Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Nói chuyện giới tính với con

 MỘT VẤN ĐỀ TẾ NHỊ 

Làm sao chúng ta gạt bỏ được mọi thành kiến cũng như quan niệm cũ về khoa học giới tính? Chẳng hạn như ý nghĩ: Trẻ con rất đơn sơ trong trắng, không nên gieo vào đầu óc chúng những hình ảnh hoặc suy nghĩ không tốt. Với cách nghĩ này, thì việc cho bọn trẻ biết về giới tính là điều cấm kỵ vì sẽ đưa chúng đến việc thử nghiệm cho biết. Đó là bước đầu của sự sa ngã, hư hỏng!

Tuy nhiên qua một số điều tra xã hội học, thì phần lớn các thanh thiếu niên phạm pháp về giới tính, các cô gái không chồng mà có con ...đều không được cha mẹ hướng dẫn về giới tính từ bé. Vi` vậy, các bậc cha mẹ không  nên chỉ trông chờ vào trường lớp, xã hội, mà chính họ phải biết dạy cho con mình hiểu thế nào là giới tính.

  Sự hiểu biết và có thái độ thẳng thắn, lành mạnh với vấn đề giới tính là biện pháp tốt để bảo vệ sự trong trắng của con mình.

Đừng để cho con bị bất ngờ hoặc hoảng hốt trước những biến chuyển của cơ thể. Bạn có thể hướng dẫn con tìm hiểu về sự biến chuyển này dưới nhiều hình thức. Con của bạn rất cần được trang bị những kiến thức về giới tính trước khi chúng trở thành người lớn.

VỚI CON GÁI:  

Dùng ngôn ngữ thích hợp với độ tuổi của con gái bạn. (Từ 3 đến 5 tuổi) Tránh đừng để bé ngạc nhiên hoặc sợ hãi khi phát hiện ra có một bạn không giống mình ở trường mẫu giáo. Hãy giải thích cho bé về sự khác nhau của hai giới tính bằng những hình dung từ thích hợp. Và hãy trả lời những câu hỏi ngây thơ của bé : "Tại sao con không có ...mà bạn ấy lại có ....?" hay : "Con trai là gì? con gái là gì?"v.v...  Đôi khi cũng cần làm yên lòng bé bằng cách xác nhận rằng sự khác nhau như thế không có gì là sai trái và hư hỏng cả ...

 Trung thực , thẳng thắn , không nói dối ( lứa tuổi từ 6 đến 10 tuổi ) :
 
Tính e thẹn của bé lúc này phát triển dần. Bé bắt đầu muốn có sự riêng tư nho nhỏ để khám phá chính mình. Người mẹ nhạy bén sẽ luôn kịp thời ở bên con gái , trả lời những câu hỏi về giới tính của bé . Ví dụ như :
_ " Em bé sinh ra ở đâu ? "
_ " Tại sao mẹ có vú mà con lại không ? "
_ " Tại sao cu Bi giống ba còn con thì giống mẹ ? "
Hãy trả lời cho con một cách trung thực và dễ hiểu.


Lắng nghe và luôn tìm cơ hội cung cấp kiến thức cho con :
 
Một số bé gái dậy thì sớm. Vì thế, ngay từ khi bé 10, 11 tuổi , mẹ nên nói chuyện cho bé biết về kinh nguyệt, sự phát triển cơ thể, tâm sinh lý ở tuổi dậy thì . 

Khi bé đã vượt qua ngưỡng cửa dậy thì , chuẩn bị là một thiếu nữ , mẹ nên mua các loại sách kiến thức về giới tính cho con gái đọc .

Nên bỏ ra một khoảng thời gian nhất định trong ngày để trò chuyện với con về các cảm xúc yêu đương với người khác phái, việc quan hệ vợ chồng , thụ thai và sinh nở.

Hãy nói thật cởi mở và khoa học . Qua đó, dạy con gái biết cách giữ gìn và bảo vệ cơ thể , tránh xa những thử nghiệm nguy hiểm do hiếu kỳ. Hãy giải thích mọi thắc mắc của con một cách đúng khoa học nhưng tự nhiên bằng những ngôn từ đơn giản. 
 Trẻ em ngày nay được chăm sóc đầy đủ nên cơ thể phát triển nhanh. Thông thường, thời kỳ tiền dậy thì của em gái bắt đầu từ 8 đến 11 tuổi. Người mẹ nên quan tâm đến con nhiều hơn ngay từ thời kỳ này. Hãy hướng dẫn cho con cách vệ sinh cơ thể, chỗ kín, dạy con cách phòng chống xâm hại tình dục. Tuy nhiên, không nên quá coi trọng chuyện này, chỉ cần khéo léo dặn dò “Không cho ai được sờ tay vào chỗ kín”.

Ngay khi ở thời kỳ tiền dậy thì, trẻ bắt đầu có những dấu hiệu phản kháng lại lời cha mẹ với những câu hỏi tại sao phải làm thế này mà không làm thế kia. Đôi khi cha mẹ phải tạm chấp nhận những thay đổi về cách cư xử của con, đừng lúc nào cũng khăng khăng mình đúng. Như thế dễ tạo ra khoảng cách giữa mẹ và con gái.

Nếu thấy con gái có tình cảm đặc biệt với một bạn trai nào đó thì khuyên nó mời bạn về nhà. Qua những lần trò chuyện với bạn trai của con, bạn có thể tìm hiểu được tính tình của cậu ta.
 
Lúc đó con gái thấy mẹ gần gũi sẽ yên tâm thổ lộ mọi điều thầm kín, và người mẹ có thể hướng dẫn cho con nên đi chơi với bạn trai ở đâu, xử sự như thế nào. Đây là biện pháp quản lý con gái an toàn nhất. Nếu bạn cương quyết cấm đoán, trẻ sẽ lén lút quan hệ ở bên ngoài thì hậu quả lúc đó còn tồi tệ hơn nữa. 

Việc rút ngắn khoảng cách giữa mẹ và con gái rất khó khăn. Phương cách tốt nhất có thể giúp bà mẹ bày tỏ nỗi lòng là viết thư cho con. Tất nhiên không phải là những lời hoa mỹ mà là tình cảm chân thành. Trước khi đi làm, bạn hãy để lá thư trên bàn học của cháu. Chắc chắn, cháu sẽ viết thư trả lời. Khi tình cảm giữa hai mẹ con trở nên thân thiện hơn, thì không cần thiết phải viết thư nữa mà nên trao đổi thẳng thắn.

VỚI CON TRAI :
 
Con trai thường hay thắc mắc về giới tính nhiều hơn con gái. Do tính cách, chúng cũng bồng bột, nóng nảy, muốn biết hết, để khẳng định mình. Người bố cần hướng dẫn cho con trai kịp thời để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra trong quá trình chúng tự tìm hiểu về cơ thể của mình. 

Trong những năm đầu, khi bé còn nhỏ, mẹ cũng có thể đảm đương việc hướng dẫn về giới tính cho con trai, bởi mẹ chính là người gần gũi với bé nhiều nhất ... 

Đến khi bé trai được 11 tuổi, bắt đầu có những biến chuyển về tâm sinh lý, vì là "đàn ông với nhau " nên việc nói chuyện giới tính của bố với con trai sẽ dễ dàng hơn .

Bé trai thực sự tò mò về bản thân mình khi chúng bắt đầu vỡ tiếng. Dân gian gọi là tuổi dậy thì. Đây là khoảng thời gian biến chuyển đặc biệt, có ảnh hưởng lớn đến cả đời người.

Về thể chất: Đứa trẻ sẽ tăng trưởng nhanh, trên mặt thường xuất hiện những mụn trứng cá. Bộ phận sinh dục phát triển song song với các cảm xúc về giới tính mà từ trước đến nay, chúng chỉ biết một cách mơ hồ.

Về tinh thần: Tính cách của chúng có thể thay đổi và định hình theo chiều hướng tốt hoặc xấu hơn ...tuỳ theo những gì mà chúng cảm nhận được . 

Việc xuất tinh ban đêm đánh dấu tuổi dậy thì ở con trai. Nếu chưa được bố mẹ cho biết trước về điều này, cậu bé có thể sẽ hoang mang, lo sợ. Với những đứa trẻ nhạy cảm, việc phát hiện mình có một khả năng kỳ bí nào đó khiến chúng lo sợ ...rồi tự co mình vào vỏ ốc. Với những đứa trẻ có tính cách mạnh thì bồng bột, hiếu kỳ, muốn bứt phá, phô diễn khả năng của mình.
 
Đây là lúc mà người bố cần gần gũi và hướng dẫn cho con trai cảm thụ sự việc một cách bình tĩnh và sáng suốt. Đứa trẻ sẽ cảm thấy được an ủi và yên tâm khi biết rằng bố mình ngày xưa cũng từng trải qua những sự cố mà nó đang phải đối phó.

 Các sách giáo dục giới tính rất hữu dụng trong thời điểm này. Bố nên lựa chọn sách cho con đọc, sau đó giải thích những điều mà con chưa rõ. 
Tốt nhất nên dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để thảo luận với con về cuốn sách đang đọc .Không giống như con gái, khi phát triển giới tính thì con trai thường tò mò, thử nghiệm để khám phá những bí mật của bản thân. Bố cần lưu ý và cảnh báo cho con trai về những nguy hiểm có thể gặp khi quan hệ giới tính bừa bãi như các bệnh xã hội , lây nhiễm HIV ...Những hiểu biết đúng về đồng tính luyến ái ( không phải là một tệ nạn, hay bệnh hoạn mà chỉ là một vấn đề có tính tâm lý ) việc thủ dâm ( không xấu xa mà chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe ). Khi đã hiểu rõ vấn đề, trẻ sẽ biết được những mặt lợi hại trước mỗi tình huống và tránh được những điều tệ hại.  

 Khi bố và con trai đã là hai người bạn  thì việc trò chuyện thẳng thắn và cởi mở về vấn đề giới tính sẽ không còn là điều khó thực hiện nữa. Các ông bố có thuận lợi hơn các bà mẹ khi giảng giải cho con trai về vấn đề giới tính. Tuy nhiên, để có thể tạo dựng được hình ảnh một người bố đáng kính, hiểu biết và tin cậy thì mối quan hệ bố con cần được xây dựng ngay từ khi con trai còn nhỏ.

Từ khi trẻ còn bé, các ông bố nên tạo cơ hội như: đi câu cá, dạo trong công viên, thăm vườn thú. Đó là cơ hội để trẻ học được nhiều điều, từ sự khéo léo, tháo vát, cách ứng xử cần có ở nam giới cho đến những hiểu biết đầu tiên về sinh sản và giới tính. 

Từ 3 tuổi và nhiều năm sau, con trai có khuynh hướng sùng bái bố như một người toàn năng, việc gì cũng làm được, cái gì cũng biết, gần giống như một siêu nhân. Ngay ở lứa tuổi này, trẻ có thể đặt nhiều câu hỏi liên quan đến sự khác biệt giới tính và sinh sản. Người bố không nên bỏ lỡ cơ hội để giảng giải cho trẻ. 

Mối quan hệ bố con được vun trồng như vậy sẽ đặt nền móng thuận lợi để đến tuổi thành niên, con bạn dễ dàng chấp nhận chia sẻ với bố những vấn đề về tình bạn, tình yêu hay lựa chọn nghề nghiệp. Ở tuổi vị thành niên, một số trẻ không còn sùng bái bố như trước, đôi khi còn tỏ ra quá tự tin hoặc nghe bạn hơn nghe bố. Bởi vậy, bố mẹ không nên đưa ra những mệnh lệnh áp đặt mà chỉ khuyên bảo nhẹ nhàng, lý lẽ thuyết phục.
 
Để giúp các ông bố không lúng túng khi đề cập đến vấn đề sinh sản và tình dục, các bạn có thể tham khảo một số lời khuyên dưới đây:

Biểu thị sự hài lòng khi con trai hỏi về giới tính, không tỏ ra lúng túng hay ngượng ngùng. Nếu con trai không hỏi thì cũng nên chủ động khơi gợi vấn đề. Bạn hãy nhớ rằng, trang bị kiến thức giới tính trước còn hơn là nhận một hậu quả nặng nề do thiếu kinh nghiệm.

Có  thái độ chân thành, không giễu cợt. Nếu chưa có hiểu biết đầy đủ để trả lời cho con thì hãy hứa sẽ tìm hiểu và trả lời sau, tránh để cho con có một thành kiến sai lầm.

Hãy bàn luận nghiêm túc với con về những sự kiện xảy ra trong đời sống như chuyện cô gái hàng xóm có thai khi chưa kết hôn, chuyện một ông chồng có học đánh vợ để dẫn dắt con trai tiếp cận với lẽ phải. 

Tóm lại, giúp đỡ con trai vượt qua những thách thức của giai đoạn phát triển tình dục không chỉ làm một lần là đủ mà là công việc lâu dài, bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ cho đến khi trưởng thành.



KTT(ST)
 

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Cử chỉ nhỏ- giá trị lớn.

1. Mỉm cười

Nụ cười có thể được lan truyền từ người này sang người khác và nếu bạn hạnh phúc, bạn cũng sẽ làm cho con hạnh phúc.

2. Phần thưởng cho hành vi tốt

Khi con bạn làm được điều tốt như ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ, biết cảm ơn người khác hay tự dọn phòng mà không cần nhắc nhở, hãy cho bé một phần thưởng như đi ăn ở nhà hàng, đi xem sách truyện hay chỉ cần một thanh kẹo sôcôla. Bằng cách này bạn sẽ khuyến khích trẻ làm nhiều việc tốt hơn nữa. Tuy nhiên cần lưu ý phần thưởng không quá nhiều kẻo tạo tính “vụ lợi” cho trẻ.

3. Thể hiện tình yêu

Bạn có thể ghi trên vài mảnh giấy nhỏ dán ở tủ lạnh, giá sách của con rằng: “Mẹ yêu con…”, tuỳ cách trang trí và lời bạn muốn nói. Hoặc đôi khi là một vài lá thư, tấm thiệp kẹp trong quyển truyện của bé, hay dưới gối. Bé sẽ rất thích thú khi nhận được món quà đáng yêu này.

4. Để trẻ cùng vào bếp

Trẻ em rất thích giúp cha mẹ trong nhà bếp. Hãy để trẻ tập làm những việc vặt và hướng dẫn trẻ nấu ăn. Trẻ sẽ rất tự hào vì đã cùng mẹ nấu được món ăn ngon cho gia đình.

5. Chơi với con

Cuộc sống bận rộn có thể khiến bạn không còn nhiều thời gian để chơi với trẻ. Chúng sẽ có cảm giác rất cô đơn dù được đi chơi với bạn bè hay đọc truyện, xem ti vi, dễ hình thành tổn thương tâm lý gia đình, trẻ không thấy tình cảm gia đình là quan trọng.

Chỉ cần biết sắp xếp và chú ý đến trẻ, bạn có thể dành chút thời gian mỗi ngày chơi với con - điều quan trọng tạo nên hạnh phúc.

6. Khuyến khích trẻ giúp đỡ người khác

Giúp được người khác cũng khiến chính bản thân mỗi chúng ta đều cảm thấy vui vẻ. Hãy để trẻ giúp đỡ người khác, khuyến khích trẻ tự tin hơn với bản thân.

7. Truyền cảm hứng sáng tạo

Tạo điều kiện cho trẻ phát triển và sáng tạo những lĩnh vực trẻ yêu thích. Sự sáng tạo sẽ nuôi dưỡng trái tim và trí thông minh của trẻ, cho trẻ nhiệt huyết và kiến thức để làm việc sau này. 

Con mong muốn điều gì?

1. Con cái không muốn cha mẹ cãi nhau trước mặt chúng. Trẻ con có khuynh hướng bắt chước bố mẹ. Cách bạn giải quyết những mâu thuẫn, xung đột gia đình sẽ tác động đến tâm lý và hành vi cư xử của trẻ. Hãy kiềm chế và xử lý bất đồng trong ôn hòa, nhã nhặn. 
2. Muốn được cha mẹ đối xử công bằng với mọi thành viên khác. Đối xử công bằng với con cái không phải là cào bằng mọi thứ. Mỗi đứa con là một cá thể độc lập, nhưng tất cả đều cần tình yêu thương và sự cảm thông như nhau. 
3. Cha mẹ là những người lương thiện, thành thật. Khi bạn bảo người tiếp thị qua điện thoại rằng bạn không có ở nhà nhưng thực tế bạn đang ngồi cạnh các con trong nhà, bạn đã gieo vào đầu con ý nghĩ không tốt về sự nói dối của người lớn. 
4. Cha mẹ là những người bao dung, rộng lượng. Khi bạn có lòng khoan dung với mọi người, trẻ sẽ học được điều đó trong cư xử với những người xung quanh. 
5. Niềm nở với các bạn của con. Khi con đưa bạn về nhà chơi, bạn sẽ dễ dàng nhận biết con mình kết thân với những ai và giúp con định hướng tình bạn. Hãy rộng mở cánh cửa đón chào bạn của các con.
6. Cha mẹ xây dựng tinh thần tập thể cho con cái. Mọi thành viên trong gia đình sẽ có trách nhiệm với nhau hơn, gắn bó hơn. Ý thức tập thể sẽ giúp con bạn phát triển tốt hơn trong môi trường học đường. 
7. Cha mẹ là những người biết lắng nghe và giải đáp thắc mắc của con. Có bao giờ bạn cảm thấy có lỗi khi bảo “bây giờ cha/ mẹ bận lắm. Chúng ta hãy nói về việc này sau nhé”. Và vấn đề ấy bị lãng quên, không được đề cập đến dù thời gian “sau này” đã qua không biết bao lần. Hãy dành thời gian để giải đáp những thắc mắc của con cái. Nếu bạn không có câu trả lời thì nên ghi nhận lại và giúp con tìm lời giải đáp sau. 
8. Cha mẹ có thể phạt trẻ khi cần thiết nhưng nên tránh kỷ luật con trước mặt người ngoài, đặc biệt là trước bạn bè của con. Chúng cũng cần được tôn trọng và đối xử như người lớn. 
9. Cha mẹ nên tập trung vào ưu điểm hơn là khuyết, nhược điểm của con. Hãy ghi nhận những điểm tốt và điểm chưa tốt của con và lựa lúc thích hợp chỉ ra cho chúng thấy để phát huy mặt mạnh và hạn chế mặt yếu. 
10. Cha mẹ nên nhất quán và kiên định. Đôi khi sự linh động và mềm dẻo của bạn không làm hỏng trẻ; nhưng cần làm cho con cái hiểu tình yêu mà bạn dành cho chúng là không thay đổi và những nguyên tắc, những giới hạn bạn đặt ra cho trẻ là nhất quán. 
KTT(ST)

Không nên cho học sinh tiểu học dùng điện thoại di động

Các nhà  khoa học Pháp cho rằng bức xạ điện thoại di động (ĐTDĐ) có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe trẻ em. Hiện nay cục an toàn bức xạ hạt nhân Phần Lan kiến nghị trẻ em khi sử dụng ĐTDĐ phát tin nhắn cần chú ý tránh bức xạ. Ủy ban y tế Pháp đã chỉ ra, do sức đề kháng của nhi đồng và thanh thiếu niên kém nên bức xạ ĐTDĐ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của các em. Hiện nay, chính phủ Pháp đã tuyên bố triệt để cấm học sinh tiểu học dưới 12 tuổi sử dụng ĐTDĐ trong trường để đảm bảo sức khỏe cho các em.

Phần lớn các trường học ở Pháp cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ trong lớp, đồng thời Chính phủ cũng hạn chế điều này bằng pháp luật, hy vọng phụ huynh chú ý vấn đề an toàn sử dụng ĐTDĐ cho các trẻ nhỏ. Bộ Y tế Pháp cũng kiến nghị người kinh doanh ĐTDĐ chỉ cung cấp loại ĐTDĐ ít bức xạ để giảm ảnh hưởng tới não thanh thiếu niên. Các đoàn thể tại Pháp cũng yêu cầu Chính phủ Pháp có biện pháp khống chế vị trí đặt của các trạm thu phát tín hiệu, cường độ tín hiệu và buộc các trạm này chuyển khỏi nơi gần trường học, bệnh viện và khu đông dân cư.

         KTT
(Theo Apple Daily)