Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Hãy công nhận cảm xúc của trẻ

Có những mối liên hệ trực tiếp giữa cảm xúc và hành vi của trẻ.
Khi trẻ cảm thấy dễ chịu, chúng sẽ cư xử đúng mực.
Khi ta chấp nhận cảm xúc của trẻ thì trẻ cảm thấy dễ chịu.
     Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, các bậc cha mẹ vì bận công việc mà không có nhiều thời gian dành cho con cái. Vì vậy, cha mẹ ít khi chịu lắng nghe con cái bày tỏ những cảm xúc của mình. Hoặc có khi nghe con bày tỏ sau đó chối bỏ cảm xúc của con. Nhiều lúc con định tâm sự điều gì đó thì cha mẹ đã gạt đi "Có gì đâu mà con cứ làm to chuyện thế?" hoặc: "Mẹ đang bận, đừng quấy rầy mẹ!"...  Chính vì vậy, dần dần đứa trẻ sẽ không muốn bộc lộ cảm xúc với cha mẹ nữa và ở nó xuất hiện những hành vi mà cha mẹ cảm thấy khó chấp nhận. Vậy làm thế nào để con có thể chia sẻ với cha mẹ những vấn đề vướng mắc của mình và có những cư xử đúng mực.

Hãy thừa nhận cảm xúc của con!

Ví dụ: Một cậu học sinh vừa bị loại khỏi đội tuyển Toán, về nhà cậu kể lại chuyện đó cho mẹ nghe.
Các bà mẹ thường có phản ứng:

Cách 1: Chối bỏ cảm xúc: 

- Lúc này con có đau khổ, giận hờn cũng chẳng giải quyết được gì. Trái đất này có bị nổ tung vì con bị loại khỏi đội tuyển Toán đâu! Thôi, quên việc đó đi!

Cậu bé sẽ có suy nghĩ: "Mẹ đừng dạy con phải cảm thấy như thế nào."

Cách 2: Triết lí: 

- Cuộc đời vốn không công bằng mà, nhưng con phải học cách chịu đựng những cú đấm của nó thôi!

Cậu bé sẽ nghĩ: "Mẹ đừng dạy con phải làm gì?"

Cách 3: Khuyên răn:

- Con đừng mất tinh thần vì chuyện này. Hãy cố gắng rèn luyện để có cơ hội chiến thắng vào dịp khác.

Cậu bé sẽ có suy nghĩ: "Mẹ chẳng bao giờ hiểu được con đâu."

Cách 4: Chất vấn:

- Con có nghĩ ra lí do vì sao mình bị loại không? Chắc tại các bạn khác giỏi hơn con chứ gì? Thế bây giờ con định làm gì?

Cậu bé sẽ có suy nghĩ: "Mẹ có biết mẹ phải làm gì với những vấn đề của mẹ không?" 

Cách 5: Bênh vực phía bên kia: 

- Con hãy đặt mình vào vị trí cô giáo dạy đội tuyển. Cô ấy muốn chọn đội tuyển để giành chiến thắng về cho trường. Chắc chắn cô ấy đã rất khó khăn khi phải quyết định ai ở lại, ai ra khỏi đội tuyển.

 Cậu bé sẽ có suy nghĩ: "Mẹ đứng về phía tất cả mọi người, trừ con."

Cách 6: Thương hại:

- Tội nghiệp con quá! Mẹ hiểu con thấy thế nào mà. Con đã cố gắng rất nhiều để được chọn vào đội tuyển, nhưng con chưa đủ giỏi. Tất cả các bạn đều biết thế.

Cậu bé sẽ có suy nghĩ:  "Con là kẻ thua cuộc."

Cách 7: Nhà phân tích tâm lí nghiệp dư:

- Con có nghĩ rằng lí do thật sự của việc bị gạt ra khỏi đội tuyển là vì thái độ thiếu quyết tâm của con không? Mẹ nghĩ trong tiềm thức, con không muốn vào đội tuyển.

Cậu bé sẽ có suy nghĩ: "Đây là lần cuối cùng con thổ lộ vấn đề của con với mẹ."

    Tất cả các phản ứng trên đều không thừa nhận đúng cảm xúc của trẻ. Bởi vậy đứa trẻ sẽ cảm thấy sự việc càng trở nên tồi tệ hơn mà thôi.

    Nếu người mẹ nói: "Con à, bị gạt ra khỏi đội tuyển Toán khi mà con tin chắc là mình có tên trong danh sách hẳn là một cú sốc rất nặng, một nỗi thất vọng ghê gớm lắm, đúng không?"
    Cậu bé sẽ nói: "Đúng thế mẹ ạ! Một cú sốc tệ hại. Con thất vọng vô cùng. Nhưng con thấy nhẹ nhõm khi có mẹ hiểu điều đó."

    Vậy thay vì xóa bỏ cảm xúc của con, hãy diễn giải cảm xúc của chúng thành lời. Điều đó sẽ giúp con cảm thấy dễ chịu hơn và cư xử đúng mực hơn.

KTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét