Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Cần giáo dục nhân cách cho trẻ!

Người lớn chúng ta cứ hay ngỡ ngàng trước những hành động bạo lực, trước sự vô cảm, vô văn hóa của một bộ phận trẻ em mà không tĩnh tâm để nhìn lại xem chúng ta đã giáo dục trẻ em như thế nào?
Chúng ta quên mất rằng, một đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm chỉ, hiền lành không phải sinh ra đã được như vậy mà nhờ được người lớn chăm sóc giáo dục. Bác Hồ cũng đã từng viết “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Nửa đêm- Nhật ký trong tù). Một đứa trẻ lớn lên, hình thành được một tính cách tốt hay xấu trước hết nó phụ thuộc vào sự giáo dục của người lớn trong gia đình, nhà trường mà các em học và môi trường xã hội, các hoạt động xã hội mà trẻ em tham gia. Nhìn vào “ba lực lượng” giáo dục này nhiều lúc chúng ta phải giật mình bởi cách giáo dục còn thiên lệch, khắc kỷ hoặc là buông lỏng một cách đến vô tâm.

Với gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội, và trẻ em là người được học những bài học đầu tiên và thường xuyên về nhân cách trong gia đình. Thế nhưng, trước sự tác động của cuộc sống hiện đại, trước nhu cầu mưu sinh của nhiều gia đình mà giáo dục con cái bị sao nhãng. Có gia đình, nhất là ở nông thôn, bố mẹ sinh con gửi lại ông bà để đi làm kinh tế. Chỉ lo tiền cho con mà không biết rằng con cái thiếu thốn tình cảm, cần tình thương, sự ôm ấp vỗ về, động viên an ủi của cha mẹ khi chúng gặp những trở ngại trong cuộc sống. Những đứa trẻ thiếu tình thương thường sống lạnh lùng, vô cảm...

Muốn con ngoan học tốt nhưng cha mẹ nhiều khi lại không dành thời gian để quan tâm đến con cái. Ngày thì bận làm việc, tối xem vô tuyến hoặc ngủ, để cho trẻ loay hoay nơi bàn học muốn làm gì thì làm. Với cách “quan tâm” đến con cái như vậy nên chưa bao giờ như bây giờ một không khí cô đơn bao trùm lên giới trẻ ngay chính trong ngôi nhà với người thân của mình lại đậm đặc như vậy.

Trẻ em cảm thấy cô đơn nên chúng phải tìm cách giải trí bằng cách kết thân với bạn bè, bằng các trò chơi Game online…Ông bà ta đã từng dạy “chọn bạn mà chơi” nhưng trong lúc cô đơn lại thiếu sự định hướng của người lớn thì chúng gặp ai cũng có thể kết thân được, tốt có, xấu có. Thậm chí có em còn không phân biệt được đâu là tốt, là xấu nên còn có những hành động làm theo bạn bè một cách mù quáng, thiếu bản lĩnh, học theo những thói xấu dễ dẫn tới phạm pháp, sa ngã. Không kết bạn ngoài đời thì chúng kết bạn ảo trên mạng hoặc chơi game bạo lực. Nếu bất kỳ ai đi vào bất kỳ một quán “net” nào cũng thấy trên 90% là thanh thiếu niên đang chơi game online mà phần lớn là game bạo lực. Điều này nó ảnh hưởng đến nhân cách một cách tiêu cực nhiều hơn là tích cực.

Ở thành thị có đôi ba tiệm cho thuê sách truyện để các em thuê đọc. Đây cũng là một cách giải trí tốt nhưng thị hiếu của các em lại thích truyện tranh mà truyện tranh cho trẻ em hiện nay cũng còn nhiều điều đáng bàn như ngôn ngữ phần lớn là khẩu ngữ (ít nhiều còn ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt), truyện tranh có rất nhiều chuyện của người lớn, hình ảnh khiêu gợi, kích thích trí tò mò của các em thì không đúng lúc. Ở nông thôn thì gần như không có sách để cho các em đọc. Các bưu điện văn hóa xã toàn sách dành cho người già và sách kỹ thuật nông nghiệp không đủ sức giữ chân các em. Rất ít xã có thư viện riêng vì thế các em không được giải trí lành mạnh bằng đọc sách, không học được lời hay lẽ phải, tri thức tiến bộ của nhân loại từ những trang sách. Đây cũng là một lỗ hổng trong giáo dục và cũng là một thiệt thòi lớn cho các em hiện nay.

Đối với nhà trường hiện nay thì xu hướng vẫn còn coi trọng dạy chữ hơn dạy người. Các em gần như phải học cả ngày. Học sinh phổ thông từ lớp 1 cho đến lớp 12 ngoài học buổi chính còn học buổi hai (nâng cao, củng cố kiến thức). Dưới áp lực của thi cử và các chỉ tiêu nhà trường đặt ra, mà thường là chỉ tiêu về chất lượng học lực đã làm cho giáo viên phải đầu tư nhiều vào việc truyền thụ kiến thức văn hóa nên còn rất ít thời gian cho giáo  dục đức, thể, mĩ. Dẫn đến trẻ em cũng căng thẳng, mệt mỏi chán chường, sợ học và giảm hứng thú vui vẻ khi đến trường nên hiệu quả của việc giáo dục kỹ năng sống cho các em còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục được những điều còn bất cập trong giáo dục nhân cách cho trẻ hơn ai hết người lớn phải thấy được trách nhiệm giáo dục con cái của chính mình. Tổ chức đoàn thanh niên (ở địa phương cũng như trong nhà trường) phải đẩy mạnh các hoạt động thường xuyên, phù hợp với nhu cầu và đáp ứng được yêu cầu của giới trẻ, tạo được môi trường tốt để giáo dục tình cảm, lí tưởng cũng như những kỹ năng sống mà các em cần. Nhà trường cần chú ý hơn đến giáo dục toàn diện, cân bằng các chỉ tiêu giáo dục để trẻ em được phát triển hài hòa có trí thức, có văn hóa và đời sống tâm hồn phong phú.
                                                                      
                                                

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

10 thứ con cần tiền không mua được

1. Tình yêu

Quan trọng hơn bất cứ thứ gì, con bạn cần tình yêu. Có tình yêu thương của cha mẹ con trẻ sẽ phát triển được những giá trị của bản thân, tự tin, tự trọng và biết thương yêu người khác.

2. Thời gian

Con cần được bạn quan tâm, chú ý. Vì thế hãy bớt chút thời gian bận rộn quý báu của mình bên con và chia sẻ với con mỗi ngày.

3. Lời động viên

Nhiều khi chỉ cần một lời động viên nhỏ có thể làm thay đổi cả cuộc đời con. Hãy cho con biết bạn tự hào về chúng thế nào, và đừng tiết kiệm lời khen, sự động viên khi có cơ hội.

4. Sự ổn định

Một mái nhà yên ấm là chỗ dựa vững chắc, là bến đỗ bình yên trong cuộc sống. Ở đó con biết vị trí của mình trong gia đình, con biết ai là người con có thể tin tưởng và ai là người luôn sẵn sàng bên con những lúc con cần.

5. Cơ hội

Con cần có những cơ hội để trải nghiệm những điều mới mẻ, khám phá ra sở thích và thế mạnh của mình. Chẳng cần tìm đâu xa, gia đình có thể cho con điều đó.

6. Kỉ luật

Con cần được học cách đối nhân, xử thế một cách chan hòa, học cách chấp nhận thất bại và thành công. Sự rèn luyện kiên trì, tích cực bằng kỉ luật của bố mẹ giúp con trân trọng những giá trị của cuộc sống.

7. Nụ cười

Trung bình trẻ em cười 200 lần mỗi ngày trong khi người lớn chỉ cười có 15 đến 18 lần. Nụ cười tốt cho sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. Hãy khuyến khích trẻ cười mỗi ngày bằng cách kể những câu chuyện vui, hài hước hoặc chọc cười con.

8. Lòng mẹ

Lòng mẹ là nơi tuyệt vời nhất trên thế giới này để con có thể ngồi đọc sách, nghe mẹ kể chuyện hoặc cười nói vui vẻ với mẹ.

9. Không gian riêng tư

Trẻ con vẫn chỉ là trẻ con. Chính vì thế hãy để chúng được tự do làm những điều của trẻ con mà không bị người khác can thiệp. Hãy tạo cho con một không gian riêng để khám phá những điều mới mẻ, làm thí nghiệm, và để mắc những sai lầm. Vì chỉ khi mắc sai lầm chúng mới học được cách sửa sai.

10. Những cái ôm hôn

Hãy ôm hôn con bất cứ khi nào có thể, chứ không phải chỉ đợi đến khi nào con cần an ủi, động viên. Những cái ôm hôn thường xuyên của cha mẹ sẽ giúp con cảm nhận được tình yêu thương mình đang có.

Theo Dantri