Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Dạy con biết yêu thương

“Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”, người mẹ nào cũng sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời vì con. Nhưng yêu như thế nào là đủ và đúng cách, đó là cả một nghệ thuật.

Khi trẻ ở vị trí độc tôn

Tới giờ ăn, T. chín tuổi cằn nhằn: Tại sao mẹ nấu đồ ăn không hợp ý con! Mẹ biết con ghét cá lắm mà!” Mặc dù mẹ năn nỉ, cô bé vẫn dậm chân la hét. Cuối cùng người mẹ đành lên xe đi mua gà rán đền bù cho món ăn nấu không hợp khẩu vị bé!

Một câu chuyện khác: Mẹ H. kinh doanh sạp vải ở chợ, bận rộn từ sáng sớm đến chiều. Ở nhà, dù có hai cô con gái sinh đôi ở tuổi 14 nhưng mọi việc bếp núc, nhà cửa đều đè nặng lên vai mẹ. Mong muốn cho con ăn học đến nơi đến chốn để tương lai hai con sáng sủa hơn mình, người mẹ rất cưng chiều con, chỉ mong con học hành tử tế.
Niềm vui lớn nhất của ba mẹ là tình yêu thương và quý trọng của con.
Ảnh minh họa
Đến lúc công việc làm ăn không còn sáng sủa bởi cơn “bão giá”, mọi chi phí tăng quá cao nên người mẹ đành nhắc nhở con cố gắng tiết kiệm. Cứ ngỡ hai cô con gái đã lớn biết cảm thông với mẹ, nào ngờ đâu chúng cằn nhằn, oán trách là “mẹ không thương con”. Không chỉ vậy, theo như tâm sự của người mẹ, hai cô con gái còn gây áp lực: “Nếu mẹ không cho con tiền, làm cho con mất mặt vì thua bạn bè thì con nghỉ học!”

Khi con “nổi cơn”, nhiều phụ huynh rơi vào tình huống không đáp ứng con thì thấy tội nghiệp, thấy mình có lỗi vì đã làm con ăn uống không ngon, vì sợ con thua sút bạn bè. Do vậy, họ có tâm lý cái gì có thể chiều được thì “nhượng bước”. Dần dần, đứa trẻ trở nên ương bướng, ích kỷ, không biết chia sẻ, không biết quan tâm đến cha mẹ, người thân.

Từ biết ơn đến vị tha

Dạy con biết yêu thương chính là dạy trẻ biết cảm nhận được tình cảm của cha mẹ, những vui buồn của cha mẹ để từ đó biết chung vai sẻ chia trách nhiệm gia đình. Nếu trẻ chỉ biết đòi hỏi, yêu cầu thoả mãn những thói quen hưởng thụ, dễ nảy sinh thói ích kỷ. Dạy con sống có trách nhiệm, biết yêu quý những thành quả lao động, không dựa dẫm ỷ lại vào sự bảo hộ của cha mẹ là cách giúp trẻ tự tin đi trên đôi chân mình.

Có một câu chuyện liên quan: M. là con trai duy nhất, niềm an ủi sau khi ly hôn của mẹ, vì vậy mẹ M. đáp ứng mọi yêu cầu mua sắm của con. Vậy mà đến năm học lớp 9, M. làm cho mẹ dở sống dở chết khi bỏ nhà đi bụi với nhóm bạn. Sau hai lần làm mẹ khóc hết nước mắt, bỏ công ăn việc làm theo bắt con về, năn nỉ, van xin... lần ra đi thứ ba, người con để lại bức thư tuyệt tình: Con thích sống tự do, vì vậy mẹ phải để cho con có quyền lựa chọn, đừng làm phiền con nữa!” 

Đối với người mẹ, nỗi đau lớn nhất là khi đứa con không còn cần tình yêu thương của mình. Vậy mà để trả ơn mẹ, đứa con đã để lại một nỗi đau không dễ gì quên. Tuy nhiên, câu chuyện cũng cho thấy lo cho con vật chất đầy đủ thôi chưa đủ mà còn phải tìm hiểu, chia sẻ với con về đời sống tinh thần.

Khi biết yêu thương, trẻ sẽ hiểu được chân giá trị của việc cho và nhận, chứ không nhỏ nhen ích kỷ chỉ biết đòi hỏi một phía. Trẻ sẽ biết thể hiện sự quan tâm đối với cha mẹ, biết tự tạo những niềm vui, hạnh phúc cho gia đình bằng những nỗ lực của bản thân. Trẻ sẽ biết dừng đúng vạch để không bị lôi cuốn bởi những cám dỗ và vì trách nhiệm, sự hiếu thảo đối với cha mẹ, biết tự kiềm chế để không vướng vào những cạm bẫy.

Lòng biết ơn được xem như một giá trị đạo đức, là một phẩm chất rất cần được giáo dục cho trẻ. Khi có được phẩm cách này, trẻ sẽ biết yêu quý gia đình, biết trân trọng công lao của cha mẹ, đồng thời sẽ có được lòng vị tha, nhân hậu trong các quan hệ ứng xử giữa người với người.

Những bài học về lòng biết ơn có rất nhiều trong sách vở, đó là những câu ca dao, thành ngữ trẻ thuộc làu làu, đọc vanh vách, như: Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”… nhưng từ hiểu biết cho đến vận dụng được trong cuộc sống như những kỹ năng ứng xử của bản thân, vẫn còn là một khoảng cách. Chính cha mẹ phải là người vun đắp, bồi dưỡng tâm hồn trẻ bằng cách tạo môi trường cho trẻ thể hiện lòng biết ơn từ trong gia đình.

Cha mẹ làm phong phú kinh nghiệm sống cho con qua việc giáo dục trẻ những hành vi giao tiếp hàng ngày, biết cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ, biết tỏ bày tấm lòng của mình đối với người xung quanh. Vào những ngày lễ 8/3, 20/11, sinh nhật của người thân... khi trẻ tặng một món quà, một lời chúc, trẻ phải biết gửi gắm tình cảm và sự chân thành của mình, chứ không phải chỉ làm theo hình thức.

Hình thành cho con lòng biết ơn có nghĩa là cha mẹ đã trang bị cho con những tính cách cốt yếu như sự hiếu thảo, lòng nhân hậu, tinh thần trách nhiệm cao... để trẻ sống không vô cảm.
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh
 SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét