Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Hãy chơi cùng con!

  15 hay 30 phút bạn dành chơi cùng con mỗi ngày là 'thần dược' giúp trẻ phát triển trí tuệ và nhận thức.

Chơi cùng con không chỉ là cách bạn mang đến cho bé thông điệp: ‘mẹ yêu con và luôn sẵn sàng dành thời gian cho con.” mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Thời gian cha mẹ dành để chơi cùng con tỷ lệ thuận với sự phát triển trí tuệ và cải thiện hành vi của bé theo hướng tích cực. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những đứa trẻ mới biết đi được cha mẹ thường xuyên chuyện trò và chơi cùng có xu hướng bạo lực giảm, IQ tăng khi lớn lên.

Chơi cùng con - 'Bí kíp' giảm bạo lực cho trẻ, Làm mẹ, choi cung con, loi ich cua choi cung con, choi cung tre, choi cung be, lam cha me, lam me, nuoi day con ngoan, day con ngoan
Thời gian cha mẹ dành để chơi cùng con tỷ lệ thuận với sự phát triển trí tuệ và cải thiện hành vi của bé theo hướng tích cực. (Ảnh minh họa).

Nghiên cứu được tiến hành ở 129 trẻ mới biết đi. Các nhà nghiên cứu chia trẻ thành 4 nhóm. Trong 2 năm, 1 nhóm sẽ nhận được chơi đùa, trò chuyện và kích thích hàng ngày của cha mẹ; nhóm thứ hai chỉ được bổ sung sữa hàng ngày; nhóm thứ 3 vừa nhận được sự kích thích của cha mẹ vừa được bổ sung thêm sữa; nhóm thứ 4 không được cha mẹ chơi đùa và bổ sung thêm sữa.

Tiếp tục theo dõi quá trình phát triển, nhóm nghiên cứu nhận thấy đến năm 22 tuổi, những trẻ tham gia vào nghiên cứu được cha mẹ kích thích và chơi đùa hàng ngày khi còn nhỏ có chỉ số IQ cao hơn 6 điểm, giảm 65% nguy cơ bạo lực so với những trẻ không được cha mẹ khích lệ và chơi cùng khi nhỏ.
Mặt khác, chơi cùng con cũng là khoảng thời gian thư giãn để cha mẹ tách ra khỏi những toan tính công việc, lo âu hay căng thẳng. Trẻ sẽ bộc lộ tính cách cũng như cách giải quyết tình huống thông qua các trò chơi. Từ đó, bạn có thể hiểu hơn về con yêu của mình.

 Theo Eva

Cái tát của bố


- Sinh nhật lần thứ 15 của con trai tôi. Lần này vợ chồng tôi quyết định làm rôm rả hơn vì cháu vừa đỗ vào lớp 10 của một trường chuyên danh giá tại Hà Nội. Lân la lại gần hỏi xem con trai thích quà gì, tôi nhận được câu trả lời:
- Con cũng chẳng biết con thích gì. Tùy bố thôi ạ.

- Con không thích gì thật à? Điện thoại di động nhé? Hay là kim từ điển?

- Có cũng được mà không có cũng chẳng sao ạ. Con vẫn học Tiếng Anh tốt như thường.

Thấy con không mặn mà gì với quà tặng, tôi tỏ ra gần gũi:

- Hay con kể cho bố nghe một kỉ niệm mà con nhớ nhất về bố và bố cũng sẽ kể cho con nghe một kỉ niệm bố nhớ nhất về con nhé.

Im lặng một lúc con trai tôi rụt rè:

- Con có được nói thật không bố?

- Đương nhiên rồi, bố con ta phải thật lòng chứ.

- Thế thì con nói…Con nhớ nhất là lần bố tát con một cái thật đau. Năm ngón tay bố hằn lên má con cả mấy ngày sau đó.

Tôi ngớ người ra. Tôi nhớ chỉ đánh con một lần duy nhất lúc cháu lên 5 tuổi. Cháu nghịch và đánh vỡ bình nước nóng, may mà không bị bỏng. Lúc đó phần vì tôi đang bực chuyện mấy cậu nhân viên tắc trách, phần vì muốn con nhớ lần sau không nghịch dại. Đòn đau nhớ lâu, nó đã hằn in trong kí ức tuổi thơ của con trai tôi. Có lẽ vì vậy mà 10 năm qua cháu gần mẹ hơn, rất ít khi gần bố. Đôi khi tôi cứ nghĩ trẻ con nó thế, bé thì quấn mẹ, lớn lên rồi sẽ gần bố hơn, như hai người đàn ông với nhau. Thi thoảng thấy cu cậu đang vui vẻ với mẹ, bố lại gần hỏi han chuyện trường lớp, cháu trả lời bố đầy đủ như là báo cáo, rồi kiếm cớ đi chỗ khác.

Vợ chồng tôi, người tiến sĩ, người thạc sĩ lại tu nghiệp nước ngoài về, nên cứ nghĩ mình cư xử đúng đạo với con, ai ngờ tôi đã làm tổn thương cháu lớn đến vậy.

Tôi ôm vai con, thành thật tự đáy lòng:

- Bố xin lỗi con. Bố cũng có lúc sai. Rất may là con kịp thời nhắc nhở bố. Sau lần đánh con ấy, bố cũng ân hận là mình đã quá tay nhưng công việc, chuyện này chuyện kia cứ cuốn bố đi. Nhẽ ra bố phải xin lỗi con ngay từ lúc ấy.

Con trai không nhìn tôi mà ngó xuống mấy ngón chân đang di di trên nền nhà:

- Không sao đâu bố ạ. Đấy là… tại bố bảo con… nói thật!

- Con nói thật là đúng và bố phải cảm ơn vì điều đó. Người lớn cũng có lỗi chứ. Thôi từ nay bố con mình hòa giải nhé?

Tôi nói và chìa tay phải ra. Con trai đấm vào lòng bàn tay tôi giống y như hành động cháu hay làm với anh trai của mình.

Câu chuyện của con trai tôi khiến tôi trăn trở. Thật may là cháu đã nói ra nếu không không biết nó còn bị tổn thương đến bao giờ? Tôi nhớ lại ngày tôi còn nhỏ. Cha mẹ tôi có những 6 người con, gia đình lại khó khăn nhưng bố tôi có cách dạy con rất riêng, chẳng bao giờ chúng tôi bị bố đánh mà vẫn rất ngoan ngoãn và nề nếp.

Tôi là con cả, bố có lần đã nhắc nhở tôi: “Con là anh cả, phải ngoan ngoãn để làm gương cho các em”. Nhưng vốn hiếu động, và nghịch ngợm, tôi chẳng để tâm đến lời bố nói.

Quê tôi có con sông rộng và một cái cầu bắc qua. Cứ chiều chiều tôi rủ mấy đứa bạn đứng từ trên cầu nhảy xuống, thi nhau bơi vào bờ. Nhiều người khi thấy chúng tôi đã cảnh báo về sự nguy hiểm vô cùng của trò chơi nhưng tôi bỏ ngoài tai. Một lần, thằng bạn của tôi suýt chết đuối. Biết chuyện bố gọi tôi về bắt quỳ xuống nghe giảng giải về sự nguy hiểm của trò nghịch dại. Sau đó bố hỏi: “Tội này đáng mấy roi?”. Tôi lí nhí: “Đáng 5  roi…”. Bố quát: “5 roi quá ít. Tội suýt gây chết người đang 10 roi. Đứng dậy ra bụi tre chặt roi về đây”. Dĩ nhiên là tôi sợ đòn đau nên cố chặt cái roi thật bé. Nhưng khi về bố tôi bẻ đi, nói là roi bé và bắt chặt roi khác to hơn. Đến lần thứ 3 bố tôi bảo: “Con đã thấy thấm thía sai lầm của mình chưa? Nếu thấm rồi thì 10 roi hôm nay bố cho nợ. Nếu còn tái diễn bố sẽ đánh gấp đôi”.

Đương nhiên là tôi thấm thía. Tôi đã thật sai lầm khi không học được cách dạy con của bố. Tôi đã sai lầm dù chỉ một lần nhưng đã làm tổn thương con trai tôi đến tận 10 năm.

Theo Dantri