Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Hãy nghe con nói!

Khi biết tin con thi trượt vào trường chuyên, bố mẹ Minh chỉ biết nhiếc móc mà không hề hiểu cho tâm trạng cũng đang rất đau khổ của cậu con trai.

Bất kể những người làm cha làm mẹ nào cũng vô cùng yêu thương con cái, và muốn thể hiện tình yêu thương với con mình, nhưng rất nhiều những ông bố bà mẹ vẫn không thể nào nhận được sự tin tưởng, đồng cảm của chính con cái mình.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm chia sẻ rằng, để tìm được sự đồng cảm giữa cha mẹ và con cái đương nhiên đòi hỏi sự hợp tác từ cả hai phía. Tuy nhiên, việc yêu cầu trẻ phải hiểu những mong muốn, những kì vọng của cha mẹ đằng sau những điều cha mẹ bắt con phải thực hiện là điều rất khó, vì chúng chưa ở tuổi của cha mẹ làm sao hiểu được suy nghĩ của người lớn cũng chưa từng có con để hiểu được nỗi lòng của những người làm cha mẹ. Ngược lại cha mẹ phải đặt mình vào vị trí của con, cũng như điều kiện xã hội hiện tại để suy xét mọi việc sao cho hợp tình hợp lý.
Thạc sĩ còn khuyến cáo: “Không bao giờ áp đặt con trẻ vào khuôn khổ xã hội mà trước đó mình đã sống”.

Bà chia sẻ về chuyện có một cậu học sinh lớp chín tên Minh, đang sống tại Hà Nội gọi điện đến trung tâm tư vấn tâm sự về việc bố mẹ cứ hễ động đến chuyện gì cũng lôi mấy chuyện ngày xưa ra để “răn dạy” cũng như than thở và trách mắng. Sáng đi học không kịp ăn sáng, kêu đói thì bố nói: “Ngày xưa tao đi bộ cả chục cây số đi học mà trong bụng không có cái gì cũng có chết đâu”, không may bị điểm kém thì lại trách: “Bây giờ bọn mày sướng quá nên dở chứng rửng mỡ, chỉ lo chơi bời. Hồi bằng tuổi mày tao không có cái gì mà ăn, mà chơi, không có mạng mà chat chit, điện tử, tao còn học hành tử tế hơn”…
Minh kể cứ ngày nào cũng phải nghe đi nghe lại những điệp khúc ấy khiến cậu cảm thấy ức chế vô cùng. Cậu bé than thở: “Sao bố mẹ không thử đặt mình vào vị trí của cháu bây giờ”.
Hay như chuyện của Hoàng Anh Tuấn (Hà Đông - Hà Nội) thì kể câu chuyện về việc không khí gia đình bao trùm sự căng thẳng khi cậu thi trượt vào trường chuyên. “Biết việc thi trượt sẽ làm bố mẹ rất thất vọng nên cháu không dám khóc vì sợ bố mẹ sẽ càng thêm buồn và lo lắng”, nhưng người mẹ lại không hề hiểu cho tâm trạng đó của Tuấn mà chỉ biết mắng nhiếc: “Mày trượt mà không biết nhục à mà còn cứ trơ mặt ra đấy”, bố cũng nói: “Nhục lắm con ạ, bạn bè thì đỗ hết trường chuyên này, lớp chọn kia, mày không biết xấu hổ à? Sau này ra đường thì chỉ biết cúi mặt mà đi thôi…”. Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm kể rằng, cậu bé vừa khóc vừa nói: “Bố mẹ không thể hiểu rằng cháu đã khóc nhiều như thế nào trong đêm khi chỉ còn lại một mình”.

Đứng trước những trường hợp này, Thạc sĩ nói thêm: “Với cuộc sống hiện đại hiện nay, gia đình đang phải đối mặt một cách gay gắt với rất nhiều thử thách đòi hỏi cha mẹ cần phải nhìn lại chính mình, nhận xét đánh giá con cái dưới nhiều góc độ trên cơ sở của sự hiểu biết. Không thể lấy quyền làm cha mẹ để lấn áp con cái làm theo mà cần phải nhẫn nại, lắng nghe những tâm tư tình cảm và nguyện vọng của con cái mình”.

Bà Nguyễn Thị Lan Minh chuyên viên cao cấp, trưởng ban truyền thông hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: “Các em rất nhạy cảm và suy nghĩ hành động hết sức bồng bột. Những mâu thuẫn nhỏ với cha mẹ, bạn bè, thầy cô cũng làm các em dễ mất tinh thân, thậm chí có em đã nghĩ đến chuyện nhảy lầu, nhảy sông tự tử… Đặc biệt các em luôn có xu hướng khẳng định cái tôi của mình, muốn tỏ ra mình là “người lớn” chứ không còn bé bỏng dại khờ như cha mẹ vẫn nghĩ”.

Các chuyên gia khẳng định rằng cha mẹ đáng lẽ phải là những người bạn đầu tiên và tin cậy nhất của con cái nhưng hiện nay nhiều ông bố bà mẹ lại luôn chỉ biết tìm cách áp đặt con cái theo những gì họ muốn. Dù nói với con rằng “bố mẹ làm thế chỉ vì muốn tốt cho con”, nhưng thật ra chỉ để thỏa mãn sự ích kỉ của chính họ đồng thời càng thể hiện họ chưa chịu lắng nghe con cái mình. Chính bởi vậy nhiều trẻ do không được lắng nghe và thấu hiểu nên các em rơi vào trạng thái ức chế, dẫn đến sa ngã.
Theo PLXH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét