Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Dạy con bằng hành động




“Bội thực” vì áp đặt
 
Mới lên 9 tuổi mà “lịch làm việc” của Dần đã kín như bưng: 7 giờ sáng phải dậy ăn sáng cùng gia đình, sau đó học bài. 10h30 phút phải tự đi chợ theo sự chỉ định sẵn của mẹ và nấu ăn, 11h30 phút tự ăn trưa một mình, 12 giờ đi học.
Anh chị tôi vốn là dân lao động, làm xa nhà 3 cây số, trưa nào cũng về nhà ăn uống và nghỉ ngơi, dĩ nhiên có cơm ngon canh ngọt là nhờ cậu con trai 9 tuổi nấu nướng.
Một người như Dần tưởng rằng đã làm thỏa mãn tấm lòng của bố mẹ, nhưng không, một hôm tôi đến chơi nhà anh chị, đã gần 12 giờ trưa rồi vẫn thấy chị nổi nóng quát tháo con. Hỏi ra mới biết, cu cậu nấu xôi bị nhão như cháo.
Nhưng sự việc hoàn toàn không phải do cậu, Dần nấu xôi hỏng là do chị tôi không hướng dẫn con một cách chu đáo. Thay vì nói nhiều, chị chỉ cần hướng dẫn con “công thức” cụ thể thì sẽ thuyết phục hơn nhiều, như phải vo gạo như thế nào, đổ nước ra sao, đun trong bao lâu...
Các cụ ta xưa thường nói rằng, con cái là bản sao của cha mẹ, điều này không phải đúng hoàn toàn, nhưng có thể thấy rằng, tính cách, sự dạy dỗ ân cần của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới con cái.
Có rất nhiều ông bố, bà mẹ thích áp đặt cho con làm điều này điều kia nhưng không bao giờ ân cần bảo ban chúng, khi chúng làm hỏng việc thì chỉ biết quát mắng đánh đập trẻ. Thậm chí nhiều khi cha mẹ sai cũng không dám dũng cảm nhận lỗi trước mặt con cái.
Trong nhiều gia đình hiện nay, cha mẹ thích áp đặt nguyên tắc, giáo huấn cho con nhưng những nguyên tắc, giáo huấn đó chính cha mẹ đưa ra lại không thực hiện được, kết quả là cha mẹ càng nói nhiều thì càng “nhờn thuốc” với con.

Dạy con bằng hành động
 
Do cô chú tôi mải mê làm ăn mà cậu quý tử của họ nghịch như quỷ sứ. 2 năm nay, năm nào cậu cũng bị xếp loại đạo đức trung bình, học tập thì xếp gần cuối lớp. Cảm thấy có lỗi với con, chú thím bắt đầu có phương án mới để dạy con.
Sáng ra, mới 5 giờ, dù thời tiết thế nào chú cũng phải dậy cùng con, kèm cặp con học, đưa đi ăn sáng và chở đi học. 7 giờ tối, thay vì đi nhậu cùng bạn bè như trước kia, chú ở nhà dạy con, bài nào khó thì thuê gia sư về kèm tới nơi tới chốn.
Cậu bé luôn có bố bên cạnh, khi được gia sư kèm cặp thì không dám quậy, giờ thì thằng “quỷ sứ” đã xếp thứ 5 ở lớp về thành tích học tập, cũng không còn nghịch nhiều như trước kia.
Hiểu bài nên cậu tỏ ra ham học. Cách dạy con như chú tôi thật tài tình. Đối với con trẻ, mọi lời giáo huấn hay lý thuyết suông quả là không thể có tác dụng.
Theo TGPN

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Những câu nói góp phần làm thay đổi cuộc đời con trẻ

6. Khi con trẻ nói ra nguyện vọng khiến bạn thất vọng
Câu nên nói:
- Đúng là con mong muốn thế à? Vậy thì con phải một mình chịu trách nhiệm về nguyện vọng đó của mình nhé.
Câu không nên nói:
- Cái gì? Con không chọn nghề gì cao quý hơn được hay sao?

7. Khi con trẻ ỷ lại đáp án bài tập do cha mẹ cung cấp

Câu nên nói:
- Đừng vội xem đáp án con ạ! Cứ thong thả suy nghĩ cho kĩ đã, mẹ tin là con sẽ tự làm được mà!
Câu không nên nói:
- Đừng có giả bộ ngớ ngẩn thế con ạ! Lần này mẹ nhất định không giúp con nữa đâu.
- Sao con dốt thế, không chịu suy nghĩ một lúc đã.

8. Khi con trẻ hay quên từ ngữ tiếng Anh.
Câu nên nói:
- Tiếc nhỉ, có lẽ đúng là khó thật, mẹ con ta cùng xem có cách gì để dễ nhớ hơn không nhé!
Câu không nên nói:
- Vì sao cứ học rồi lại quên, chỉ có vài chữ đơn giản thế thôi mà con không nhớ được à?

9. Khi con trẻ đặt điều kiện có thưởng mới học (Nhiều khi trẻ hay so sánh và muốn bố mẹ cũng thưởng cho mình giống như bố mẹ của bạn)
Câu nên nói:
- Nếu con chỉ có thưởng mới học, mới cố gắng thì mẹ rất buồn lòng.
Câu không nên nói:
- Thưởng hay không là do mẹ quyết định!
- Mẹ không có tiền để thưởng cho con đâu!
- Bạn con là bạn con, con là con. Nhà mình không giống nhà bạn con được!

10. Khi con trẻ nói không thích đi học
Câu nên nói:
- Vậy hả con? Con có thể nói mẹ nghe nguyên nhân vì sao con không thích đi học được chứ? (Khi trẻ nói ra nguyên nhân, hãy chia sẻ với con và tỏ ra thừa nhận cảm xúc của trẻ. Sau đó, lựa lời để khuyên bảo trẻ.)
Câu không nên nói:
- Thế thì sau này con chỉ có đi ăn mày thôi!
- Mẹ không thích có đứa con lười nhác như con!
- Con mà không thích đi học, sau này sẽ chẳng làm nên trò trống gì?

KTT

Hãy gần gũi với con!

 - Nếu bạn cảm thấy mình viết tin nhắn cho con nhiều hơn nói chuyện, la hét con nhiều hơn chơi với chúng, đó là lúc bạn cần tìm cách xích lại gần con hơn.

1. “Hẹn hò” với con

Hãy dành thời gian cho con trong bữa ăn sáng, bữa trưa hay uống nước ở ngoài. Hãy tạo cơ hội nói chuyện với con để chia sẻ tất cả những gì con đang bận tâm. Chọn một không gian cởi mở, con bạn sẽ có cảm giác đang được tâm sự và chia sẻ chứ không phải “thẩm vấn”.

2.Tham gia hoạt động ngoài trời

Bạn không thể tạo dựng tình cảm và kỉ niệm với con trẻ nếu chỉ ngồi ở nhà xem tivi. Hãy cùng con tham gia các hoạt động thú vị ngoài trời như đạp xe, cắm trại, bơi lội… Còn gì tuyệt vời hơn khi chỉ cần bỏ ra ít thời gian nhưng bạn đã cho con những kỷ niệm vô cùng đẹp về tình cảm gia đình.

3. Sáng tạo cùng trẻ

Trang trí lại căn phòng, cắm hoa hay tự tay làm những vật dụng nhỏ cùng trẻ không chỉ giúp cha mẹ và con cái gắn bó với nhau mà còn là cách bạn phát huy trí sáng tạo tuyệt vời của con. Hãy để những vật dụng nho nhỏ trong gia đình lưu giữ lại những kỷ niệm của gia đình.

4. Cùng nhau làm vườn

Bạn không chỉ có thời gian nói chuyện vui vẻ với con mà còn dạy chúng được rất nhiều điều về thiên nhiên, cây cỏ, về cách chăm sóc cây cối, về cách đầu tư thời gian một cách hiệu quả. Con bạn sẽ hiểu được ý nghĩa thực sự của thành quả lao động khi tự tay gieo trồng, chăm sóc và thu hái, chế biến những món ăn cho gia đình.

5. Hỏi han con trước giờ đi ngủ

Bill Corbett tác giả của cuốn sách “Những giới hạn của tình yêu” khuyên các bậc cha mẹ hãy gần gũi con cái của mình bằng cách xây dựng thói quen trò chuyện với trẻ trước khi đi ngủ. Những câu hỏi được khuyến nghị bao gồm:

- Điều gì tuyệt vời nhất đã đến với con ngày hôm nay?
- Điều tồi tệ nhất trong ngày hôm nay với con là gì?
- Con đã làm điều gì ngớ ngẩn nhất trong ngày hôm nay?

Lắng nghe và chấp nhận tất cả các câu trả lời và đừng nói bất cứ điều gì để trẻ nghĩ rằng lẽ ra chúng không nên nói với bố mẹ chúng điều đó. Nếu trẻ em nhận thấy bất cứ một điều khó chịu nào khi chia sẻ với cha mẹ, câu trả lời cho những lần sau luôn là: “không có gì”. Bài tập đơn giản này sẽ giúp cha mẹ và con cái đến gần với nhau hơn và chia sẻ với nhau rất nhiều điều.

6. Massage cho trẻ

“5 giây vuốt ve thể hiện tình yêu thương nhiều hơn 5 phút bằng lời”. Massage là cách bạn thể hiện tình yêu với con một cách trực tiếp nhất. Hãy nhìn vào mắt con khi massage cho chúng, chúng sẽ cảm nhận được trọn vẹn tình yêu thương của bạn.

7. Đọc sách cho con

“Hãy rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ bằng cách đọc cùng con ít nhất 10 phút một ngày” - nhà văn Kathy Szai đã khuyên các bậc cha mẹ như vậy khi nói về kỹ năng nuôi dạy trẻ. 10 phút đọc sách cùng con mỗi ngày đồng nghĩa với việc bạn có ít nhất 10 phút để gần gũi và chia sẻ với con.

8. Đưa con đến một địa điểm yêu thích của bạn

Dẫn con đến một nơi thật có ý nghĩa với bạn, dù đó là con đường mòn, bãi đất trống hay bãi biển. Bạn có thể chia sẻ với con những kỉ niệm đã có của mình ở đây và cùng con viết nên những kỉ niệm mới.

9. Chia sẻ những câu chuyện

Hãy chia sẻ với con những câu chuyện về thời thơ ấu của bạn, sau đó khuyến khích con kể chuyện con cho là đáng nhớ trong kí ức. Hãy lựa chọn những chủ đề như trường học, tình thầy trò, bạn thân, một chuyến đi xa…

Theo Sheknows

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

Những câu nói góp phần thay đổi cuộc đời con trẻ

1. Khi con trẻ mải mê với trò chơi điện tử hoặc lên mạng
Câu nên nói: 
- Mẹ biết đó là hứng thú của con, điều đó cũng giúp con rèn luyện trí não nhưng mẹ lo rằng nó sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của con.
Câu không nên nói:
- Đừng có mải mê với mấy thứ trò chơi vớ vẩn ấy, nó không tốt cho con đâu!

2. Khi con trẻ không chịu chuẩn bị bài vở lên lớp
Câu nên nói:
- Cũng có lúc mẹ cũng không muốn làm gì cả...., để mẹ cùng làm bài với con xem nào....
Câu không nên nói:
- Con không chuẩn bị bài vở, mẹ sẽ phạt con đấy!
- Làm bài nhanh lên con, mẹ sẽ thưởng con ..........
- Vì sao con vô tích sự đến thế không biết!

3. Khi con đòi bố mẹ cùng chuẩn bị bài vở với mình
Câu nên nói:
- Qua quan sát từ trước đến nay, bố (mẹ) tin rằng con có thể tự làm được, hôm nay con thử làm trong nửa giờ xem nào!
Câu không nên nói:
- Đó là việc của con, con phải tự làm lấy, rõ chưa? Con mà cứ làm ồn lên là mẹ đánh đòn đấy!
- Bạn Lan, bạn Nam của con đều tự làm bài cả đấy!

4. Khi con trẻ không tin tưởng vào việc học hành của mình
Câu nên nói:
- Con người ta không phải ban đầu cái gì cũng biết. Mẹ biết con thiếu tự tin, nhưng con đừng lo, mẹ sẽ giúp con!
Câu không nên nói:
- Nếu con đã thực sự cố gắng, tại sao vẫn không thành công?

5. Khi con trẻ làm sai phép tính vì thiếu cẩn thận
Câu nên nói:
- Mẹ biết con đã rất cố gắng, chỉ sai một chút thôi mà, con nên cẩn thận tính lại xem nào!
Câu không nên nói:
- Bao giờ con cũng thiếu cẩn thận cả!
- Mẹ sẽ phạt con chỉ làm các phép tính trong cả tuần!
(Còn nữa)
KTT