và cởi mở về vấn đề giới tính sẽ không còn là điều khó thực hiện nữa. Các ông bố có thuận lợi hơn các bà mẹ khi giảng giải cho con trai về vấn đề giới tính. Tuy nhiên, để có thể tạo dựng được hình ảnh một người bố đáng kính, hiểu biết và tin cậy thì mối quan hệ bố con cần được xây dựng ngay từ khi con trai còn nhỏ.

Từ khi trẻ còn bé, các ông bố nên tạo cơ hội như: đi câu cá, dạo trong công viên, thăm vườn thú. Đó là cơ hội để trẻ học được nhiều điều, từ sự khéo léo, tháo vát, cách ứng xử cần có ở nam giới cho đến những hiểu biết đầu tiên về sinh sản và giới tính. 

Từ 3 tuổi và nhiều năm sau, con trai có khuynh hướng sùng bái bố như một người toàn năng, việc gì cũng làm được, cái gì cũng biết, gần giống như một siêu nhân. Ngay ở lứa tuổi này, trẻ có thể đặt nhiều câu hỏi liên quan đến sự khác biệt giới tính và sinh sản. Người bố không nên bỏ lỡ cơ hội để giảng giải cho trẻ. 

Mối quan hệ bố con được vun trồng như vậy sẽ đặt nền móng thuận lợi để đến tuổi thành niên, con bạn dễ dàng chấp nhận chia sẻ với bố những vấn đề về tình bạn, tình yêu hay lựa chọn nghề nghiệp. Ở tuổi vị thành niên, một số trẻ không còn sùng bái bố như trước, đôi khi còn tỏ ra quá tự tin hoặc nghe bạn hơn nghe bố. Bởi vậy, bố mẹ không nên đưa ra những mệnh lệnh áp đặt mà chỉ khuyên bảo nhẹ nhàng, lý lẽ thuyết phục.
 
Để giúp các ông bố không lúng túng khi đề cập đến vấn đề sinh sản và tình dục, các bạn có thể tham khảo một số lời khuyên dưới đây:

Biểu thị sự hài lòng khi con trai hỏi về giới tính, không tỏ ra lúng túng hay ngượng ngùng. Nếu con trai không hỏi thì cũng nên chủ động khơi gợi vấn đề. Bạn hãy nhớ rằng, trang bị kiến thức giới tính trước còn hơn là nhận một hậu quả nặng nề do thiếu kinh nghiệm.

Có  thái độ chân thành, không giễu cợt. Nếu chưa có hiểu biết đầy đủ để trả lời cho con thì hãy hứa sẽ tìm hiểu và trả lời sau, tránh để cho con có một thành kiến sai lầm.

Hãy bàn luận nghiêm túc với con về những sự kiện xảy ra trong đời sống như chuyện cô gái hàng xóm có thai khi chưa kết hôn, chuyện một ông chồng có học đánh vợ để dẫn dắt con trai tiếp cận với lẽ phải. 

Tóm lại, giúp đỡ con trai vượt qua những thách thức của giai đoạn phát triển tình dục không chỉ làm một lần là đủ mà là công việc lâu dài, bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ cho đến khi trưởng thành.



KTT(ST)
 

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Cử chỉ nhỏ- giá trị lớn.

1. Mỉm cười

Nụ cười có thể được lan truyền từ người này sang người khác và nếu bạn hạnh phúc, bạn cũng sẽ làm cho con hạnh phúc.

2. Phần thưởng cho hành vi tốt

Khi con bạn làm được điều tốt như ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ, biết cảm ơn người khác hay tự dọn phòng mà không cần nhắc nhở, hãy cho bé một phần thưởng như đi ăn ở nhà hàng, đi xem sách truyện hay chỉ cần một thanh kẹo sôcôla. Bằng cách này bạn sẽ khuyến khích trẻ làm nhiều việc tốt hơn nữa. Tuy nhiên cần lưu ý phần thưởng không quá nhiều kẻo tạo tính “vụ lợi” cho trẻ.

3. Thể hiện tình yêu

Bạn có thể ghi trên vài mảnh giấy nhỏ dán ở tủ lạnh, giá sách của con rằng: “Mẹ yêu con…”, tuỳ cách trang trí và lời bạn muốn nói. Hoặc đôi khi là một vài lá thư, tấm thiệp kẹp trong quyển truyện của bé, hay dưới gối. Bé sẽ rất thích thú khi nhận được món quà đáng yêu này.

4. Để trẻ cùng vào bếp

Trẻ em rất thích giúp cha mẹ trong nhà bếp. Hãy để trẻ tập làm những việc vặt và hướng dẫn trẻ nấu ăn. Trẻ sẽ rất tự hào vì đã cùng mẹ nấu được món ăn ngon cho gia đình.

5. Chơi với con

Cuộc sống bận rộn có thể khiến bạn không còn nhiều thời gian để chơi với trẻ. Chúng sẽ có cảm giác rất cô đơn dù được đi chơi với bạn bè hay đọc truyện, xem ti vi, dễ hình thành tổn thương tâm lý gia đình, trẻ không thấy tình cảm gia đình là quan trọng.

Chỉ cần biết sắp xếp và chú ý đến trẻ, bạn có thể dành chút thời gian mỗi ngày chơi với con - điều quan trọng tạo nên hạnh phúc.

6. Khuyến khích trẻ giúp đỡ người khác

Giúp được người khác cũng khiến chính bản thân mỗi chúng ta đều cảm thấy vui vẻ. Hãy để trẻ giúp đỡ người khác, khuyến khích trẻ tự tin hơn với bản thân.

7. Truyền cảm hứng sáng tạo

Tạo điều kiện cho trẻ phát triển và sáng tạo những lĩnh vực trẻ yêu thích. Sự sáng tạo sẽ nuôi dưỡng trái tim và trí thông minh của trẻ, cho trẻ nhiệt huyết và kiến thức để làm việc sau này. 

Con mong muốn điều gì?

1. Con cái không muốn cha mẹ cãi nhau trước mặt chúng. Trẻ con có khuynh hướng bắt chước bố mẹ. Cách bạn giải quyết những mâu thuẫn, xung đột gia đình sẽ tác động đến tâm lý và hành vi cư xử của trẻ. Hãy kiềm chế và xử lý bất đồng trong ôn hòa, nhã nhặn. 
2. Muốn được cha mẹ đối xử công bằng với mọi thành viên khác. Đối xử công bằng với con cái không phải là cào bằng mọi thứ. Mỗi đứa con là một cá thể độc lập, nhưng tất cả đều cần tình yêu thương và sự cảm thông như nhau. 
3. Cha mẹ là những người lương thiện, thành thật. Khi bạn bảo người tiếp thị qua điện thoại rằng bạn không có ở nhà nhưng thực tế bạn đang ngồi cạnh các con trong nhà, bạn đã gieo vào đầu con ý nghĩ không tốt về sự nói dối của người lớn. 
4. Cha mẹ là những người bao dung, rộng lượng. Khi bạn có lòng khoan dung với mọi người, trẻ sẽ học được điều đó trong cư xử với những người xung quanh. 
5. Niềm nở với các bạn của con. Khi con đưa bạn về nhà chơi, bạn sẽ dễ dàng nhận biết con mình kết thân với những ai và giúp con định hướng tình bạn. Hãy rộng mở cánh cửa đón chào bạn của các con.
6. Cha mẹ xây dựng tinh thần tập thể cho con cái. Mọi thành viên trong gia đình sẽ có trách nhiệm với nhau hơn, gắn bó hơn. Ý thức tập thể sẽ giúp con bạn phát triển tốt hơn trong môi trường học đường. 
7. Cha mẹ là những người biết lắng nghe và giải đáp thắc mắc của con. Có bao giờ bạn cảm thấy có lỗi khi bảo “bây giờ cha/ mẹ bận lắm. Chúng ta hãy nói về việc này sau nhé”. Và vấn đề ấy bị lãng quên, không được đề cập đến dù thời gian “sau này” đã qua không biết bao lần. Hãy dành thời gian để giải đáp những thắc mắc của con cái. Nếu bạn không có câu trả lời thì nên ghi nhận lại và giúp con tìm lời giải đáp sau. 
8. Cha mẹ có thể phạt trẻ khi cần thiết nhưng nên tránh kỷ luật con trước mặt người ngoài, đặc biệt là trước bạn bè của con. Chúng cũng cần được tôn trọng và đối xử như người lớn. 
9. Cha mẹ nên tập trung vào ưu điểm hơn là khuyết, nhược điểm của con. Hãy ghi nhận những điểm tốt và điểm chưa tốt của con và lựa lúc thích hợp chỉ ra cho chúng thấy để phát huy mặt mạnh và hạn chế mặt yếu. 
10. Cha mẹ nên nhất quán và kiên định. Đôi khi sự linh động và mềm dẻo của bạn không làm hỏng trẻ; nhưng cần làm cho con cái hiểu tình yêu mà bạn dành cho chúng là không thay đổi và những nguyên tắc, những giới hạn bạn đặt ra cho trẻ là nhất quán. 
KTT(ST)

Không nên cho học sinh tiểu học dùng điện thoại di động

Các nhà  khoa học Pháp cho rằng bức xạ điện thoại di động (ĐTDĐ) có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe trẻ em. Hiện nay cục an toàn bức xạ hạt nhân Phần Lan kiến nghị trẻ em khi sử dụng ĐTDĐ phát tin nhắn cần chú ý tránh bức xạ. Ủy ban y tế Pháp đã chỉ ra, do sức đề kháng của nhi đồng và thanh thiếu niên kém nên bức xạ ĐTDĐ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của các em. Hiện nay, chính phủ Pháp đã tuyên bố triệt để cấm học sinh tiểu học dưới 12 tuổi sử dụng ĐTDĐ trong trường để đảm bảo sức khỏe cho các em.

Phần lớn các trường học ở Pháp cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ trong lớp, đồng thời Chính phủ cũng hạn chế điều này bằng pháp luật, hy vọng phụ huynh chú ý vấn đề an toàn sử dụng ĐTDĐ cho các trẻ nhỏ. Bộ Y tế Pháp cũng kiến nghị người kinh doanh ĐTDĐ chỉ cung cấp loại ĐTDĐ ít bức xạ để giảm ảnh hưởng tới não thanh thiếu niên. Các đoàn thể tại Pháp cũng yêu cầu Chính phủ Pháp có biện pháp khống chế vị trí đặt của các trạm thu phát tín hiệu, cường độ tín hiệu và buộc các trạm này chuyển khỏi nơi gần trường học, bệnh viện và khu đông dân cư.

         KTT
(Theo Apple Daily)

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Dạy con bằng hành động




“Bội thực” vì áp đặt
 
Mới lên 9 tuổi mà “lịch làm việc” của Dần đã kín như bưng: 7 giờ sáng phải dậy ăn sáng cùng gia đình, sau đó học bài. 10h30 phút phải tự đi chợ theo sự chỉ định sẵn của mẹ và nấu ăn, 11h30 phút tự ăn trưa một mình, 12 giờ đi học.
Anh chị tôi vốn là dân lao động, làm xa nhà 3 cây số, trưa nào cũng về nhà ăn uống và nghỉ ngơi, dĩ nhiên có cơm ngon canh ngọt là nhờ cậu con trai 9 tuổi nấu nướng.
Một người như Dần tưởng rằng đã làm thỏa mãn tấm lòng của bố mẹ, nhưng không, một hôm tôi đến chơi nhà anh chị, đã gần 12 giờ trưa rồi vẫn thấy chị nổi nóng quát tháo con. Hỏi ra mới biết, cu cậu nấu xôi bị nhão như cháo.
Nhưng sự việc hoàn toàn không phải do cậu, Dần nấu xôi hỏng là do chị tôi không hướng dẫn con một cách chu đáo. Thay vì nói nhiều, chị chỉ cần hướng dẫn con “công thức” cụ thể thì sẽ thuyết phục hơn nhiều, như phải vo gạo như thế nào, đổ nước ra sao, đun trong bao lâu...
Các cụ ta xưa thường nói rằng, con cái là bản sao của cha mẹ, điều này không phải đúng hoàn toàn, nhưng có thể thấy rằng, tính cách, sự dạy dỗ ân cần của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới con cái.
Có rất nhiều ông bố, bà mẹ thích áp đặt cho con làm điều này điều kia nhưng không bao giờ ân cần bảo ban chúng, khi chúng làm hỏng việc thì chỉ biết quát mắng đánh đập trẻ. Thậm chí nhiều khi cha mẹ sai cũng không dám dũng cảm nhận lỗi trước mặt con cái.
Trong nhiều gia đình hiện nay, cha mẹ thích áp đặt nguyên tắc, giáo huấn cho con nhưng những nguyên tắc, giáo huấn đó chính cha mẹ đưa ra lại không thực hiện được, kết quả là cha mẹ càng nói nhiều thì càng “nhờn thuốc” với con.

Dạy con bằng hành động
 
Do cô chú tôi mải mê làm ăn mà cậu quý tử của họ nghịch như quỷ sứ. 2 năm nay, năm nào cậu cũng bị xếp loại đạo đức trung bình, học tập thì xếp gần cuối lớp. Cảm thấy có lỗi với con, chú thím bắt đầu có phương án mới để dạy con.
Sáng ra, mới 5 giờ, dù thời tiết thế nào chú cũng phải dậy cùng con, kèm cặp con học, đưa đi ăn sáng và chở đi học. 7 giờ tối, thay vì đi nhậu cùng bạn bè như trước kia, chú ở nhà dạy con, bài nào khó thì thuê gia sư về kèm tới nơi tới chốn.
Cậu bé luôn có bố bên cạnh, khi được gia sư kèm cặp thì không dám quậy, giờ thì thằng “quỷ sứ” đã xếp thứ 5 ở lớp về thành tích học tập, cũng không còn nghịch nhiều như trước kia.
Hiểu bài nên cậu tỏ ra ham học. Cách dạy con như chú tôi thật tài tình. Đối với con trẻ, mọi lời giáo huấn hay lý thuyết suông quả là không thể có tác dụng.
Theo TGPN

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Những câu nói góp phần làm thay đổi cuộc đời con trẻ

6. Khi con trẻ nói ra nguyện vọng khiến bạn thất vọng
Câu nên nói:
- Đúng là con mong muốn thế à? Vậy thì con phải một mình chịu trách nhiệm về nguyện vọng đó của mình nhé.
Câu không nên nói:
- Cái gì? Con không chọn nghề gì cao quý hơn được hay sao?

7. Khi con trẻ ỷ lại đáp án bài tập do cha mẹ cung cấp

Câu nên nói:
- Đừng vội xem đáp án con ạ! Cứ thong thả suy nghĩ cho kĩ đã, mẹ tin là con sẽ tự làm được mà!
Câu không nên nói:
- Đừng có giả bộ ngớ ngẩn thế con ạ! Lần này mẹ nhất định không giúp con nữa đâu.
- Sao con dốt thế, không chịu suy nghĩ một lúc đã.

8. Khi con trẻ hay quên từ ngữ tiếng Anh.
Câu nên nói:
- Tiếc nhỉ, có lẽ đúng là khó thật, mẹ con ta cùng xem có cách gì để dễ nhớ hơn không nhé!
Câu không nên nói:
- Vì sao cứ học rồi lại quên, chỉ có vài chữ đơn giản thế thôi mà con không nhớ được à?

9. Khi con trẻ đặt điều kiện có thưởng mới học (Nhiều khi trẻ hay so sánh và muốn bố mẹ cũng thưởng cho mình giống như bố mẹ của bạn)
Câu nên nói:
- Nếu con chỉ có thưởng mới học, mới cố gắng thì mẹ rất buồn lòng.
Câu không nên nói:
- Thưởng hay không là do mẹ quyết định!
- Mẹ không có tiền để thưởng cho con đâu!
- Bạn con là bạn con, con là con. Nhà mình không giống nhà bạn con được!

10. Khi con trẻ nói không thích đi học
Câu nên nói:
- Vậy hả con? Con có thể nói mẹ nghe nguyên nhân vì sao con không thích đi học được chứ? (Khi trẻ nói ra nguyên nhân, hãy chia sẻ với con và tỏ ra thừa nhận cảm xúc của trẻ. Sau đó, lựa lời để khuyên bảo trẻ.)
Câu không nên nói:
- Thế thì sau này con chỉ có đi ăn mày thôi!
- Mẹ không thích có đứa con lười nhác như con!
- Con mà không thích đi học, sau này sẽ chẳng làm nên trò trống gì?

KTT

Hãy gần gũi với con!

 - Nếu bạn cảm thấy mình viết tin nhắn cho con nhiều hơn nói chuyện, la hét con nhiều hơn chơi với chúng, đó là lúc bạn cần tìm cách xích lại gần con hơn.

1. “Hẹn hò” với con

Hãy dành thời gian cho con trong bữa ăn sáng, bữa trưa hay uống nước ở ngoài. Hãy tạo cơ hội nói chuyện với con để chia sẻ tất cả những gì con đang bận tâm. Chọn một không gian cởi mở, con bạn sẽ có cảm giác đang được tâm sự và chia sẻ chứ không phải “thẩm vấn”.

2.Tham gia hoạt động ngoài trời

Bạn không thể tạo dựng tình cảm và kỉ niệm với con trẻ nếu chỉ ngồi ở nhà xem tivi. Hãy cùng con tham gia các hoạt động thú vị ngoài trời như đạp xe, cắm trại, bơi lội… Còn gì tuyệt vời hơn khi chỉ cần bỏ ra ít thời gian nhưng bạn đã cho con những kỷ niệm vô cùng đẹp về tình cảm gia đình.

3. Sáng tạo cùng trẻ

Trang trí lại căn phòng, cắm hoa hay tự tay làm những vật dụng nhỏ cùng trẻ không chỉ giúp cha mẹ và con cái gắn bó với nhau mà còn là cách bạn phát huy trí sáng tạo tuyệt vời của con. Hãy để những vật dụng nho nhỏ trong gia đình lưu giữ lại những kỷ niệm của gia đình.

4. Cùng nhau làm vườn

Bạn không chỉ có thời gian nói chuyện vui vẻ với con mà còn dạy chúng được rất nhiều điều về thiên nhiên, cây cỏ, về cách chăm sóc cây cối, về cách đầu tư thời gian một cách hiệu quả. Con bạn sẽ hiểu được ý nghĩa thực sự của thành quả lao động khi tự tay gieo trồng, chăm sóc và thu hái, chế biến những món ăn cho gia đình.

5. Hỏi han con trước giờ đi ngủ

Bill Corbett tác giả của cuốn sách “Những giới hạn của tình yêu” khuyên các bậc cha mẹ hãy gần gũi con cái của mình bằng cách xây dựng thói quen trò chuyện với trẻ trước khi đi ngủ. Những câu hỏi được khuyến nghị bao gồm:

- Điều gì tuyệt vời nhất đã đến với con ngày hôm nay?
- Điều tồi tệ nhất trong ngày hôm nay với con là gì?
- Con đã làm điều gì ngớ ngẩn nhất trong ngày hôm nay?

Lắng nghe và chấp nhận tất cả các câu trả lời và đừng nói bất cứ điều gì để trẻ nghĩ rằng lẽ ra chúng không nên nói với bố mẹ chúng điều đó. Nếu trẻ em nhận thấy bất cứ một điều khó chịu nào khi chia sẻ với cha mẹ, câu trả lời cho những lần sau luôn là: “không có gì”. Bài tập đơn giản này sẽ giúp cha mẹ và con cái đến gần với nhau hơn và chia sẻ với nhau rất nhiều điều.

6. Massage cho trẻ

“5 giây vuốt ve thể hiện tình yêu thương nhiều hơn 5 phút bằng lời”. Massage là cách bạn thể hiện tình yêu với con một cách trực tiếp nhất. Hãy nhìn vào mắt con khi massage cho chúng, chúng sẽ cảm nhận được trọn vẹn tình yêu thương của bạn.

7. Đọc sách cho con

“Hãy rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ bằng cách đọc cùng con ít nhất 10 phút một ngày” - nhà văn Kathy Szai đã khuyên các bậc cha mẹ như vậy khi nói về kỹ năng nuôi dạy trẻ. 10 phút đọc sách cùng con mỗi ngày đồng nghĩa với việc bạn có ít nhất 10 phút để gần gũi và chia sẻ với con.

8. Đưa con đến một địa điểm yêu thích của bạn

Dẫn con đến một nơi thật có ý nghĩa với bạn, dù đó là con đường mòn, bãi đất trống hay bãi biển. Bạn có thể chia sẻ với con những kỉ niệm đã có của mình ở đây và cùng con viết nên những kỉ niệm mới.

9. Chia sẻ những câu chuyện

Hãy chia sẻ với con những câu chuyện về thời thơ ấu của bạn, sau đó khuyến khích con kể chuyện con cho là đáng nhớ trong kí ức. Hãy lựa chọn những chủ đề như trường học, tình thầy trò, bạn thân, một chuyến đi xa…

Theo Sheknows

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

Những câu nói góp phần thay đổi cuộc đời con trẻ

1. Khi con trẻ mải mê với trò chơi điện tử hoặc lên mạng
Câu nên nói: 
- Mẹ biết đó là hứng thú của con, điều đó cũng giúp con rèn luyện trí não nhưng mẹ lo rằng nó sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của con.
Câu không nên nói:
- Đừng có mải mê với mấy thứ trò chơi vớ vẩn ấy, nó không tốt cho con đâu!

2. Khi con trẻ không chịu chuẩn bị bài vở lên lớp
Câu nên nói:
- Cũng có lúc mẹ cũng không muốn làm gì cả...., để mẹ cùng làm bài với con xem nào....
Câu không nên nói:
- Con không chuẩn bị bài vở, mẹ sẽ phạt con đấy!
- Làm bài nhanh lên con, mẹ sẽ thưởng con ..........
- Vì sao con vô tích sự đến thế không biết!

3. Khi con đòi bố mẹ cùng chuẩn bị bài vở với mình
Câu nên nói:
- Qua quan sát từ trước đến nay, bố (mẹ) tin rằng con có thể tự làm được, hôm nay con thử làm trong nửa giờ xem nào!
Câu không nên nói:
- Đó là việc của con, con phải tự làm lấy, rõ chưa? Con mà cứ làm ồn lên là mẹ đánh đòn đấy!
- Bạn Lan, bạn Nam của con đều tự làm bài cả đấy!

4. Khi con trẻ không tin tưởng vào việc học hành của mình
Câu nên nói:
- Con người ta không phải ban đầu cái gì cũng biết. Mẹ biết con thiếu tự tin, nhưng con đừng lo, mẹ sẽ giúp con!
Câu không nên nói:
- Nếu con đã thực sự cố gắng, tại sao vẫn không thành công?

5. Khi con trẻ làm sai phép tính vì thiếu cẩn thận
Câu nên nói:
- Mẹ biết con đã rất cố gắng, chỉ sai một chút thôi mà, con nên cẩn thận tính lại xem nào!
Câu không nên nói:
- Bao giờ con cũng thiếu cẩn thận cả!
- Mẹ sẽ phạt con chỉ làm các phép tính trong cả tuần!
(Còn nữa)
KTT

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

Làm thế nào giúp con bạn có động lực vươn tới thành công?

Đối với hầu hết các bậc cha mẹ, thành công của con cái còn quan trọng hơn thành công của chính mình. Chúng ta có thể hy sinh tất cả để dọn đường cho con đi đến thành công trong bất cứ lĩnh vực nào mà chúng lựa chọn. Khi con còn bé, ta mong chúng có thành tích học tập tốt để xây dựng một bệ phóng vững chắc, rồi từ đó chúng bay lên chinh phục những đỉnh cao và biến ước mơ thành hiện thực.
Nhưng làm thế nào để giúp con cái đây? Và nên bắt đầu từ đâu? Trước hết, bạn cần xác định rằng cuộc đời là của con bạn, chúng phải sống cuộc đời của chúng. Và như vậy để thành công, bản thân chúng phải có KHÁT VỌNG thành công và ĐỘNG LỰC vươn tới thành công. Tiếc thay, không ai có thể làm dùm chúng việc này, kể cả cha mẹ chúng.
Tuy nhiên, trong khi một số ít trẻ có động lực phấn đấu tự thân và vì thế gặt hái những thành quả liên tiếp trong bất cứ việc gì chúng làm, thì phần đông những trẻ khác chỉ đạt kết quả làng nhàng hoặc yếu kém. Điều đáng buồn là người lớn chúng ta đều biết rằng những đứa trẻ “làng nhàng” ấy có thể làm tốt hơn nhiều nếu chúng nỗ lực. Khoa học về não bộ cho chúng ta thấy hầu như tất cả trẻ em trên đời đều có tiềm năng trở thành người tài giỏi, chỉ có điều các em chưa biết phát triển những tài năng chưa lộ rõ ấy mà thôi. Thay vì khai thác tiềm năng của bản thân, nhiều em trang bị cho mình thái độ bất cần, sẵn sàng thí bỏ hay có tư tưởng chủ nghĩa thất bại: “Đơn giản tôi không thể làm được điều đó. Việc này quá khó đối với tôi. Bó tay thôi”.
Gặp trường hợp như vậy, phần lớn các ông bố bà mẹ sẽ làm gì? À, họ sẽ cố tác động đến con cái với những lời cằn nhằn, la mắng, khuyên bảo chẳng tới đâu, và thậm chí còn đưa ra những so sánh tối kỵ: “Sao con không chịu khó học hơn?”, “Học hành biếng nhác thế thì còn mong đợi được gì!”, “Anh mày bao giờ cũng đứng nhất lớp, còn mày thì sao?”, “Phải chịu khó động não một chút chứ?”.
Có thể con bạn hoàn toàn dửng dưng trước những lời cằn nhằn ca thán bất tận kiểu ấy, có thể chúng chăm học hơn một chút nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, sau đó “mèo lại hoàn mèo”. Tại sao thế, đó là vì trong những đứa trẻ như vậy, khát vọng thành công nếu có cũng chỉ là ngọn lửa leo lét không đủ sức làm nóng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, bởi vì ngọn lửa ấy được thổi lên bởi cha mẹ chúng chứ không phải tự bản thân chúng. Do đó, những lời la mắng cằn nhằn của cha mẹ giống như việc quất roi vào con ngựa đã gần kiệt sức giục nó phải bước nhanh hơn.
Vì vậy, thay cho lời la mắng, hãy trao cho con “tấm biển chỉ đường” đi tới thành công.
(Theo sách Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi)

Động lực nào thúc đẩy hành vi của trẻ?

Nhiều ông bố bà mẹ lấy làm kinh ngạc khi thấy chúng tôi có thể khiến con họ thay đổi “gần như 180 độ” chỉ sau một khóa học bốn ngày, trong khi họ không thể làm được việc đó suốt 14 năm với những lời cằn nhằn, đay nghiến bất tận. Một số người nghĩ, “Thì “bụt nhà không thiêng” chứ sao, bọn trẻ ngỗ nghịch chỉ chịu nghe người ngoài chứ không chịu nghe lời cha mẹ”. Nhưng tôi phải nói với bạn rằng, đó là cách hiểu sai lầm về những gì thật sự diễn ra trong tâm hồn trẻ.
Sở dĩ bọn trẻ chịu lắng nghe chúng tôi – kể cả những đứa nổi loạn và bất cần đời nhất – là vì chúng tôi hiểu được điều gì tác động mạnh nhất đến suy nghĩ và hành vi của chúng. Chúng tôi biết cách “điểm đúng huyệt” khiến chúng bừng tỉnh mà hiểu ra vấn đề.
Một khi học được những bí quyết trong chương này, bạn cũng có thể tác động đến con mình theo cách ấy. Tuy nhiên, bạn hãy chuẩn bị tinh thần để thay đổi cách nghĩ của mình trước đã, và sau đó là thay đổi những biện pháp (có thể rất kém hiệu quả) mà bạn vốn quen dùng.
Động Lực Nào Thúc Đẩy Hành Vi Của Trẻ?
Vậy thì điều gì có tác động quyết định đến suy nghĩ và hành vi con trẻ? Câu trả lời là CẢM XÚC của chúng. Trong thực tế, cảm xúc tức thời của trẻ thường lấn át, che mờ hoặc thậm chí khống chế lý trí của chúng. Điều đó có nghĩa là trẻ xuôi theo những cảm xúc của chúng nhiều hơn là lý lẽ về những điều tốt – xấu đối với chúng.
Gần như tất cả những em mà chúng tôi nói chuyện đều biết rằng chúng nên học hành chăm chỉ vì như vậy sẽ giúp chúng đạt điểm cao, khiến thầy cô cha mẹ tự hào về chúng và sau này chúng sẽ có tương lai tươi sáng. Chúng hiểu tất cả những điều đó, chỉ có điều chúng vẫn… không học vì không CẢM THẤY muốn học. Người bạn trẻ nào cũng rõ rằng “con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, rằng chẳng ai lo cho chúng như cha mẹ, ngặt một điều hễ cứ nghe bố mẹ lên lớp hay ca cẩm là chúng chịu không nổi, chỉ muốn cãi lại hoặc làm một cái gì đó cho bõ tức. Không một đứa trẻ nào ở tuổi vị thành niên không hiểu rõ những điều bị cấm đoán như hút thuốc, nói tục, trốn học, chơi game… đều là những việc có hại. Nhưng một số đứa vẫn cứ làm, như thể có một cái gì lôi kéo, xúi giục chúng làm việc ấy, như thể chúng CẢM THẤY một sự thỏa mãn nào đó khi làm những điều mà người lớn cấm tiệt.
Cảm Xúc Đi Trước, Lý Lẽ Theo Sau
Một khi đã biết rõ rằng con cái chúng ta bị sai khiến bởi tình cảm nhiều hơn lý trí, bạn sẽ nhận ra sự cố gắng thay đổi hành vi của trẻ bằng cách lên lớp, liên tục nhắc nhở hay đe nẹt là vô ích, thậm chí phản tác dụng, bất kể lời lẽ của bạn có hay ho và đúng đắn đến mức nào chăng nữa.
Những lời nhận xét hay khuyên bảo kiểu như: “Phải chăm học con nhé, vì tương lai của con đấy”, “Đừng giao du với mấy thằng đầu bò đầu bướu nữa, con không biết câu gần mực thì đen gần đèn thì sáng hay sao”, “Muốn làm việc hiệu quả con phải có thói quen ngăn nắp, gọn gàng” sẽ chỉ như “đàn gảy tai trâu” cho đến khi bạn biết cách gỡ rối những cảm xúc đang khuấy động trong lòng chúng. Khi đứa trẻ đang trong tâm trạng buồn bã, thất vọng, ngán ngẩm, giận dữ…, chúng chỉ biết đến những cảm xúc đó, thế nên tất cả mọi lời cằn nhằn, trách mắng trên đời này đều không thể làm chúng thay đổi, hoặc làm theo những lời giáo huấn của bạn.
Hiểu được “cơ chế” đó, tức là chúng ta đang tiếp cận với một thực tế là ta chỉ có thể tác động đến con cái bằng cách nhận biết và quan tâm thật sự đến cảm xúc của trẻ. Ta cũng nên học cách của người xưa, lợi dụng sức gió để đẩy cánh buồm đi mà không cần tốn sức. Tức là biết cách nương theo các loại cảm xúc thúc đẩy con cái hành động để lái chúng làm những việc mà ta muốn. Bọn trẻ chỉ làm những việc mà chúng thích làm mà thôi, và cách của chúng ta là làm cho chúng thích những điều ta muốn chúng làm.
(Theo sách Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi)

Làm thế nào để con hợp tác và nghe lời cha mẹ?

Làm cha mẹ đôi khi là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trên đời bởi vì ta vất vả mỗi ngày cố gắng khiến con cái, nhất là trẻ ở tuổi dậy thì, làm những việc mà ta muốn chúng làm còn chúng thì lại không muốn.
Từ góc độ của mình, ta nghĩ nhiệm vụ tối cao của cha mẹ là dạy dỗ con cái cách hành xử phù hợp với chuẩn mực xã hội, và trên tất cả là vì lợi ích của chúng. Ta muốn con cái học hành chăm chỉ, có lối sống lành mạnh, có ý thức kỷ luật, có tác phong dễ mến, làm lợi cho gia đình và có ích cho xã hội. Nhưng bọn trẻ đâu có chung nhận thức với ta, vốn hồn nhiên và vô tư, chúng chỉ muốn làm những gì chúng thích. Chúng cũng chẳng chu đáo đến mức tỏ ra quan tâm đến những điều người khác nghĩ về mình hay về những hậu quả do chúng gây ra.
Khi thấy trẻ không nằm trong vòng cương tỏa của mình, nhiều bậc cha mẹ (trong cơn giận dữ và thất vọng) thường dùng đến biện pháp cưỡng bức hay đe dọa buộc đứa trẻ phải vâng lời, “Con phải làm theo lời mẹ… nếu không…”. Nhưng sau nhiều lần vẫn không thấy cha mẹ làm như lời đã nói, bọn trẻ đâm ra lờn và cứ ý mình mà làm, cha mẹ nói sao cũng mặc kệ.
Và thế là cuộc chiến giữa hai thế hệ nổ ra, đẩy cha mẹ và con cái sang hai bên chiến tuyến. Cha mẹ coi con là kẻ nổi loạn phải đưa vào khuôn khổ, còn con cái thì nghĩ cha mẹ mình độc tài vô lý, thường làm hỏng niềm vui của chúng, bắt chúng phải làm những điều chúng không muốn. Tình trạng này dẫn đến mối quan hệ thắng-thua, được-mất. Bọn trẻ cảm thấy mình thua cuộc nếu làm theo những gì cha mẹ muốn. Ngược lại, cha mẹ cảm thấy mình là kẻ bại trận khi không quản lý được con cái. Nhưng thật ra, trong cuộc chiến này, cả hai phía đều thất bại.
Có cách nào khiến con cái chia sẻ quan điểm với cha mẹ không? Làm thế nào giúp trẻ biết suy nghĩ thấu đáo và hành động vì lợi ích của chúng? Liệu có thể khiến con cái làm những việc cần làm với thái độ hợp tác, vui vẻ không? Dù bạn tin hay không, thì câu trả lời vẫn là CÓ!
Nhiều bạn trẻ mà chúng tôi có dịp trò chuyện đều tỏ ra hiểu và đồng tình rằng chúng nên cư xử lễ phép, học hành chăm chỉ và vâng lời cha mẹ. Thế nhưng không hiểu sao, chúng vẫn KHÔNG MUỐN làm theo những điều đúng đắn đó. Trong thực tế, nếu các bậc phụ huynh sử dụng đến quyền làm cha mẹ bằng vũ lực hoặc những lời trách cứ triền miên thì họ chỉ khơi thêm hố sâu ngăn cách với con cái, vì đó là điều đi ngược lại năm nhu cầu cảm xúc của con trẻ mà chúng ta đã thảo luận ở chương trước.
Để con cái nghe lời và hợp tác với chúng ta trong mọi chuyện, trước hết cha mẹ phải xây dựng một bầu không khí mà khi hòa mình vào đó, con trẻ giống như cá về với nước, có thể tự hào về bản thân mình, thoải mái và hợp tác với cha mẹ trong mọi chuyện. Một lần nữa, bí quyết vẫn là tận dụng năm nhu cầu cảm xúc của trẻ.
(Trích đoạn và tổng hợp từ sách Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi)- "nguồn www.trandangkhoa.com"

Tại sao trẻ thường không nghe cha mẹ?

Từ những gì biết được về năm nhu cầu thiết yếu trong tình cảm của trẻ, chúng ta thấy rõ ràng hơn lý do tại sao nhiều bậc cha mẹ gặp khó khăn trong việc kêu gọi trẻ hợp tác toàn diện với mình. Đó là vì họ vô tình phạm phải những sai lầm trong việc đáp ứng nhu cầu tình cảm của trẻ, như nhu cầu về tình yêu thương, sự chấp nhận, tầm quan trọng và tính độc lập. Một khi đời sống tình cảm của trẻ không đạt đến độ hài hòa nhất định, trẻ sẽ không có cách hành xử tốt và khó mà đạt được kết quả tốt.
Một trong những câu hỏi phổ biến mà các bậc cha mẹ thường đặt ra cho chúng tôi là, “Tại sao khi con trai tôi còn nhỏ, nó làm theo những gì tôi nói? Bây giờ lớn hơn, bạn bè bảo sao thì cứ nghe răm rắp”.
Bây giờ tôi hy vọng chính bạn đã có trong tay câu trả lời rồi. Đó là vì ở giữa đám bạn bè, trẻ luôn có cảm giác mình được đón nhận với đúng con người mình. Đó là chưa kể trong tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo của chúng có thứ tình cảm bạn bè giống như “tình anh em” hay “tình chị em” có sức mạnh và tuổi thọ kéo dài suốt đời người. Để được một người bạn hay đám bạn chấp nhận, nhiều em tình nguyện tuân theo bất kỳ luật lệ hay quy định gì, bất kể điều đó có hợp với đạo lý hay không. Với những đặc điểm tâm sinh lý của tuổi mới lớn, nhiều em coi việc dám thách thức lại những điều cấm của người lớn như hút thuốc, ăn cắp vặt, chửi thề, đua xe hay ăn hiếp kẻ khác là “ngầu”, là “chịu chơi”, hoặc thậm chí là “anh hùng”. Tất cả những biểu hiện này, dưới góc độ tâm lý, chẳng qua là để thỏa mãn một nhu cầu mạnh mẽ muốn trở thành người quan trọng, muốn được mọi người chung quanh nhận biết mà thôi.
Mặt khác, nhiều đứa trẻ không chịu nghe lời phụ huynh vì cha mẹ chúng thường khiến chúng cảm thấy tồi tệ và thường áp đặt chúng phải làm điều gì đó theo chủ ý của họ. Điều này vô tình làm nảy sinh tâm lý phản kháng vô thức, chúng cảm thấy nếu cứ nhất nhất nghe theo cha mẹ tức là chúng thua trong khi các bậc phụ huynh thắng. Chúng cảm thấy mình bé mọn, chẳng có gì quan trọng, giống như một con tốt đen trong tay cha mẹ. Nhưng một khi dám nổi loạn bất chấp hậu quả thì chúng lấy lại được ý nghĩ quan trọng về mình, và trong trận này chúng đã thắng: “Thấy chưa, mình chỉ bỏ nhà đi một hôm là ông bà già đã mất ăn mất ngủ ngay”.
Từ kinh nghiệm thực tế trong đào tạo và huấn luyện hàng trăm ngàn học sinh trong 15 năm qua, chúng tôi rút ra được kết luận rằng những đứa trẻ tự tin, có bản lĩnh không dễ bị bạn bè lôi kéo và kẻ xấu dụ dỗ. Đó cũng là những đứa trẻ thật sự cảm thấy được cha mẹ đón nhận, yêu thương, công nhận vai trò quan trọng của chúng trong cuộc sống, và tôn trọng sự độc lập tự chủ của chúng. Bởi vì chúng tự hào về bản thân và cảm nhận trọn vẹn tình thương yêu của gia đình, nên chúng không cần phải đi tìm sự công nhận từ nơi khác và dễ dàng nói “không” với những cám dỗ từ bên ngoài.
Chỉ Khi Nào Thỏa Mãn Năm Nhu Cầu Cảm Xúc Quan Trọng Của Trẻ, Bạn Mới Có Thể Ảnh Hưởng Tới Suy Nghĩ Và Hành Vi Của Chúng Một Cách Tốt Nhất
Nếu muốn con cái lắng nghe chúng ta và có động lực để làm những việc đúng đắn cho bản thân mình, chúng ta phải biết cách khai thác sức mạnh của năm nhu cầu cảm xúc, được ví như năm “nút bấm cảm xúc” này. Khi chúng ta có thể đem lại cho con cái cảm giác được yêu thương, chấp nhận, trở nên quan trọng và được tự chủ thì chúng ta mới có thể khiến chúng hợp tác với mình trong hầu hết mọi chuyện.
(Trích đoạn và tổng hợp từ sách Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi)

Nói sao cho trẻ chịu học!

"Cha mẹ và thầy cô giáo nói với trẻ như thế nào, trẻ sẽ cảm nhận về bản thân như thế ấy. Lời nói của họ ảnh hưởng đến lòng tự trọng và cách trẻ tự đánh giá bản thân. Hay nói rộng ra, cách nói của cha mẹ và thầy cô giữ vai trò quyết định đối với số phận trẻ." - Đó là lời tựa của cuốn sách "Nói sao cho trẻ chịu học" mà tôi đã từng đọc và áp dụng với con và với học sinh của mình. Vậy thì nói với trẻ thế nào để trẻ hợp tác và chịu làm theo ý cha mẹ và thầy cô mà không cảm thấy khó chịu là một vấn đề quan trọng đối với các bậc phụ huynh và thầy cô giáo:

1- Hãy diễn giải cảm xúc của trẻ thành lời thay vì xóa bỏ cảm xúc của trẻ.

2- Hãy công nhận cảm xúc của trẻ bằng một từ hoặc một âm tiết "ừ nhỉ", "ừ", "ồ", "à" hoặc "đúng đấy!" thay vì chỉ trích và khuyên răn.

3- Hãy đưa ra viễn cảnh không thể có trong thực tại thay vì cố thuyết phục và giải thích.

4- Hãy thừa nhận những cảm xúc của trẻ ngay cả khi bạn muốn trấn áp những hành vi không ngoan của trẻ thay vì làm ngơ với cảm xúc đó.

5- Hãy thừa nhận và phản ánh đúng cảm xúc cũng như ước muốn của trẻ thay vì chỉ trích, chất vấn và khuyên răn. 
KTT