Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

VẾT THƯƠNG
Xem hình



Một cậu bé có tính xấu là rất hay nổi nóng. Một hôm cha cậu bé đưa cho cậu một túi đinh và nói với cậu bé rằng mỗi khi cậu nổi nóng thì hãy chạy ra đằng sau nhà đóng một cái đinh lên hàng rào gỗ.

Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng 37 cái đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần cậu bé đã tập kiềm chế cơn giận của mình và số lượng đinh cậu đóng lên hàng rào mỗi ngày một ít đi. Cậu nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình thì dễ hơn là phải đóng cây đinh lên hàng rào.

Một ngày kia, cậu đã không nổi giận một lần nào suốt cả ngày. Cậu nói với cha và ông bảo cậu hãy nhổ một cái đinh ra khỏi hàng rào mỗi một ngày mà cậu không hề nổi giận với ai dù chỉ một lần.

Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một bữa cậu bé tìm cha mình báo rằng đã không còn một cái đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu đã cùng cậu đến bên hàng rào. Ở đó ông nói với cậu rằng "Con đã làm rất tốt, nhưng hãy nhìn những lỗ đinh trên hàng rào. Hàng rào đã không thể giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói đó cũng giống như những lỗ đinh này, để lại những vết sẹo trong lòng người khác. Dù sau đó con có nói xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương đó vẫn còn ở lại. Vết thương tinh thần cũng đau đớn như những vết thương thể xác vậy. Những người xung quanh ta, bạn bè ta là những viên đá quý. Họ giúp con cười và giúp con trong mọi chuyện. Họ nghe con nói khi con gặp khó khăn, cổ vũ con và luôn sẵn sàng mở rộng tấm lòng mình cho con. Hãy nhớ lấy lời cha..."

Theo Svhn 


Bài học về sự hy sinh

Mấy ngày nay, tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn, nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất, làm cho một người lớn như tôi - từng có bằng tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) - cũng phải suy nghĩ về bài học làm người.
Gặp nhiều khó khăn sau thảm hoạ, nhưng người Nhật vẫn kiên nhẫn và không nao núng.
Gặp nhiều khó khăn sau thảm hoạ, nhưng người Nhật vẫn kiên nhẫn và không nao núng.
Hôm kia, tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp Hội Tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho người bị nạn. Trong hàng người rồng rắn xếp hàng, tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn, nên mới lại hỏi thăm.

Cậu bé kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục, thì động đất và sóng thần đến. Cha của cậu làm việc gần đó, đã chạy đến trường. Từ bancông lầu 3 của trường cậu bé nhìn thấy chiếc xe và cha em bị nước cuốn trôi, 100% khả năng là chết rồi. Hỏi mẹ đâu, cậu bé nói nhà em nằm ngay bờ biển, mẹ và em chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân.

Nhìn thấy nó lạnh run lập cập, tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”.

Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nó trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.

Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi, mới học lớp 3 đã có thể dạy một người có ăn có học từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.

Tôi nghĩ, một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

Bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của vị thiền sư phụ của tôi ở Tokyo trước khi lâm chung dạy lại cho tôi, đó là “Nhân sinh nhất mộng, bất luận kiến tâm, tâm vô sở cầu thị Phật”. Cái sự hy sinh vì người một cách vô ngã của đứa nhỏ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra được những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được. Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho thằng bé để nhận của nó một lời cảm ơn, còn nó cho đi cả buổi ăn tối của nó một cách vô tư  không so đo, dù nó đói còn thê thảm hơn tôi nhiều và chắc còn phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không gia đình nữa.

Hiện tại tôi đang được tăng phái công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima, chỗ tôi đang làm cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima  khoảng 25km. Ký giả của Hoàn cầu Thời báo Trung Quốc Vương Hy Văn hôm qua theo tôi một ngày để lấy tin, khi đi ngang qua một ngôi nhà bị sập mà tiền giấy có lẽ từ ngôi nhà đó trôi ướt nằm tứ tán cả bãi đất, chắc cũng vài chục triệu yen, nhưng không ai đưa tay nhặt. Phóng viên này đã phải thốt lên: “50 năm nữa , kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng 50 năm nữa người Trung Quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại”.
Hà Minh Thành
(*) Tác giả hiện đang làm cảnh sát ở Nhật Bản

.Lựa chọn cảm ơn cả những người xem thường bạn

“Cảm ơn”, đó là điều bình thường chúng ta làm trong cuộc sống khi có ai đó giúp đỡ ta, làm cho ta một điều gì đó, hay chỉ đơn giản là để thể hiện sự cảm kích của chúng ta đối với những người trân trọng và tin tưởng ta. Bởi lẽ, không có những con người như thế, chúng ta khó lòng mà vươn tới được những thành công trong cuộc sống, và họ xứng đáng nhận được lời “cảm ơn” từ chúng ta bằng cách này cách khác, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Tuy nhiên, trên con đường vươn tới thành công của bạn. Khi bạn dám mơ ước những điều to lớn, bên cạnh rất nhiều người sẽ mến trọng bạn hơn, cũng sẽ có một số ít người chọn coi thường những mơ ước của bạn và đôi khi lấy đó làm lý do để khinh thường bạn. Họ sẽ nói với bạn những điều như là: “Đúng là nằm mơ giữa ban ngày”, “Tôi như thế này mà còn không làm được điều đó, anh nghĩ mình làm được à?”, “Vậy thì có gì là hay, ông Y, bà Z, làm hay hơn nhiều”,… Đó cũng là kinh nghiệm của tôi. Khi tôi quyết tâm từ bỏ cuộc sống đơn điệu của mình để làm một điều gì đó cho bản thân mình, gia đình mình và cho xã hội. Đã có không ít người cho rằng tôi “thùng rỗng kêu to”, cho rằng tôi “sẽ không làm được”, cho rằng tôi “nằm mơ giữa ban ngày”, cho rằng tôi thế này hay thế kia,… bởi vì một lẽ đơn giản là tôi đã dám “khác” họ. Đáng ngạc nhiên hơn, hầu hết họ chưa bao giờ gặp mặt hay trò chuyện với tôi. Họ chỉ biết tôi qua cái tên hoặc nhiều lắm là… nghe từ người khác. Một người bạn của tôi đoán rằng chắc họ làm thế chỉ để chứng tỏ mình “khác người”, “hơn người” hoặc “thông minh”, hoặc đơn giản chỉ để tự biện hộ cho mình.
Tôi không biết bạn chọn phản ứng thế nào trong hoàn cảnh đó, nhưng riêng bản thân tôi,  lúc đầu tôi đã từng cảm thấy “không thích” những con người như thế. Họ là ai mà dám tự cho mình cái quyền được xem thường và dè bỉu mơ ước của người khác? Họ là ai mà dám tự cho mình cái quyền được phán xét hay chế giễu người khác? Thậm chí, đã có lúc, tôi từng thề với lòng mình rằng: “Tôi phải thành công cho bọn họ biết mặt và không dám xem thường tôi nữa”. Và nhờ đó, tôi đã bắt đầu quyết tâm làm những điều mà người khác cho rằng “không thể”.
Nhưng khi tôi bắt đầu đạt được những thành quả ban đầu sau bao nhiêu hy sinh và nỗ lực, tôi phát hiện ra rằng, cho dù bạn là ai thì chắc chắn cũng sẽ có một số ít người chọn không thích bạn hoặc xem thường bạn. Ngay cả tổng thống Obama của Mỹ, người gần đây được rất nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ vì chiến dịch tranh cử có một không hai của ông, cũng như vì ông là Tổng thống Mỹ da đen đầu tiên, vậy mà vẫn có người xem thường, thậm chí lên trước công chúng hay lên mạng chửi rủa Obama chỉ vì ông không thể làm tất cả họ… hài lòng, hoặc tệ hơn chỉ vì ông… da đen.
Nói cho cùng thì “xem thường” là một suy nghĩ của… người khác, và bạn không bao giờ có thể ra lệnh cho người khác phải “xem trọng” bạn. Ngay cả khi bạn làm tất cả những điều tốt đẹp nhất trên đời này, vẫn sẽ có một vài người  tự cho phép  bản thân họ xem thường bạn. Và bạn sẽ chẳng làm được gì hơn để thay đổi suy nghĩ đó của họ. Thậm chí cho dù bạn có cố gắng làm theo ý họ, thì họ cũng sẽ cố gắng tìm ra “khuyết điểm” khác của bạn để tiếp tục tự cho phép bản thân họ xem thường bạn. Bạn chẳng thể nào sống để thỏa mãn “tiêu chuẩn” của tất cả mọi người trên đời này. Cho nên, bạn cũng chẳng việc gì phải quá lo lắng về  họ hay suy nghĩ của họ.
Quan trọng nhất là bạn biết rằng, không ai có thể xem thường mình trừ khi mình “cho phép” họ làm điều đó. Chúng  ta thường “cho phép” người khác xem thường mình bằng cách suốt ngày lo lắng, đau khổ, buồn phiền,… về việc mình “bị” xem thường. Và ngược lại, chúng ta có thể chọn “không cho phép”  mình “bị” xem thường bằng cách tập trung vào những con người và những điều tốt đẹp trong cuộc sống của mình.
Cho nên, thay vì mất thời gian “không thích” những người đó như lúc ban đầu, tôi chọn đơn giản không quan tâm đến họ.  Tôi cũng không còn nghĩ đến việc họ sai hay đúng, điều đó không quan trọng. Tôi chỉ biết họ “khác” tôi và vì thế họ chọn “không thích” tôi. Và trong cuộc sống của chính bạn, bạn cũng có thể lựa chọn như tôi nếu bạn thấy điều đó hữu ích cho bạn.
Tôi cũng phát hiện ra rằng, những con người kia và cách suy nghĩ của họ không bao giờ có thể biến tôi hay biến bạn trở thành một người tốt hơn, thành công hơn trong cuộc sống; mà chính cái cảm giác hạnh phúc tuyệt vời khi bạn có thể sống tự do, có thể cống hiến cho xã hội, có thể vươn tới những mục tiêu ý nghĩ của mình từng ngày, có thể làm được những việc mà một số người khác nghĩ rằng không thể, có thể nhận được những lời cảm ơn từ rất rất nhiều người ủng hộ và trân trọng những việc tốt bạn làm,… mới là những điều khiến bạn sống tốt hơn, thành công hơn từng ngày.
Nhận ra điều đó, đã từ rất lâu tôi hoàn toàn bỏ hẳn thái độ “không thích” những người  coi thường tôi. Thay vào đó, tôi tập trung thời gian, công sức, những suy nghĩ tích cực, và những tình cảm tốt đẹp của mình cho rất nhiều người quý trọng và tin tưởng tôi cho dù tôi đã từng gặp họ hay chưa. Chính họ mới là những người tạo nên thế giới tươi đẹp mà tôi mong muốn. Chính họ mới là người góp phần vào hạnh phúc của tôi trong cuộc sống.
Và chính những người biết quý trọng người khác, những người luôn nhìn thế giới bằng sự lạc quan tin tưởng, những người biết trải rộng lòng mình để hiểu và chấp nhận người khác, những người biết trân trọng và cảm kích những gì người khác làm cho mình,… cũng đang từng ngày làm không chỉ thế giới này tốt đẹp hơn, mà còn làm cuộc sống họ tốt đẹp hơn. Bởi lẽ, họ cũng xứng đáng để được nhận sự tin tưởng, được đối xử bằng cả tấm lòng, được trân trọng và được cảm kích.
Còn đối với những người đã từng xem thường tôi thì sao? Giờ đây, ngược lại, tôi thật sự cảm ơn họ theo đúng nghĩa của từ “cảm ơn” bởi vì cho dù họ chưa bao giờ mong muốn giúp tôi nhưng họ đã vô tình giúp tôi. Nếu không có họ, tôi đã không có cái động lực to lớn để bắt đầu con đường đầy chông gai thử thách nhưng  cũng đầy yêu thương hạnh phúc của mình. (chỉ có qua gian khó thử thách chúng ta mới cảm nhận được hết ý nghĩa của “yêu thương” và “hạnh phúc”winking. Nếu không có họ, tôi đã không có cơ hội nhận ra rằng, trên đời này còn có rất nhiều những con người tuyệt vời khác hẳn họ. Nếu không có họ, tôi đã không vô cùng yêu quý và trân trọng những người mến trọng và tin tưởng tôi. Nếu không có họ tôi đã không hiểu được rằng, tôi không bao giờ được tự cho mình cái quyền xem thường những mơ ước của người khác. Nếu không có họ, tôi đã không hiểu được rằng, tôi không bao giờ được tự cho mình cái quyền phán xét người khác. Nếu không có họ tôi đã không hiểu được tầm quan trọng của việc biết chấp nhận và tôn trọng người khác. Và vì tất cả những điều đó, tôi thật lòng cảm ơn họ.
Bạn cũng thế, bạn có thể chọn căm ghét những người từng coi thường ước mơ của bạn, để rồi bạn phải sống trong thù hằn, đau khổ hay lo lắng. Bạn cũng có thể chọn cảm ơn những người đó để biến sự tiêu cực của họ thành cái tích cực của mình, để có một nguồn sức mạnh thêm vào giúp bạn vươn lên không ngừng trong cuộc sống, để chứng tỏ rằng mình có thể. Và rồi thông qua cách bạn sống và vươn lên như một người thành công, bạn có thể tự tin “không cho phép” bất kỳ ai xem thường mình nữa. Tất cả là lựa chọn của bạn.
Mong bạn hãy nhớ một điều đơn giản rằng: Cho dù bạn là ai, nếu có người chọn xem thường bạn, thì bạn cũng không thể ép hay thuyết phục họ phải thay đổi suy nghĩ của họ ngay. Nhưng ngược lại, nếu bạn không cho phép người khác xem thường bạn trong suy nghĩ của mình, thì không có bất kỳ ai có thể thật sự xem thường bạn.
Cuối cùng, tôi hy vọng bạn sẽ lựa chọn cảm ơn những người xem thường bạn để rồi thật sự yêu quý và trân trọng những người luôn ủng hộ và tin tưởng bạn.
"nguồn www.trandangkhoa.com"

  • Làm thế nào để thật sự được hạnh phúc?
Những gì tôi chia sẻ có thể có ích với bạn hoặc có thể chưa có ích ngay, bởi vì cách sống và niềm tin của mỗi người chúng ta khác nhau. Nhưng thông qua những trải nghiệm của mình, tôi cảm thấy điều này tốt và tôi muốn chia sẻ với hy vọng rằng nó cũng sẽ giúp ích cho bạn.
Cũng trong bài viết trước, tôi đã chia sẻ với bạn rằng những giá trị vật chất (tiền tài, nhà cửa, xe cộ, chức quyền,…winking không thể mang lại hạnh phúc bền vững. Và hạnh phúc nhiều khi đơn giản chỉ là trân trọng và tận hưởng những gì bạn đang có, cũng như chấp nhận bản thân mình.
Tuy nhiên, có một cạm bẫy nguy hiểm ở đây mà bạn cần phải biết. Đó là nếu bạn trở nên “quá bằng lòng” với mọi thứ thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Câu trả lời là bạn sẽ ngừng vươn lên như một con người, thậm chí có thể thui chột dần. Cùng với thời gian, khi thời cuộc thay đổi, bạn sẽ có ngày càng ít lý do có thể giúp nuôi dưỡng hạnh phúc bên trong mình, bởi vì đơn giản, có thể những điều mà bạn trân trọng (và làm bạn hạnh phúc) sẽ biến mất dần theo năm tháng, trong khi không có gì mới đến với bạn một khi bạn đã quên mình phải nỗ lực.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là bạn không nên bao giờ lẫn lộn giữa “trân trọng những gì ta đang có” với “bằng lòng với những gì đang có mà quên vươn lên”. Chúng ta hiểu rằng, thế giới luôn phát triển, nếu chúng ta không ngừng vươn lên, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau.
Có thể bạn đang ở vào một thời điểm trong đời nào nó mà bạn cảm thấy hoàn toàn bằng lòng với cuộc sống hiện tại và bạn đơn giản… hạnh phúc. Điều ấy thật sự rất tốt. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải nghĩ đến một “hợp đồng bảo hiểm” cho hạnh phúc của mình. Hãy tranh thủ những lúc bạn đang cảm thấy hạnh phúc và chuyển nó thành năng lượng để vươn lên không ngừng bởi vì cuộc sống không phải bao giờ cũng… thuận buồm xuôi gió.
Tôi đã từng rơi vào cái bẫy của “hài lòng với hiện tại” và tôi đã phải trả giá. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tìm được một công việc ổn định với mức lương khá cao. Thế là tôi dành nhiều thời gian vào những việc vô bổ như là chơi game online chẳng hạn. Cho đến một ngày, tôi mất việc vì công ty tôi phá sản. Chưa hết, công ty còn nợ tôi đến tận 3 tháng lương. Bỗng nhiên, tôi thấy mình đang tiêu hết những đồng tiết kiệm cuối cùng trong khi ngày hôn lễ của tôi đang đến gần. Lúc đó, tôi chỉ mong rằng mình đã sống có ích hơn, dành thời gian rảnh rỗi để làm thêm chẳng hạn, nhưng sự thật là tôi đã hoài phí gần một năm cuộc đời mình vô ích.
Sau khi tôi khó khăn lắm mới thoát khỏi hoàn cảnh  ấy và lựa chọn từ bỏ lối sống cũ để sống xứng đáng hơn, tôi thề với bản thân mình rằng, tôi sẽ làm tất cả trong phạm vi đạo đức và pháp luật để trở nên thành công và giàu có. Và đó cũng là lúc tôi vô tình để mình rơi vào cái bẫy thứ hai.
Cái bẫy này hoàn toàn trái ngược với cái bẫy đầu tiên. Nó là cái bẫy của mong muốn thành công đến thật nhanh và kiếm thật nhiều tiền. Tôi chẳng làm gì vi phạm đạo đức hay pháp luật, nhưng vì cố gắng quá sức, tôi đã “đốt” đi sức khỏe và hạnh phúc của mình để chạy theo những điều tôi nghĩ sẽ làm tôi… hạnh phúc.
Tôi trở nên vội vã để vươn đến thành công. Tôi đạt được một vài thành tựu nhưng tôi cảm thấy mình ít hạnh phúc hơn bao giờ hết. Tôi cố tạo hạnh phúc từ bên trong mình và tôi làm được, nhưng rồi tôi lại nhanh chóng ”đốt” chúng đi để tạo năng lượng… làm việc. Chỉ có đến khi cảm thấy cuộc sống sao mà bế tắc, tôi mới nói với bản thân mình rằng: “Được rồi, chạy chậm lại. Đời là một cuộc marathon”, và tôi chọn kiên định tiến đến mục tiêu của mình từng ngày một cách kiên trì như một vận động viên marathon. Không quá chậm để trở nên tầm thường, nhưng cũng không quá nhanh để phải  hụt hơi. Tôi chợt hiểu ra rằng, thành công thật sự nằm trong chặng đường tôi vượt qua chứ không phải là một đích đến.
Nói cho cùng, tôi tìm ra bí quyết hạnh phục của mình ở trong một từ: CÂN BẰNG. Để thật sự hạnh phúc, bạn cần phải biết tạo ra hạnh phúc bên trong mình, cùng lúc đó, bạn cũng phải biết vươn lên để đạt được những thành quả để có thêm lý do cho hạnh phúc của mình. Nếu bạn chỉ tập trung quá nhiều vào việc tạo ra hạnh phúc bên trong, bạn có thể không bao giờ đạt được những thành quả mà bạn mong muốn trong đời. Ngược lại, nếu bạn sống vì những thành quả thì bạn có thể đang “đốt” hạnh phúc của mình trước khi được hạnh phúc.
Cho dù từ CÂN BẰNG nghe có vẻ đơn giản và dễ dàng, nó thật ra là cả một nghệ thuật sống. Chúng ta đều biết điều đó, nhưng liệu bao nhiêu người trong chúng ta thật sự sống như thế? Tôi tin rằng mỗi người chúng đều phải trả một cái giá nào đó để hiểu được nó, và thật ra nó sẽ rất khác nhau trong suy nghĩ của mỗi người .
Hạnh phúc có cái giá của nó. Tôi đã trả cái giá của mình để thật sự tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống. Và khi tôi viết những dòng này, tôi thật sự hy vọng nó có thể giúp bạn tìm được hạnh phúc của mình mà không cần phải trả giá quá cao.
Chúc bạn những điều tốt lành nhất, và dĩ nhiên là… chúc bạn hạnh phúc.
(nguồn www.trandangkhoa.com)
 

  • Làm thế nào để hạnh phúc?
Điều đầu tiên tôi muốn nói, đó là tôi chẳng phải một “chuyên gia” về “hạnh phúc học” hay gì cả. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đơn giản chia sẻ với bạn cách tôi đi tìm hạnh phúc, bởi vì tôi tin rằng, có thể nó cũng sẽ giúp bạn được ít nhiều.
Một sự thật đơn giản mà mọi người ai ai cũng biết: Tất cả chúng ta đều mong muốn được hạnh phúc, và đối với chúng ta, hạnh phúc gần như là một mục tiêu to lớn trong cuộc sống. Tuy nhiên, có một điều mà ít ai trong chúng ta biết được, đó là hạnh phúc không hề và không thể là một mục tiêu. Bạn sẽ chẳng bao giờ vươn tới được hạnh phúc, lấy được nó, hay nắm giữ nó, bởi đơn giản nó không hề tồn tại bên ngoài bản thân bạn. Có thể bạn thấy hơi khó hiểu, nhưng sự thật là thế, bạn chắc chắn không thể vươn tới, lấy được hay nắm giữ hạnh phúc, bởi vì đơn giản hạnh phúc vốn đã là một phần của bạn, nó là cảm xúc của chính bạn.  Bạn cảm thấy đây là một tin vui hay không vui? Tôi tin rằng đây thật sự là một tin tốt lành, bởi vì khi hạnh phúc là một cảm xúc tồn tại bên trong chính bản thân bạn, nó là thứ bạn luôn luôn sở hữu, chính vì thế, bạn luôn luôn có một sự lựa chọn: hạnh phúc hay là không.
Bạn có thể cảm thấy điều này thật khó tin. Bạn có thể nói với tôi rằng, bạn chỉ cảm thấy hạnh phúc khi bạn tìm được một công việc tốt, mua được một chiếc xe xịn, có được một căn nhà lớn, tìm được một người yêu tuyệt vời, hay bắt đầu xây dựng tổ ấm riêng của bạn,… Dĩ nhiên là bạn hoàn toàn đúng, và cũng như bạn, tôi biết rằng những sự kiện đó mang lại cho chúng ta những giây phút tuyệt vời khó quên và cả niềm hạnh phúc tức thời.
Bạn có để ý thấy rằng tôi gọi đó là những “hạnh phúc tức thời” không? Tại sao lại là như thế? Bây giờ, bạn hãy thử hỏi chính bản thân mình một câu hỏi đơn giản: “Những cảm giác hạnh phúc như thế tồn tại trong bao lâu?“, và hãy trả lời cho chính mình câu hỏi ấy một cách thành thật nhất…
Tôi tin rằng, đến lúc này, bạn vừa nhận ra một sự thật “phũ phàng” rằng cảm giác hạnh phúc từ những giây phút như thế không thật sự tồn tại lâu dài. Dĩ nhiên là bạn lại đúng một lần nữa, chúng không hề tồn tại lâu.
Tôi xin lỗi, nhưng có lẽ tôi lại phải chia sẻ thêm với bạn một sự thật còn “phũ phàng” hơn thế nữa. Đó là phần lớn chúng ta tiêu tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức để tìm kiếm những giây phút như thế trong sự căng thẳng, lo lắng, thất vọng, buồn bực và đôi khi cả giận dữ. Tệ hơn là, cho dù chúng ta có cố gắng đến mức nào đi nữa để theo đuổi những giây phút hạnh phúc tức thời đó, chẳng có gì có thể đảm bảo rằng chắc chắn ta sẽ có được chúng. Giả sử như một điều gì đó bạn tin rằng sẽ mang đến cho bạn hạnh phúc tuyệt vời nhất sẽ chẳng bao giờ xảy đến với bạn, như thế thì bạn sẽ cảm thấy ra làm sao?…
Cho nên, cách duy nhất để thật sự có được hạnh phúc thật sự lại rất đơn giản, đó là tự tạo ra hạnh phúc ngay trong chính bản thân bạn. Vâng, đúng thế, hạnh phúc không thật sự nằm ở chiếc xe bạn chạy, căn nhà bạn ở, hay công việc bạn đang có,…  bởi vì có những người đã đạt được rất nhiều thứ họ mong muốn, nếu không muốn nói là tất cả, nhưng rốt cuộc, họ vẫn không cảm thấy thật sự hạnh phúc. Đơn giản là vì hạnh phúc nằm trong chính bản thân mỗi chúng ta, nó nằm ở ngay trong chính bạn. Bạn tạo ra nó bằng cách trân trọng tất cả những gì bạn đang có, cũng như chấp nhận và yêu quý chính bản thân bạn. Đó chính là “bí quyết” hạnh phúc mà tôi muốn chia sẻ với bạn.
Bạn có biết rằng, những việc tưởng chừng như rất đơn giản tầm thường như mỗi ngày khi bạn có 3 bữa ăn đầy đủ, và hoặc mỗi tối bạn được ngả lưng trên chiếc giường êm ấm của mình, bạn đã hạnh phúc hơn 3 tỉ người khác trên thế giới này. Bạn có biết rằng, nếu mỗi ngày bạn đơn giản thức dậy vào buổi sáng, bạn đã hạnh phúc hơn 150,000 người sẽ không bao giờ thức dậy nữa từ ngày hôm đó.
Cuộc sống và hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản như thế. Vào bất kì lúc nào, chúng ta cũng có thể tìm ra lý do để cảm thấy không vui. Vậy thì sao chúng ta không đơn giản làm ngược lại? Chọn vui vẻ và hạnh phúc bằng cách sống hết mình. Bạn có thể chưa đạt được những gì bạn mong muốn nhưng bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc vì đã không cố gắng hết sức. Và đó là lý do, tôi đang cảm thấy hạnh phúc, cũng như bạn, hãy đơn giản bắt đầu hạnh phúc khi bạn đọc hết những dòng này…
Tôi tin rằng, những gì tôi chia sẻ với bạn đã bắt đầu hình thành trong bạn những ý tưởng giúp bạn thật sự đạt được hạnh phúc trong cuộc sống. Một lần nữa, tôi không khẳng định điều này đúng với tất cả mọi người. Nó sẽ không giúp gì được cho bạn, trừ khi bạn chọn tin vào nó, va từ đó tạo ra một “công thức hạnh phúc” riêng của bạn.
Tuy nhiên, tôi xin được phép tạm thời chưa kết thúc chủ đề này ở đây, bởi vì trong bài viết tiếp theo với tiêu đề: “Làm thế nào để thật sự hạnh phúc?“, tôi sẽ chia sẻ với bạn thêm về những “cạm bẫy” mà bạn có thể sẽ vô tình vấp phải trên con đường trở nên hạnh phúc hơn bằng cách tạo ra hạnh phúc trong chính trái tim bạn.
Cho đến lúc đó, hãy trân trọng những gì bạn đang có, trân trọng bản thân bạn, và đơn giản cảm thấy hạnh phúc.
"nguồn www.trandangkhoa.com"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét