Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

Làm thế nào giúp con bạn có động lực vươn tới thành công?

Đối với hầu hết các bậc cha mẹ, thành công của con cái còn quan trọng hơn thành công của chính mình. Chúng ta có thể hy sinh tất cả để dọn đường cho con đi đến thành công trong bất cứ lĩnh vực nào mà chúng lựa chọn. Khi con còn bé, ta mong chúng có thành tích học tập tốt để xây dựng một bệ phóng vững chắc, rồi từ đó chúng bay lên chinh phục những đỉnh cao và biến ước mơ thành hiện thực.
Nhưng làm thế nào để giúp con cái đây? Và nên bắt đầu từ đâu? Trước hết, bạn cần xác định rằng cuộc đời là của con bạn, chúng phải sống cuộc đời của chúng. Và như vậy để thành công, bản thân chúng phải có KHÁT VỌNG thành công và ĐỘNG LỰC vươn tới thành công. Tiếc thay, không ai có thể làm dùm chúng việc này, kể cả cha mẹ chúng.
Tuy nhiên, trong khi một số ít trẻ có động lực phấn đấu tự thân và vì thế gặt hái những thành quả liên tiếp trong bất cứ việc gì chúng làm, thì phần đông những trẻ khác chỉ đạt kết quả làng nhàng hoặc yếu kém. Điều đáng buồn là người lớn chúng ta đều biết rằng những đứa trẻ “làng nhàng” ấy có thể làm tốt hơn nhiều nếu chúng nỗ lực. Khoa học về não bộ cho chúng ta thấy hầu như tất cả trẻ em trên đời đều có tiềm năng trở thành người tài giỏi, chỉ có điều các em chưa biết phát triển những tài năng chưa lộ rõ ấy mà thôi. Thay vì khai thác tiềm năng của bản thân, nhiều em trang bị cho mình thái độ bất cần, sẵn sàng thí bỏ hay có tư tưởng chủ nghĩa thất bại: “Đơn giản tôi không thể làm được điều đó. Việc này quá khó đối với tôi. Bó tay thôi”.
Gặp trường hợp như vậy, phần lớn các ông bố bà mẹ sẽ làm gì? À, họ sẽ cố tác động đến con cái với những lời cằn nhằn, la mắng, khuyên bảo chẳng tới đâu, và thậm chí còn đưa ra những so sánh tối kỵ: “Sao con không chịu khó học hơn?”, “Học hành biếng nhác thế thì còn mong đợi được gì!”, “Anh mày bao giờ cũng đứng nhất lớp, còn mày thì sao?”, “Phải chịu khó động não một chút chứ?”.
Có thể con bạn hoàn toàn dửng dưng trước những lời cằn nhằn ca thán bất tận kiểu ấy, có thể chúng chăm học hơn một chút nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, sau đó “mèo lại hoàn mèo”. Tại sao thế, đó là vì trong những đứa trẻ như vậy, khát vọng thành công nếu có cũng chỉ là ngọn lửa leo lét không đủ sức làm nóng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, bởi vì ngọn lửa ấy được thổi lên bởi cha mẹ chúng chứ không phải tự bản thân chúng. Do đó, những lời la mắng cằn nhằn của cha mẹ giống như việc quất roi vào con ngựa đã gần kiệt sức giục nó phải bước nhanh hơn.
Vì vậy, thay cho lời la mắng, hãy trao cho con “tấm biển chỉ đường” đi tới thành công.
(Theo sách Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi)

Động lực nào thúc đẩy hành vi của trẻ?

Nhiều ông bố bà mẹ lấy làm kinh ngạc khi thấy chúng tôi có thể khiến con họ thay đổi “gần như 180 độ” chỉ sau một khóa học bốn ngày, trong khi họ không thể làm được việc đó suốt 14 năm với những lời cằn nhằn, đay nghiến bất tận. Một số người nghĩ, “Thì “bụt nhà không thiêng” chứ sao, bọn trẻ ngỗ nghịch chỉ chịu nghe người ngoài chứ không chịu nghe lời cha mẹ”. Nhưng tôi phải nói với bạn rằng, đó là cách hiểu sai lầm về những gì thật sự diễn ra trong tâm hồn trẻ.
Sở dĩ bọn trẻ chịu lắng nghe chúng tôi – kể cả những đứa nổi loạn và bất cần đời nhất – là vì chúng tôi hiểu được điều gì tác động mạnh nhất đến suy nghĩ và hành vi của chúng. Chúng tôi biết cách “điểm đúng huyệt” khiến chúng bừng tỉnh mà hiểu ra vấn đề.
Một khi học được những bí quyết trong chương này, bạn cũng có thể tác động đến con mình theo cách ấy. Tuy nhiên, bạn hãy chuẩn bị tinh thần để thay đổi cách nghĩ của mình trước đã, và sau đó là thay đổi những biện pháp (có thể rất kém hiệu quả) mà bạn vốn quen dùng.
Động Lực Nào Thúc Đẩy Hành Vi Của Trẻ?
Vậy thì điều gì có tác động quyết định đến suy nghĩ và hành vi con trẻ? Câu trả lời là CẢM XÚC của chúng. Trong thực tế, cảm xúc tức thời của trẻ thường lấn át, che mờ hoặc thậm chí khống chế lý trí của chúng. Điều đó có nghĩa là trẻ xuôi theo những cảm xúc của chúng nhiều hơn là lý lẽ về những điều tốt – xấu đối với chúng.
Gần như tất cả những em mà chúng tôi nói chuyện đều biết rằng chúng nên học hành chăm chỉ vì như vậy sẽ giúp chúng đạt điểm cao, khiến thầy cô cha mẹ tự hào về chúng và sau này chúng sẽ có tương lai tươi sáng. Chúng hiểu tất cả những điều đó, chỉ có điều chúng vẫn… không học vì không CẢM THẤY muốn học. Người bạn trẻ nào cũng rõ rằng “con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, rằng chẳng ai lo cho chúng như cha mẹ, ngặt một điều hễ cứ nghe bố mẹ lên lớp hay ca cẩm là chúng chịu không nổi, chỉ muốn cãi lại hoặc làm một cái gì đó cho bõ tức. Không một đứa trẻ nào ở tuổi vị thành niên không hiểu rõ những điều bị cấm đoán như hút thuốc, nói tục, trốn học, chơi game… đều là những việc có hại. Nhưng một số đứa vẫn cứ làm, như thể có một cái gì lôi kéo, xúi giục chúng làm việc ấy, như thể chúng CẢM THẤY một sự thỏa mãn nào đó khi làm những điều mà người lớn cấm tiệt.
Cảm Xúc Đi Trước, Lý Lẽ Theo Sau
Một khi đã biết rõ rằng con cái chúng ta bị sai khiến bởi tình cảm nhiều hơn lý trí, bạn sẽ nhận ra sự cố gắng thay đổi hành vi của trẻ bằng cách lên lớp, liên tục nhắc nhở hay đe nẹt là vô ích, thậm chí phản tác dụng, bất kể lời lẽ của bạn có hay ho và đúng đắn đến mức nào chăng nữa.
Những lời nhận xét hay khuyên bảo kiểu như: “Phải chăm học con nhé, vì tương lai của con đấy”, “Đừng giao du với mấy thằng đầu bò đầu bướu nữa, con không biết câu gần mực thì đen gần đèn thì sáng hay sao”, “Muốn làm việc hiệu quả con phải có thói quen ngăn nắp, gọn gàng” sẽ chỉ như “đàn gảy tai trâu” cho đến khi bạn biết cách gỡ rối những cảm xúc đang khuấy động trong lòng chúng. Khi đứa trẻ đang trong tâm trạng buồn bã, thất vọng, ngán ngẩm, giận dữ…, chúng chỉ biết đến những cảm xúc đó, thế nên tất cả mọi lời cằn nhằn, trách mắng trên đời này đều không thể làm chúng thay đổi, hoặc làm theo những lời giáo huấn của bạn.
Hiểu được “cơ chế” đó, tức là chúng ta đang tiếp cận với một thực tế là ta chỉ có thể tác động đến con cái bằng cách nhận biết và quan tâm thật sự đến cảm xúc của trẻ. Ta cũng nên học cách của người xưa, lợi dụng sức gió để đẩy cánh buồm đi mà không cần tốn sức. Tức là biết cách nương theo các loại cảm xúc thúc đẩy con cái hành động để lái chúng làm những việc mà ta muốn. Bọn trẻ chỉ làm những việc mà chúng thích làm mà thôi, và cách của chúng ta là làm cho chúng thích những điều ta muốn chúng làm.
(Theo sách Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi)

Làm thế nào để con hợp tác và nghe lời cha mẹ?

Làm cha mẹ đôi khi là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trên đời bởi vì ta vất vả mỗi ngày cố gắng khiến con cái, nhất là trẻ ở tuổi dậy thì, làm những việc mà ta muốn chúng làm còn chúng thì lại không muốn.
Từ góc độ của mình, ta nghĩ nhiệm vụ tối cao của cha mẹ là dạy dỗ con cái cách hành xử phù hợp với chuẩn mực xã hội, và trên tất cả là vì lợi ích của chúng. Ta muốn con cái học hành chăm chỉ, có lối sống lành mạnh, có ý thức kỷ luật, có tác phong dễ mến, làm lợi cho gia đình và có ích cho xã hội. Nhưng bọn trẻ đâu có chung nhận thức với ta, vốn hồn nhiên và vô tư, chúng chỉ muốn làm những gì chúng thích. Chúng cũng chẳng chu đáo đến mức tỏ ra quan tâm đến những điều người khác nghĩ về mình hay về những hậu quả do chúng gây ra.
Khi thấy trẻ không nằm trong vòng cương tỏa của mình, nhiều bậc cha mẹ (trong cơn giận dữ và thất vọng) thường dùng đến biện pháp cưỡng bức hay đe dọa buộc đứa trẻ phải vâng lời, “Con phải làm theo lời mẹ… nếu không…”. Nhưng sau nhiều lần vẫn không thấy cha mẹ làm như lời đã nói, bọn trẻ đâm ra lờn và cứ ý mình mà làm, cha mẹ nói sao cũng mặc kệ.
Và thế là cuộc chiến giữa hai thế hệ nổ ra, đẩy cha mẹ và con cái sang hai bên chiến tuyến. Cha mẹ coi con là kẻ nổi loạn phải đưa vào khuôn khổ, còn con cái thì nghĩ cha mẹ mình độc tài vô lý, thường làm hỏng niềm vui của chúng, bắt chúng phải làm những điều chúng không muốn. Tình trạng này dẫn đến mối quan hệ thắng-thua, được-mất. Bọn trẻ cảm thấy mình thua cuộc nếu làm theo những gì cha mẹ muốn. Ngược lại, cha mẹ cảm thấy mình là kẻ bại trận khi không quản lý được con cái. Nhưng thật ra, trong cuộc chiến này, cả hai phía đều thất bại.
Có cách nào khiến con cái chia sẻ quan điểm với cha mẹ không? Làm thế nào giúp trẻ biết suy nghĩ thấu đáo và hành động vì lợi ích của chúng? Liệu có thể khiến con cái làm những việc cần làm với thái độ hợp tác, vui vẻ không? Dù bạn tin hay không, thì câu trả lời vẫn là CÓ!
Nhiều bạn trẻ mà chúng tôi có dịp trò chuyện đều tỏ ra hiểu và đồng tình rằng chúng nên cư xử lễ phép, học hành chăm chỉ và vâng lời cha mẹ. Thế nhưng không hiểu sao, chúng vẫn KHÔNG MUỐN làm theo những điều đúng đắn đó. Trong thực tế, nếu các bậc phụ huynh sử dụng đến quyền làm cha mẹ bằng vũ lực hoặc những lời trách cứ triền miên thì họ chỉ khơi thêm hố sâu ngăn cách với con cái, vì đó là điều đi ngược lại năm nhu cầu cảm xúc của con trẻ mà chúng ta đã thảo luận ở chương trước.
Để con cái nghe lời và hợp tác với chúng ta trong mọi chuyện, trước hết cha mẹ phải xây dựng một bầu không khí mà khi hòa mình vào đó, con trẻ giống như cá về với nước, có thể tự hào về bản thân mình, thoải mái và hợp tác với cha mẹ trong mọi chuyện. Một lần nữa, bí quyết vẫn là tận dụng năm nhu cầu cảm xúc của trẻ.
(Trích đoạn và tổng hợp từ sách Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi)- "nguồn www.trandangkhoa.com"

Tại sao trẻ thường không nghe cha mẹ?

Từ những gì biết được về năm nhu cầu thiết yếu trong tình cảm của trẻ, chúng ta thấy rõ ràng hơn lý do tại sao nhiều bậc cha mẹ gặp khó khăn trong việc kêu gọi trẻ hợp tác toàn diện với mình. Đó là vì họ vô tình phạm phải những sai lầm trong việc đáp ứng nhu cầu tình cảm của trẻ, như nhu cầu về tình yêu thương, sự chấp nhận, tầm quan trọng và tính độc lập. Một khi đời sống tình cảm của trẻ không đạt đến độ hài hòa nhất định, trẻ sẽ không có cách hành xử tốt và khó mà đạt được kết quả tốt.
Một trong những câu hỏi phổ biến mà các bậc cha mẹ thường đặt ra cho chúng tôi là, “Tại sao khi con trai tôi còn nhỏ, nó làm theo những gì tôi nói? Bây giờ lớn hơn, bạn bè bảo sao thì cứ nghe răm rắp”.
Bây giờ tôi hy vọng chính bạn đã có trong tay câu trả lời rồi. Đó là vì ở giữa đám bạn bè, trẻ luôn có cảm giác mình được đón nhận với đúng con người mình. Đó là chưa kể trong tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo của chúng có thứ tình cảm bạn bè giống như “tình anh em” hay “tình chị em” có sức mạnh và tuổi thọ kéo dài suốt đời người. Để được một người bạn hay đám bạn chấp nhận, nhiều em tình nguyện tuân theo bất kỳ luật lệ hay quy định gì, bất kể điều đó có hợp với đạo lý hay không. Với những đặc điểm tâm sinh lý của tuổi mới lớn, nhiều em coi việc dám thách thức lại những điều cấm của người lớn như hút thuốc, ăn cắp vặt, chửi thề, đua xe hay ăn hiếp kẻ khác là “ngầu”, là “chịu chơi”, hoặc thậm chí là “anh hùng”. Tất cả những biểu hiện này, dưới góc độ tâm lý, chẳng qua là để thỏa mãn một nhu cầu mạnh mẽ muốn trở thành người quan trọng, muốn được mọi người chung quanh nhận biết mà thôi.
Mặt khác, nhiều đứa trẻ không chịu nghe lời phụ huynh vì cha mẹ chúng thường khiến chúng cảm thấy tồi tệ và thường áp đặt chúng phải làm điều gì đó theo chủ ý của họ. Điều này vô tình làm nảy sinh tâm lý phản kháng vô thức, chúng cảm thấy nếu cứ nhất nhất nghe theo cha mẹ tức là chúng thua trong khi các bậc phụ huynh thắng. Chúng cảm thấy mình bé mọn, chẳng có gì quan trọng, giống như một con tốt đen trong tay cha mẹ. Nhưng một khi dám nổi loạn bất chấp hậu quả thì chúng lấy lại được ý nghĩ quan trọng về mình, và trong trận này chúng đã thắng: “Thấy chưa, mình chỉ bỏ nhà đi một hôm là ông bà già đã mất ăn mất ngủ ngay”.
Từ kinh nghiệm thực tế trong đào tạo và huấn luyện hàng trăm ngàn học sinh trong 15 năm qua, chúng tôi rút ra được kết luận rằng những đứa trẻ tự tin, có bản lĩnh không dễ bị bạn bè lôi kéo và kẻ xấu dụ dỗ. Đó cũng là những đứa trẻ thật sự cảm thấy được cha mẹ đón nhận, yêu thương, công nhận vai trò quan trọng của chúng trong cuộc sống, và tôn trọng sự độc lập tự chủ của chúng. Bởi vì chúng tự hào về bản thân và cảm nhận trọn vẹn tình thương yêu của gia đình, nên chúng không cần phải đi tìm sự công nhận từ nơi khác và dễ dàng nói “không” với những cám dỗ từ bên ngoài.
Chỉ Khi Nào Thỏa Mãn Năm Nhu Cầu Cảm Xúc Quan Trọng Của Trẻ, Bạn Mới Có Thể Ảnh Hưởng Tới Suy Nghĩ Và Hành Vi Của Chúng Một Cách Tốt Nhất
Nếu muốn con cái lắng nghe chúng ta và có động lực để làm những việc đúng đắn cho bản thân mình, chúng ta phải biết cách khai thác sức mạnh của năm nhu cầu cảm xúc, được ví như năm “nút bấm cảm xúc” này. Khi chúng ta có thể đem lại cho con cái cảm giác được yêu thương, chấp nhận, trở nên quan trọng và được tự chủ thì chúng ta mới có thể khiến chúng hợp tác với mình trong hầu hết mọi chuyện.
(Trích đoạn và tổng hợp từ sách Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi)

Nói sao cho trẻ chịu học!

"Cha mẹ và thầy cô giáo nói với trẻ như thế nào, trẻ sẽ cảm nhận về bản thân như thế ấy. Lời nói của họ ảnh hưởng đến lòng tự trọng và cách trẻ tự đánh giá bản thân. Hay nói rộng ra, cách nói của cha mẹ và thầy cô giữ vai trò quyết định đối với số phận trẻ." - Đó là lời tựa của cuốn sách "Nói sao cho trẻ chịu học" mà tôi đã từng đọc và áp dụng với con và với học sinh của mình. Vậy thì nói với trẻ thế nào để trẻ hợp tác và chịu làm theo ý cha mẹ và thầy cô mà không cảm thấy khó chịu là một vấn đề quan trọng đối với các bậc phụ huynh và thầy cô giáo:

1- Hãy diễn giải cảm xúc của trẻ thành lời thay vì xóa bỏ cảm xúc của trẻ.

2- Hãy công nhận cảm xúc của trẻ bằng một từ hoặc một âm tiết "ừ nhỉ", "ừ", "ồ", "à" hoặc "đúng đấy!" thay vì chỉ trích và khuyên răn.

3- Hãy đưa ra viễn cảnh không thể có trong thực tại thay vì cố thuyết phục và giải thích.

4- Hãy thừa nhận những cảm xúc của trẻ ngay cả khi bạn muốn trấn áp những hành vi không ngoan của trẻ thay vì làm ngơ với cảm xúc đó.

5- Hãy thừa nhận và phản ánh đúng cảm xúc cũng như ước muốn của trẻ thay vì chỉ trích, chất vấn và khuyên răn. 
KTT