Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

'Oằn mình' gánh kỳ vọng của cha mẹ

Trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi và gánh nặng khi cha mẹ kỳ vọng quá nhiều. (Ảnh minh họa).
                
    Ngày nay, khi điều kiện vật chất đủ đầy hơn, cha mẹ cũng ra sức đầu tư cho con cái với mong muốn chúng trở thành những đứa trẻ xuất sắc toàn diện. Buộc trẻ học ngày học đêm

Trẻ không phải động tay động chân vào việc gì, thậm chí cắt xén của trẻ cả những buổi sinh hoạt ngoại khóa để trẻ “chuyên tâm” học hành là những điều thường thấy ở một số gia đình.

Chị Hương nhà ở Q.Tân Bình, TP.HCM có cậu con trai 12 tuổi. Duy là một đứa trẻ thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát. Gia đình khá giả nên từ bé Duy đã được mẹ cho học thêm ở một “lò luyện” nổi tiếng. Học bán trú ở trường cả ngày, buổi tối lịch học của cậu bé dày đặc: nào là học thêm toán, văn, ngoại ngữ… Ngày thứ bảy, chủ nhật cũng kín mít với thời khóa biểu học đàn, học võ…

Nhiệm vụ mẹ đặt ra cho Duy là phải luôn dẫn đầu lớp. Mỗi ngày đón Duy đi học về, câu đầu tiên mẹ hỏi là hôm nay con được mấy điểm, sao lại để thua điểm bạn Khoa, bạn Hà… Và dọc đường về là những lời cằn nhằn, trách móc của mẹ. Bị áp lực về điểm số và sợ mẹ buồn nên Duy luôn căng thẳng mỗi khi làm bài kiểm tra, vì thế kết quả ngày càng tệ hơn.

Áp lực dồn nén khiến cậu bé trở nên chán nản, buồn bã. Duy không còn hứng thú với việc học hành và tới trường. Cậu hời hợt với bạn bè, lơ là với người thân, chỉ còn thú vui duy nhất là nghe nhạc một mình. Thấy con luôn ủ rũ, chị Hương thật sự hốt hoảng. Lo sợ con bị mắc bệnh về tâm lý, chị đưa con đến gặp chuyên viên tư vấn thì mới hiểu ra rằng, con chị đang phải chịu đựng một áp lực quá lớn trong học tập. Áp lực nặng nề này lại rơi ngay vào thời điểm cậu bé bước vào tuổi dậy thì nên đã dẫn đến hiện tượng trầm cảm.

Vô cùng ân hận trước hậu quả xảy ra, chị phân trần: “Tôi nghĩ rằng thời buổi này phải học nhiều thì mới theo kịp bạn bè. Tôi cũng chỉ vì tương lai của cháu…”.

Bé Hân con anh Thành ở Q.Gò Vấp, TP.HCM năm nay chín tuổi, là một cô bé chăm chỉ và ngoan ngoãn. Ước mong con gái học giỏi luôn đau đáu trong lòng người cha. Hằng ngày, mỗi khi bé Hân đi học về, anh cho con tắm rửa ăn cơm tốc hành rồi bắt con ngồi vào bàn, kèm cặp chặt chẽ. Hết bài ở lớp rồi sang toán nâng cao, tiếp tục là đọc thêm văn mẫu… Vốn là người không kiên nhẫn, mỗi khi gặp bài toán khó, con gái giải không được, anh Thành lại nóng nảy quát tháo. Và cũng không ít lần, không kiềm chế được, anh cốc đầu con và quát: “Sao mà dốt thế!”.


                     Trẻ cần có thời gian để vui chơi và phát triển nhân cách. (Ảnh minh họa).

Tiếng la mắng của cha, rồi tiếng khóc ấm ức của con cứ vang lên ngày này qua ngày khác. Vợ anh rất xót con, nhưng khuyên nhủ thế nào cũng không được. Cho đến một ngày, phát hiện bé Hân mắc căn bệnh nan y, việc học gián đoạn. Vợ chồng anh Thành phải đưa bé đi chữa trị khắp nơi, bé phải trải qua những cuộc phẫu thuật đầy cam go, đau đớn. Không còn những buổi tối cha con ngồi học cùng mà nước mắt nhòe trang giấy nữa, thay vào đó, anh dành thời gian trò chuyện, vui chơi cùng con… Bé Hân mau chóng học đuổi bạn bè và vẫn đạt kết quả tốt trong học tập. Anh thừa nhận: “Tôi đã sai lầm khi quá kỳ vọng con sẽ là một đứa bé xuất sắc. Tôi thật có lỗi với con".

Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta bắt gặp không ít những ông bố bà mẹ quá kỳ vọng vào con, giao trọng trách buộc trẻ phải học thật giỏi. Thậm chí, có những gia đình mà cả cha mẹ và con đều bị stress vì việc học của trẻ. Những thành tích mà ngày xưa cha mẹ không đạt được hoặc không có cơ hội để thực hiện thì bây giờ lại ép trẻ thực hiện. Trẻ vừa phải nuôi dưỡng ước mơ của chính bản thân mình, lại vừa phải gánh trọng trách này.

Những trẻ có tố chất thông minh, nhanh nhẹn sẽ dễ làm hài lòng cha mẹ. Còn những trẻ tiếp thu chậm, không nhạy bén thì việc ép học quá mức sẽ khiến trẻ căng thẳng, thậm chí đau khổ, buồn bã vì đã làm cha mẹ thất vọng. Không những bị đánh mất tuổi thơ, áp lực này vô tình sẽ chồng lên áp lực kia, dẫn đến việc trẻ không còn hứng thú với mọi điều xung quanh.
Cá biệt, cũng có những đứa trẻ được cha mẹ “nhồi sọ” từ nhỏ nên quá mê học, khao khát đạt thành tích trong việc học tới mức không quan tâm đến vấn đề nào khác. Trong một chuyên đề do Hội quán Các bà mẹ tại TP.HCM tổ chức, chị Hồng, một phụ huynh ở Q.7 vô cùng lo lắng khi nói chuyện với chuyên viên tâm lý: “Ngày xưa, tôi rất kỳ vọng vào việc học của con. Tôi đã hãnh diện khi con mình có ý thức tự giác trong học tập và luôn đạt thành tích cao nhất lớp.

Càng lớn, cháu càng mê học hơn. Chỉ có điều, trước kia, cháu sống tình cảm và rất đáng yêu, mỗi lần đến sinh nhật cha, mẹ hoặc em gái, cháu không quên vẽ những bức tranh dễ thương hoặc tự tay cắt những bông hoa xinh xắn để làm quà tặng, còn bây giờ cháu không quan tâm hay nhớ đến sinh nhật của ai cả mà chỉ chúi đầu vào học…”

Vẫn biết rằng khao khát con cái học giỏi và thành đạt của các bậc cha mẹ là chính đáng, tuy nhiên, mỗi đứa trẻ có một khả năng tư duy khác nhau, điều quan trọng là chúng ta cần tạo môi trường để cho trẻ phát triển đúng khả năng của mình. Ngoài việc học, trẻ cần có thời gian để vui chơi và phát triển nhân cách. Khuyến khích trẻ học là việc nên làm, nhưng hãy để trẻ cân bằng giữa học và chơi, ngoài ra, trẻ cần có ý thức tham gia lao động, sống chan hòa, cởi mở với mọi người xung quanh.

Trẻ có thành công và hạnh phúc trong tương lai hay không phụ thuộc nhiều vào chỉ số cảm xúc ở trẻ hơn là chỉ số thông minh. Vì thế, bồi dưỡng trẻ thế nào cho đúng cách, phù hợp với năng lực và trí tuệ của trẻ để không tạo áp lực căng thẳng, khiến trẻ trở nên bi quan và chán học là điều mà các bậc cha mẹ cần quan tâm.  

Theo Eva



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét